Phụng Hiệp phát huy thế mạnh kinh tế vườn
Hơn 4 năm qua, cây cam xoàn là một trong những loài cây trồng có giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân. Trồng cam xoàn, hộ nghèo dần giảm, lao động nông thôn có thêm việc làm. Có thể nói, cây cam xoàn thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế của huyện. Chính vì vậy, cây trồng này hiện nay đã được bà con chọn và nhân rộng trên toàn huyện khá nhiều.
Được biết, ngày xưa, cây cam xoàn bén rễ đầu tiên ở xã Phương Phú với diện tích khiêm tốn là 15ha, nhưng hiện nay, đã tăng lên gấp bội. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, trước năm 2010, diện tích là 15ha thì đến cuối năm 2014 đã tăng lên 70ha, trong đó có 30ha đã cho trái. Đến năm 2014, diện tích cam xoàn của huyện được mở rộng trên 150ha với khoảng 300 hộ trồng, có khoảng 70ha cho thu hoạch.
Người dân ở đây đã dựa trên điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước thích hợp, tích lũy nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất cây có múi từ lâu đời để liên kết với nhau thành lập Hợp tác xã (HTX) Cam xoàn Phương Phú. HTX chuyên sản xuất cung ứng cam xoàn phục vụ nhu cầu thị trường khó tính trong và ngoài tỉnh. Vừa qua, HTX đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cho cam xoàn với tên “Cam xoàn Phụng Hiệp”. Hơn nữa, các thành viên HTX đã tập trung sản xuất trái theo hướng chất lượng, ổn định về năng suất.
Việc làm này đã tích cực cùng địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng lâu dài, nâng quy mô diện dích cam xoàn trên toàn huyện để làm mũi nhọn phát triển kinh tế ở Phụng Hiệp. Ông Võ Văn Đê, Giám đốc HTX Cam xoàn Phương Phú, cho hay: Tổng diện tích cam xoàn trong HTX là 10ha. Không ít thành viên của HTX chỉ qua vài vụ bán trúng giá đã trở nên khá giàu.
Anh Trần Văn Tài, thành viên HTX có khoảng 3ha trồng cam, trong đó hơn 50% đã cho trái. Sản lượng năm 2014 đạt gần 3 tấn/công, bán với giá trung bình 30.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu lãi hàng trăm triệu đồng. Chính vì vậy mà nhiều hộ mê loại trái cây này, đăng ký tham gia HTX để thay đổi cuộc sống.
Theo đánh giá của nông dân, giá cam xoàn luôn biến động theo chiều hướng tăng, luôn ở mức khá cao so với những loại cam khác như cam sành, cam mật nên hiệu quả kinh tế đạt gần tỉ đồng/ha. Nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, nông dân trong huyện còn trồng xen ổi trong vườn cây. Theo nông dân, cách trồng xen này vừa giúp hạn chế dịch bệnh, tăng thu nhập thêm 2 lần nhờ ổi.
Tuy nhiên, diện tích đất trồng cam xoàn do nhân dân mở rộng tự phát. Vì vậy, nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không gắn với bảo quản, chế biến, quản lý chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Những hạn chế về giống, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ và cơ sở hạ tầng vẫn còn là vấn đề lớn của ngành chức năng. Ông Huỳnh Chí Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp lo lắng, việc phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch sẽ gây rất nhiều hệ lụy khó lường trước.
Và hiện nay, cây cam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ bệnh Greening và Tristeza (bệnh vàng lá gân xanh và tàn lụi). Liên tục trong nhiều năm qua, không ít nhà vườn thất thu, chịu cảnh trắng tay. Chính vì vậy, công tác chủ động phòng chống bệnh cũng như áp dụng tiến bộ mới của khoa học tiên tiến là hết sức cần thiết để nhà vườn có thể đứng vững, vùng nguyên liệu cam xoàn mới cho ra những sản phẩm đồng đều, chất lượng. Để phát huy thế mạnh điều kiện đất đai, khí hậu, tận dụng tiềm năng, cơ hội thị trường, khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển cam xoàn là rất cần thiết và cấp bách.
Ông Trần Không Dận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của huyện, Phụng Hiệp đã xây dựng Đề án phát triển vùng sản xuất cam xoàn ở xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, giai đoạn 2015-2019. Nếu đề án được thực hiện thì đến năm 2019, diện tích cam xoàn toàn xã Phương Phú sẽ đạt khoảng 250ha, năng suất và chất lượng được nâng cao theo chuẩn VietGAP, từng bước nhãn hiệu và giá trị thương hiệu của cam xoàn Phụng Hiệp được nâng cao.
Không những vậy, đề án còn xây dựng được cơ sở cung cấp giống cây trồng, đáp ứng nhu cầu tại địa phương. Ngoài ra, điểm thu mua tập trung sẽ được hình thành, nông dân yên tâm hơn với sản xuất gắn kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đạt khoảng 70% diện tích.
Ông Trần Trung Bình, Chủ tịch UBND xã Phương Phú, phấn khởi: Từ đầu năm đến nay, nông dân trong xã đã tích cực cải tạo vườn tạp, trồng mới các loại cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ thay vườn tràm bằng cam xoàn, cây cam cũng xanh um trên đất mía. Nếu địa phương được chọn để thực hiện đề án phát triển vùng sản xuất cam xoàn thì thời gian tới, người dân Phương Phú càng giàu hơn, công tác xây dựng và nâng chất xã nông thôn mới Phương Phú bền vững hơn.
Có thể nhận thấy rằng, giá trị kinh tế vườn từ cam xoàn ở Phụng Hiệp luôn vượt xa hơn các loại cây trồng khác. Huyện Phụng Hiệp chọn thế mạnh này để phát triển là đúng hướng. Và việc xây dựng mô hình điểm để khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, khí hậu, phát triển vùng cam xoàn với quy mô phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất sẽ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cam xoàn; tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người trồng cam, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương và xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, cá tai tượng là một trong những loài thủy sản mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Tuy nhiên, thời gian qua, người nuôi cá tai tượng chưa chú ý nhiều đến chất lượng sản phẩm và môi trường nuôi, nên sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Đồng Nai hiện có hàng chục trang trại và hộ nông dân đã ứng dụng thành công chăn nuôi bằng đệm lót sinh học. Đây là cách chăn nuôi tiên tiến mà đề án phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012-2015 khuyến khích nhân rộng.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo nếu tình trạng dư lượng OTC trong tôm Việt Nam không được cải thiện, EU sẽ xem xét các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, thậm chí có thể tạm đình chỉ nhập khẩu.
Nhiều nông dân đã mạnh dạn tìm kiếm cây trồng - vật nuôi mới đưa về thuần hóa phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Từ đó, xây dựng thành những mô hình sản xuất cho lợi nhuận cao. Tiêu biểu như mô hình nuôi bò sữa của ông Nguyễn Văn Muôn (ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Số lô hàng tôm xuất khẩu có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép sang các thị trường lớn như Nhật Bản, EU đang tăng cao trong hai tháng trở lại đây cho thấy trước mối nguy khách hàng sẽ chuyển sang nhập tôm từ Indonesia, Ấn Độ.