Quản Lý Giống Thủy Sản Còn Nhiều Bất Cập
Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy hải sản trên cả nước phát triển tương đối mạnh, nhiều đối tượng nuôi như: Tôm sú, tôm chân trắng, cá tra, cá ba sa… đã chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn cung trong nước còn hạn chế, một lượng lớn giống thủy sản ở Việt Nam phải nhập từ nước ngoài nên công tác quản lý còn nhiều bất cập, chất lượng con giống, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát.
Tôm nhập khẩu nhiễm bệnh
Vừa qua, tại TP. Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Thông tư số 26/2013 của Bộ NN-PTNT về quản lý giống thủy sản. Tại hội nghị, nhiều ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về giống thủy sản đều có chung nhận định rằng, dù thời gian qua công tác kiểm dịch giống thủy sản (chủ yếu giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng) được quan tâm hơn, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại chưa được giải quyết, nhất là trong khâu quản lý giống thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay cả nước nhập khẩu gần 7 triệu con tôm post giống và tôm bố mẹ giống; thị trường nhập khẩu chủ yếu là: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Hoa Kỳ… Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, tháng 3-2011, Cục Thú y đã ban hành công văn tăng cường thủy sản giống nhập khẩu. Theo đó, tôm giống nhập khẩu phải được lấy mẫu kiểm dịch các dịch bệnh thường gặp trên tôm. Các lô tôm giống nhập khẩu đều phải giám sát cách ly kiểm dịch bởi Cơ quan Thú y vùng trong thời gian 10 ngày.
Tuy được siết chặt quản lý, nhưng theo các ngành chức năng, cũng có một số lô tôm giống vẫn “lọt sổ” kiểm dịch, rất nguy hại cho người nuôi. Mới đây, qua kiểm tra, Cục Thú y đã phát hiện 2 lô tôm giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu của Doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Đắc Lộc (nhập từ Thái Lan) và một lô tôm giống tương tự của Công ty TNHH Việt Úc (nhập từ Singapore) có dương tính với virus gây bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV). Đây là loại virus rất nguy hiểm và thường gặp trên tôm. Hiện các lô hàng có nhiễm virus IHHNV đã được tiêu hủy, công tác thắt chặt kiểm tra dịch bệnh cũng được tăng cường hơn.
Khó kiểm soát chất lượng giống
Hiện nay, cả nước có 1.425 cơ sở sản xuất tôm sú và 103 cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng; so với cùng kỳ năm ngoái thì số lượng cơ sở sản xuất giảm khoảng 10%. Hàng năm, các cơ sở này sản xuất khoảng 23,5 tỷ con tôm giống, trong đó tôm sú chiếm khoảng 15 tỷ con.
Do điều kiện tự nhiên khá tốt, các tỉnh Nam Trung bộ như: Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận là nơi chiếm khoảng 40% tổng cơ sở sản xuất tôm giống cả nước, cung ứng khoảng 70% lượng tôm giống hàng năm. Tuy vậy, do phát triển tự phát, không theo quy hoạch nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Một thực tế, tại hầu hết các cơ sở tôm giống hiện nay đang sử dụng một lượng lớn tôm giống bố mẹ kém chất lượng, kéo theo đó là chất lượng tôm post giống kém.
Qua nhiều đợt kiểm tra, cơ quan chuyên môn phát hiện nhiều cơ sở sản xuất khá nhiều tôm giống, nhưng lượng tôm bố mẹ nhập quá ít. Lý do là các cơ sở này sử dụng “quá đát” tôm bố mẹ để sản xuất tôm giống dẫn đến tôm giống không khỏe, ít đề kháng.
Theo Tổng cục Thủy sản, khi các cơ quan chuyên môn ráo riết kiểm tra tổng đàn tôm bố mẹ tại các cơ sở nuôi, thì họ chạy đôn chạy đáo xin nhập tôm bố mẹ nhằm đối phó, hợp thức hóa. Điều đó có thể thấy rằng, một lượng không nhỏ tôm “quá đát” được sử dụng làm tôm bố mẹ, và tất nhiên là rất khó để kiểm soát chất lượng tôm giống ra thị trường.
Trên thực tế, các cơ quan chức năng cũng như nhiều địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc siết chặt quy hoạch các trại giống trên toàn quốc, và song song với đó là thực hiện chủ trương tập trung xây dựng hệ thống trại giống quốc gia làm nòng cốt, đóng vai trò chủ đạo trong việc thuần chủng, cung cấp tôm giống cho các trại giống thành viên và người nuôi.
Nhưng đến nay, những kỳ vọng đó chỉ là trên chủ trương. Trong khi đó, các trại giống tư nhân đua nhau mọc lên như nấm; có trại giống được cấp phép sản xuất, nhưng thực tế không đáp ứng được các yêu cầu về quy chuẩn trại giống, khiến chất lượng giống đầu ra không đảm bảo và không được kiểm soát chặt chẽ.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng, trong thời gian qua công tác quản lý kiểm dịch tôm giống vẫn còn chồng chéo, chưa đồng bộ, nhất là các cơ quan chuyên trách cấp tỉnh, dẫn đến hiệu quả quản lý còn thấp. Tổng cục Thủy sản cũng có kiến nghị lên Bộ NN-PTNT và Bộ Nội vụ nên ban hành các thông tư liên tịch, quy định rõ chức năng nhiệm vụ một cách cụ thể hơn để công tác quản lý thêm chặt chẽ, tránh chồng chéo.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù vùng rau sạch Ninh Đông (TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã được công nhận đủ điều kiện SX nông nghiệp tốt (VietGAP) song vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là đầu ra sản phẩm.
Nghề nuôi nhím sinh sản một thời hái ra tiền, “một vốn bốn lời”, “buôn tài không bằng xài lông nhím”. Nhà nhà đua nhau nuôi nhím.
Đậu tương vốn là cây trồng tưởng chỉ xuất hiện ở vụ đông nhưng Hà Nội đang đi tiên phong trong phát triển đậu tương hè với năng suất và hiệu quả kinh tế thực sự gây ấn tượng…
Hà Nội có rất nhiều giống nhãn muộn nhưng phổ biến là HTM1 (quả méo) và HTM2 (quả tròn) với đặc điểm là quả to, cùi dày, trọng lượng trung bình 50 - 60 quả/kg và chín muộn hơn các giống nhãn khác tới 30 - 45 ngày.
Nhiều giải pháp kỹ thuật trong SX vụ đông đã được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) giới thiệu, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả SX nông sản.