Xuất Khẩu Chính Ngạch Tôm Hùm, Cá Mú
Từ trước đến nay cá mú, tôm hùm sống đều lệ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch, thường xuyên bị ép giá. Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa đang đi đầu trong cả nước lập một dự án đưa cá mú, tôm hùm xuất khẩu chính ngạch bằng tàu thông thủy…
Xuất ngoại bằng tàu thông thủy
Dự án đầu tư thu mua và xuất khẩu chính ngạch thủy sản tươi sống do Hội Nghề cá tỉnh lập vừa được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, một tổng kho trên biển (dạng bè) sẽ được lập tại vùng nước thuộc Cảng Cam Ranh (TP. Cam Ranh) để thu gom, phân kích cỡ, nuôi rộng... các loại cá mú và tôm hùm sống trước khi xuất khẩu chính ngạch.
Song song, chủ đầu tư là Công ty TNHH Phúc Minh đã làm thủ tục xin phép cho tàu thông thủy Việt Điện Bạch 8366 (Trung Quốc) vào Cảng Cam Ranh và Cảng Vân Phong (huyện Vạn Ninh) để bốc dỡ tôm hùm, cá mú vận chuyển và xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Được biết, Tổng cục Thủy sản cũng đã cấp giấy phép cho tàu Việt Điện Bạch 8366 ra vào các cảng trên để tham gia vào dự án, vận chuyển các mặt hàng hải sản này.
Ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh, đơn vị lập dự án cho biết: Từ trước đến nay, việc tiêu thụ các loại hải sản tươi sống nuôi biển như cá mú, tôm hùm tại các tỉnh Nam Trung bộ đều lệ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch nên ngư dân thường xuyên bị ép giá, đầu ra bấp bênh, lâm vào cảnh được mùa mất giá. Gần đây, có thông tin Trung Quốc cũng đã cấm nhập khẩu tiểu ngạch, nên những sản phẩm thủy sản nuôi biển này cũng rớt giá mạnh.
Hàng năm, chỉ tính riêng tỉnh Khánh Hòa có sản lượng 1.000 tấn tôm hùm và khoảng 500 tấn cá mú. Nhưng do xuất khẩu tiểu ngạch nên vừa khó khăn trong quản lý, Nhà nước vừa không thu được thuế, thiệt đơn thiệt kép. Theo dự án của Hội Nghề cá tỉnh, mô hình liên kết với đơn vị có tàu thông thủy để xuất khẩu chính ngạch hải sản sống đang là mô hình tiên phong trên cả nước, giúp nghề nuôi biển của ngư dân phát triển bền vững hơn.
Bao tiêu sản phẩm
Ông Trần Đại Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Phúc Minh (trụ sở tại Nha Trang), nhà đầu tư của dự án này cho biết, các mặt hàng cá mú, tôm hùm có đặc thù là xuất khẩu sống nguyên con sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông sẽ có giá trị cao hơn xuất đông lạnh.
Đặc biệt là tôm hùm chỉ có giá cao khi đang sống. Vì vậy, tổng kho dạng bè được lập một cách hợp pháp trên biển nhằm thu mua, lưu giữ các loại hải sản này của ngư dân. Sau khoảng 10 - 15 ngày, khi cá và tôm đã quen với môi trường nước mới, được phân kích cỡ, và tập hợp đủ lượng hàng theo hợp đồng là lên đường xuất ngoại chính ngạch bằng đường biển trên tàu thông thủy.
Hiện bình quân mỗi tháng có khoảng 22 tấn cá mú nuôi của ngư dân được xuất khẩu chính ngạch. Lượng cá được thu mua chủ yếu ở vùng nuôi Cam Ranh và các tỉnh lân cận.
Ông Lê Tấn Bản - Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp đã xin phép nhập khẩu từ Đài Loan giống cá mú nghệ có giá trị kinh tế cao phân phối, chuyển giao kỹ thuật cho người nuôi và bao tiêu sản phẩm.
Riêng tôm hùm, trước nay được xuất khẩu tiểu ngạch bằng cách gây mê lạnh, chuyên chở bằng đường hàng không ra Hà Nội rồi đi bằng đường bộ lên cửa khẩu Lạng Sơn. Thực hiện dự án này, Công ty TNHH Phúc Minh đã xuất một số lô hàng tôm hùm sống bằng tàu thông thủy.
Hiện Công ty này đang cải tiến kỹ thuật nhằm giảm tình trạng sốc môi trường đối với tôm hùm trong quá trình di chuyển, hạn chế mức thấp nhất tổn thất sau thu hoạch nhằm mở rộng xuất khẩu tôm hùm chính ngạch. “Sau khi báo chí lên tiếng về tình trạng người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh, nhằm bảo đảm an ninh quốc phòng, Công ty chúng tôi đã chấm dứt hợp đồng với tất cả người Trung Quốc, hiện chỉ sử dụng người Việt đã lành nghề làm việc tại tổng kho và làm mọi thủ tục đưa việc xuất khẩu tôm hùm, cá mú vào quy củ” - ông Dũng nói.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 20 hộ dân ở thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn (Đơn Dương - Lâm Đồng) tự phân công sản xuất từng loại rau theo thỏa thuận với hệ thống siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh. Quy trình sản xuất được kiểm tra nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, nếu hộ nào không tuân thủ sẽ chịu các hình thức kỷ luật tương xứng như cảnh cáo, khai trừ…
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đàn bò thịt cả nước từ 6,7 triệu con năm 2007 giảm xuống còn 5,07 triệu con vào năm 2014, tức chỉ trong 7 năm đã giảm khoảng 1,63 triệu con. Do nguồn cung trong nước đáp ứng chưa tới 30% nhu cầu tiêu dùng nên Việt Nam phải nhập khẩu 300.000 - 400.000 con bò thịt mỗi năm từ Australia, Lào, Campuchia, Thái Lan...
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận đã trồng mới 1.968 ha thanh long. Các huyện có diện tích trồng mới thanh long nhiều gồm huyện Bắc Bình 520 ha, Hàm Thuận Nam 499 ha, La Gi 351 ha và Hàm Thuận Bắc 280 ha. Nâng tổng diện tích thanh long toàn tỉnh đến cuối tháng 6/2014 đạt 22.470 ha.
Linh hoạt cấp vốn vay theo từng giai đoạn của dự án là hình thức đang được các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai trong Chương trình Cho vay thí điểm theo chuỗi nông nghiệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai từ đầu tháng 6/2014.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi: Toàn huyện hiện có hơn 800 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm bán công nghiệp với hơn 1.000 ha. Tập trung ở các xã Tạ An Khương, Tân Đức, Nguyễn Huân, Quách Phẩm Bắc, Tân Duyệt và thị trấn Đầm Dơi, năng suất bình quân đạt 5 tấn – 6 tấn/ha/vụ nuôi.