Hải Phòng Bảo Tồn Giống Gà Liên Minh
Cách đây ít năm thôn Liên Minh, xã Trân Châu, huyện Cát Hải, tỉnh Hải Phòng được coi là “đảo của đảo” vì biệt lập với bên ngoài bởi các rặng núi đá cao vút. Chính vị trí địa lý đặc biệt ấy tạo nên một vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng riêng và giống gà bản địa thuần chủng – mà tên của thôn đã được đặt cho giống gà này: Gà Liên Minh.
Đặc sản đáng tự hào
Thôn Liên Minh là nơi địa hình cao nhất trên đảo Cát Bà có người dân sinh sống.
Người dân ở Liên Minh sống bằng nghề nuôi gà, nuôi ong và trồng hoa màu. Theo ông Vũ Văn Liệu, Chủ tịch xã Trân Châu, thôn Liên Minh có 18 hộ thì cả 18 hộ này đều chăn nuôi giống gà riêng có của thôn. Mỗi hộ nuôi từ vài chục con đến vài trăm con.
Gà Liên Minh là một “thương hiệu” đáng tự hào của xã Trân Châu và huyện đảo. Gà được nuôi theo hình thức thả vườn, thức ăn chủ yếu là ngô. Ban đêm, gà tự do ngủ trên cây, hầu như không cần chuồng trại. Chuồng chỉ cần khi gà ấp nở. Gà Liên Minh được ấp đẻ tự nhiên, nhưng không đẻ được nhiều, mỗi lứa chỉ 10 – 12 quả.
Nuôi chừng 7 – 8 tháng thì xuất bán. Giá gà khá cao so với các giống gà thường, khoảng 200.000 đ/kg. Giống gà này to cao, chân và cổ dài, lông mượt và da vàng óng. Gà đực có thể nặng tới 5kg, gà mái tới 3kg. Đàn gà khỏe mạnh, rất ít khi bị dịch bệnh.
Không chỉ có hình thức đẹp, gà Liên Minh nổi tiếng bởi chất lượng tuyệt hảo. Thịt thơm và mềm, ngọt, da giòn, vàng tươi rất bắt mắt. Những ưu điểm vượt trội của gà Liên Minh hấp dẫn nhiều người chăn nuôi ở các địa phương khác.
Bà Trần Thị Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trân Châu cho hay, hiện nay có nhiều người ở nơi khác mua giống gà Liên Minh về nuôi. Nhưng dù ở bất cứ nơi nào, chất lượng gà vẫn kém hơn hẳn so với gà nuôi ở thôn Liên Minh và chỉ sau vài năm là giống bị thoái hóa dần.
Thời gian gần đây, khi Cát Hải phát triển hình thức du lịch cộng đồng, thôn Liên Minh như “nàng tiên ngủ trong rừng” được đánh thức với các tiềm năng du lịch sinh thái và thể thao mạo hiểm- leo núi. Khách du lịch đến đây, đặc biệt là khách nước ngoài, vô cùng thích thú khi được thưởng thức các món ăn từ gà Liên Minh.
Cùng với sự phát triển du lịch, nhu cầu về gà đặc sản ngày càng cao, không đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và người dân địa phương.
Bảo vệ nguồn gen quý
Với giá trị quý báu về nguồn gen bản địa, gà Liên Minh đang được quan tâm bảo tồn. Đến nay, giống gà trong thôn vẫn không hề bị lai tạp và thoái hóa. Có được điều hiếm có này là do người dân trong thôn ý thức được việc bảo vệ giống gà quý.
Từ nhiều năm nay, bà con trong thôn cùng nhau đề ra một quy ước và thực hiện rất nghiêm túc: tuyệt đối không đưa giống gà từ nơi khác vào địa phương nuôi và lai tạo, nhằm bảo tồn nguồn gen thuần chủng của gà Liên Minh. Bên cạnh đó, hằng năm, Viện Chăn nuôi Việt Nam đều cấp kinh phí cho địa phương phun thuốc khử trùng, phòng bệnh cho đàn gà Liên Minh.
Chung sức với Viện Chăn nuôi, ngành KH-CN Hải Phòng cũng đang có nhiều hoạt động nhằm góp phần bảo tồn giống gà Liên Minh, bảo đảm nguồn gà thương phẩm cung cấp cho thị trường du lịch tại huyện đảo. Được biết, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN Hải Phòng đang triển khai dự án bảo tồn giống gà Liên Minh (dự án cấp Bộ KH-CN) với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng.
Đồng thời, Sở KH-CN, cũng đang hỗ trợ xã Trân Châu tiến hành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “gà Liên Minh” mà Hội Nông dân xã sẽ làm chủ sở hữu nhãn hiệu này.
Có thể bạn quan tâm
Đã gần 20 năm nay, địa chỉ “Huy Veo” ở thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) chuyên cung cấp cây bóng mát, cây công trình của ông Nguyễn Văn Veo trở nên thân quen đối với nhiều cơ quan, đơn vị, các khu du lịch trong vùng.
Anh Nguyễn Văn Toàn (Hà Giang) hỏi: Đề nghị cho biết chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở trồng rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP?
Có mặt trên cánh đồng thôn Phú Mỹ (xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh) những ngày cuối tháng 5, các đại biểu và bà con nông dân tham gia hội thảo đánh giá chất lượng TBR 225 đều vui mừng vì đã tìm ra được giống lúa có chất lượng gạo ngon và năng suất rất cao.
Việt Nam đang tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập vừa mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đưa đến không ít thách thức đối với nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Để tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua thách thức, ngành nông nghiệp đang ra sức tái cơ cấu nhằm nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp cận đô thị, huyện Cẩm Khê đã đưa mô hình nuôi lươn không bùn vào nuôi ở 2 xã Sai Nga và Đồng Cam mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là mô hình của ông Nguyễn Quốc Khải ở khu Đồng Kệ xã Đồng Cam và chị Nguyễn Thị Thủy ở khu 5 xã Sai Nga, nuôi lươn trên bể xi măng lót bạt không bùn để cung ứng cho thị trường sản phẩm lươn sạch.