Quả Ngọt Từ Vùng Đất Cằn
Nhắc đến gò Đình ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) ai cũng nghĩ đến một vùng đất khô cằn được hình thành bởi đá và đất sét, mùa nắng đất tung bụi mù trắng xóa, mùa mưa thì lềnh nước.
Thế nhưng, ở đấy có những con người không quản ngại gian khó, lặng lẽ làm kinh tế, biến vùng đất ấy “sinh” ra quả ngọt để làm giàu. Tiêu biểu là gia đình anh Nguyễn Hữu Chánh, thôn Tình Phú Tây, xã Hành Minh.
Cái nắng oi ả của những ngày tháng 8 như dịu lại khi bước vào trang trại của gia đình anh Chánh. Hai bên lối đi trên con đường nhỏ rợp bóng mát. Những cây nhãn cao nhất chỉ vượt quá tầm đầu người, tán xòe rộng, lúc lỉu quả, thoang thoảng mùi hương nhãn chín.
Nhìn những quả nhãn to gần bằng quả quất, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi lẽ những cây nhãn vườn truyền thống của địa phương quả nhỏ, vị ngọt nhưng mỏng cơm.
Còn quả nhãn trồng tại trang trại của anh quả nhỏ nhất cũng to hơn loại nhãn thông thường. Quả mọng, khá dày cơm, vị ngọt thanh dịu, chùm nhãn ít nhành lá. Nhìn vườn nhãn, anh Chánh không giấu được niềm tự hào: “Hiện tại, gia đình tôi trồng gần 70 gốc, từ đầu mùa đến giờ bán rất được giá”.
Có được vườn nhãn như ngày hôm nay là nhờ anh Chánh có niềm tin và quyết tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng nhãn. Anh nhớ lại, vào khoảng những năm 2000, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã giúp đỡ đầu tư tại vườn nhà anh 70 gốc nhãn, giống nhãn xuồng cơm vàng.
Không chỉ trang trại của anh, Trung tâm còn đầu tư cho những hộ lân cận. Khoảng 3 năm sau, ngoài những cây không chịu được hạn chết lúc còn non, những cây nhãn còn lại bắt đầu cho quả nhưng năng suất không cao.
Những năm tiếp theo cũng thế nên nhiều hộ xung quanh mất kiên nhẫn bắt đầu chặt bỏ, riêng gia đình anh vẫn kiên trì để cây nhãn bám đất. Anh tâm sự: “Mình chặt bỏ thì dễ, nhưng tôi có niềm tin vào khoa học kỹ thuật. Sở dĩ cây nhãn chưa cho năng suất cao là do mình chăm sóc không kỹ.
Hơn nữa, đất ở đây chủ yếu là đá và đất sét nên quá bạc màu, chỉ thích hợp với việc trồng điều và khoai mì. Để trồng nhãn, mình cần phải kiên trì. Đến khi nào đã cố hết sức mà không được thì chặt bỏ vẫn không muộn”.
Từ đó, anh Chánh không quản ngại khó khăn ra sức chăm nhãn. Một hệ thống đường mương tạo nên bằng sức lao động thủ công bao quanh vườn nhãn để dẫn nước từ nguồn tưới cho từng gốc. Mỗi khi thu hoạch xong, anh chặt bớt cành và tỉa lá, đến mùa mưa xuống lại vào phân. Bóng mát của nhãn là nơi bò, gà. Ngược lại, phân của chúng lại là nguồn hữu cơ bón nhãn.
Không phụ công người, những cây nhãn bắt đầu cho quả ngọt và năng suất khá cao. Anh vẫn còn nhớ mãi lần đầu mang nhãn ra chợ bán để giới thiệu, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi lẽ họ không tin đất ở đây lại có thể trồng được nhãn quả to và ngon đến như thế. Không chỉ ngon ngọt, nhãn lại dễ bảo quản, khi hái để lâu, quả nhãn khô tự nhiên nhưng chất lượng bên trong vẫn đảm bảo.
Hằng năm, từ tháng 3, nhãn nhà anh Chánh bắt đầu trổ hoa, kết trái và chín vào tầm rằm tháng 7 nên rất được giá. Hiện tại, thương lái khắp nơi đến tận vườn để thu mua. Chị Nguyễn Thị Lê – chủ sạp trái cây chợ Hành Đức cho biết: “Loại nhãn này tươi ngon, lại không chất bảo quản nên khá hút hàng, bán rất chạy”.
Với 20.000 đồng/kg, đến nay vườn nhãn nhà anh Chánh bán được ngót nghét 20 triệu đồng. “Sở dĩ năng suất năm nay cao như vậy là vì cây nhãn “thấm” đất”, anh Chánh nói trong niềm phấn khởi.
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Bình Thuận dùng cho sản phẩm quả thanh long, giao cho Hiệp hội Thanh long ban hành quy định về tem, quản lý tem và nhãn sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cho quả thanh long. Tuy nhiên qua nhiều năm thực hiện, số doanh nghiệp kinh doanh thanh long đăng ký cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý vẫn còn ít…
2 tuần qua, ngư dân huyện Châu Thành, Chợ Mới (An Giang) đánh lưới bắt được nhiều cá bông lau to từ 5 - 7kg/con trên sông Hậu, đoạn từ đuôi cồn Bà Hòa đến vàm Chắc Cà Đao. Tiểu thương chợ An Châu (Châu Thành) mua của ngư dân giá 180.000 đồng/kg, sau đó đưa về chợ cắt khúc bán từ 200.000 - 280.000 đồng/kg.
Những năm qua, tình hình dịch bệnh trên diện rộng đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm, khiến tỷ lệ hộ nuôi tôm thành công ít dần. Trước thực trạng đó, những mô hình nuôi tôm thành công theo hướng an toàn sinh học rất đáng được quan tâm, đúc kết, để tìm ra quy trình nuôi mang lại hiệu quả bền vững.
Đặc biệt, sau khi hình thành lòng hồ thủy điện Sơn La, nuôi cá lồng bè được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo để khai thác tiềm năng lợi thế mặt nước của lòng hồ thủy điện. Tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi cá tầm trên khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La và thu được kết quả tốt, tạo sản phẩm đa và nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong nước và xuất khẩu.
Thời gian qua, mô hình nuôi ghép hay nuôi kết hợp cá rô phi với tôm đang trở nên phổ biến vì những hiệu quả thiết thực mà loài cá này mang lại cho tôm nuôi. Theo các nhà khoa học, cá rô phi có tập tính đảo trộn các tầng nước trong ao, giúp đáy ao và nguồn nước ao nuôi tốt hơn.