Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Qua Vụ Nuôi Tôm Xuân Hè Năm 2014

Qua Vụ Nuôi Tôm Xuân Hè Năm 2014
Ngày đăng: 12/07/2014

Vụ xuân hè năm nay, toàn tỉnh Nam Định nuôi 582ha tôm thẻ chân trắng, chủ yếu theo phương thức thâm canh và bán thâm canh với nhiều vùng nuôi ở các xã Giao Phong, Bạch Long, Giao Yến, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy); Hải Chính, Hải Đông, Hải Lý, Hải Triều, Hải Hòa (Hải Hậu); Nam Điền, Nghĩa Thắng, Cty Viễn Đông (Nghĩa Hưng) và Cty CP Fukyo (Xuân Trường).

Ngay từ đầu vụ nuôi, hầu hết các hộ nuôi đã thực hiện nghiêm túc các quy trình kỹ thuật. Công tác cải tạo ao đầm, xử lý nước trước khi đưa vào nuôi được chú trọng thực hiện đúng quy trình.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nên trình độ kỹ thuật của người nuôi được nâng cao rõ rệt. Phần lớn các cơ sở nuôi có hệ thống công trình phụ trợ đầy đủ như ao chứa, ao lắng, hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, hệ thống nhà kho... Bờ ao nuôi được trải bạt hoặc đổ bê tông nhằm tránh rò rỉ nước ao.

Trên địa bàn tỉnh, thức ăn cho tôm, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học được cung cấp bởi các hãng có uy tín như Grobest, CP. Đa số các hộ thực hiện nghiêm túc quy trình nuôi đã được hướng dẫn bởi cơ quan quản lý và kỹ thuật viên của các Cty cung ứng vật tư thủy sản. Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, vụ tôm xuân hè năm nay được mùa khi năng suất bình quân tôm thẻ chân trắng của toàn tỉnh đạt từ 6-8 tấn/ha, cao hơn so với năm 2013.

Tuy nhiên, tại thời điểm xuất bán, giá tôm thẻ chân trắng có giá thấp hơn so với năm 2013 từ 30-50 nghìn đồng/kg, trong khi đó chi phí thức ăn, con giống, chế phẩm sinh học... tăng cao nên lợi nhuận thu về không cao hơn so với mọi năm.

Mặc dù vậy, nhiều hộ nuôi tôm vẫn đạt thu nhập cao. Anh Hoàng Đức Thiện, xóm Tây Bình, xã Hải Triều (Hải Hậu) cho biết: Năm 2011, anh đấu thầu 2ha đất thuộc vùng trồng lúa kém hiệu quả của xã Hải Hòa. Anh đã đầu tư xây 4 ao nuôi tôm thẻ chân trắng nổi với tổng diện tích mặt nước 1ha cùng hệ thống ao lắng, ao chứa để có nguồn nước dự trữ cho tôm nuôi.

Các ao được lót bạt và làm rốn thoát nước ở giữa ao, toàn bộ chất thải và nước thải được dẫn ra ngoài theo ống thoát bằng nhựa PVC nên môi trường trong ao nuôi luôn đảm bảo sạch sẽ, ổn định. Vì vậy qua 3 vụ nuôi, tôm nhà anh luôn khỏe, lớn nhanh, không bị mắc dịch bệnh. Vụ tôm xuân hè năm nay, anh thu hoạch được 10 tấn tôm/ha, thu lãi trên 400 triệu đồng…

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vụ tôm xuân hè năm nay vẫn còn một số hạn chế. Tại một số nơi, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở những vùng chuyển đổi từ làm muối sang nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Tình trạng ao nuôi tôm nằm xen kẽ với ruộng muối rất khó khăn cho thực hiện các thao tác kỹ thuật, nhất là khi xử lý các sự cố. Hệ thống thủy lợi cho nuôi tôm vẫn sử dụng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ làm muối. Hệ thống điện phục vụ các vùng nuôi chưa hoàn chỉnh.

Nhiều cơ sở nuôi không đáp ứng được các điều kiện về quy hoạch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22-7-2010 của Bộ NN và PTNT về Quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như: không nằm trong vùng nuôi tập trung đã được quy hoạch, không có ao chứa, lắng, không có nguồn cấp, thoát nước riêng biệt.

Bên cạnh đó, trình độ của người nuôi tôm chưa theo kịp với yêu cầu kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng. Một số hộ nuôi vẫn dùng kháng sinh liều cao, chế phẩm sinh học tràn lan trong quá trình chăm sóc tôm thẻ chân trắng. Khi môi trường ao nuôi có biến động, dịch bệnh phát sinh, nhiều hộ nuôi không thể chủ động xử lý các sự cố trong ao nuôi của mình mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào hướng dẫn kỹ thuật của các nhà cung ứng vật tư nuôi tôm.

Do nguồn giống tôm năm nay khan hiếm vào chính vụ nên việc kiểm soát chất lượng tôm giống gặp khó khăn. Trong vụ nuôi tôm xuân hè năm 2014, đã có 50ha tôm bị chết sau khi thả 30-60 ngày tại các địa phương: Giao Phong, Thị trấn Quất Lâm, Hải Đông…

Qua phân tích mẫu, đã phát hiện có 3 mẫu lấy tại Xã Giao Phong dương tính với vi-rút gây hoại tử gan tụy; 4 mẫu nước ao nuôi vùng Giao Phong, Quất Lâm có chỉ tiêu NH3 vượt ngưỡng cho phép. Nguyên nhân tôm chết là do thời tiết trong tháng 5-2014 thay đổi bất thường, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao. Mật độ thả ở một số ao nuôi quá dày (trên 200 con/m2), trình độ nuôi thâm canh kém, quản lý môi trường ao nuôi không tốt.

Một số hộ thả tôm giống cỡ nhỏ. Mặt khác công tác quản lý Nhà nước về NTTS nói chung, nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý điều kiện kỹ thuật nuôi chưa chặt chẽ, chất lượng giống tôm thẻ chân trắng còn thấp.

Tại một số vùng nuôi, việc cải tạo ao nuôi không được chú ý, không cày đáy, phơi ao mà chỉ khử trùng, lấy nước và thả tôm ngay; việc xử lý môi trường ao nuôi còn tùy tiện, không đúng quy trình, nước thải không được xử lý mà xả thải trực tiếp ra môi trường. Chưa thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình nên chưa có giải pháp khắc phục kịp thời các sự cố xảy ra.

Để phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững trong các vụ tiếp theo, các cấp, các ngành và các địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong nuôi tôm thẻ chân trắng.

Tăng cường kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở nuôi, kiên quyết không cho nuôi thả tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh đối với những cơ sở chưa bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời tổ chức quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, sản xuất giống theo quy định của Bộ NN và PTNT.

Thanh tra Sở NN và PTNT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong NTTS, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đặc biệt là những trường hợp vi phạm các quy định về quản lý giống thủy sản, kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc kháng sinh, hóa chất dùng trong NTTS, các quy định về quản lý môi trường và dịch bệnh trong NTTS. Các đơn vị chức năng ngành Nông nghiệp tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả, bền vững.

Sau vụ tôm xuân hè, người NTTS đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện, cải tạo ao đầm nuôi gối vụ hè thu, góp phần hoàn thành mục tiêu sản lượng NTTS năm 2014 toàn tỉnh đạt trên 63 nghìn tấn.


Có thể bạn quan tâm

Phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2016 đạt 46.000 tấn Phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2016 đạt 46.000 tấn

Nghệ An đang đặt mục tiêu sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2016 đạt 46.000 tấn.

12/11/2015
Toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 23.300 lồng nuôi tôm hùm Toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 23.300 lồng nuôi tôm hùm

Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 23.300 lồng nuôi tôm hùm, chiếm hơn 40% tổng số lồng nuôi của cả nước. Trong đó, huyện Vạn Ninh có khoảng 10.000 lồng, TP. Cam Ranh hơn 7.000 lồng, TP. Nha Trang khoảng 3.000 lồng...

12/11/2015
Hơn 300 ha mặt nước ở Tuy Phước bị ngọt hóa nhiễm phèn nặng người nuôi trồng thủy sản chờ giải pháp bền vững Hơn 300 ha mặt nước ở Tuy Phước bị ngọt hóa nhiễm phèn nặng người nuôi trồng thủy sản chờ giải pháp bền vững

Hơn 300 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản (NTTS) - chủ yếu là tôm, cá - tại thôn Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa (Tuy Phước - Bình Định) bị nhiễm phèn nặng nên người NTTS tại đây thường xuyên rơi vào cảnh mất mùa, thua lỗ.

12/11/2015
Nhiều diện tích lúa tôm bị thiệt hại do nắng nóng mặn xâm nhập Nhiều diện tích lúa tôm bị thiệt hại do nắng nóng mặn xâm nhập

Theo Sở NN&PTNT, tình hình xuống giống vụ lúa - tôm của nông dân hiện gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi, xâm nhập mặn…

12/11/2015
Nông dân Quỳnh Lưu đầu tư nuôi vụ 3 Nông dân Quỳnh Lưu đầu tư nuôi vụ 3

Sau khi thu hoạch xong tôm vụ 2, nhiều gia đình ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục đầu tư nuôi tôm vụ 3, với kỳ vọng tôm sẽ tăng giá trở lại.

12/11/2015