Phục Tráng Giống Cam Chanh Đặc Sản Ở Ninh Giang
Nhằm hồi phục và tiếp tục phát triển giống cam chanh đặc sản, từ năm 2011, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã triển khai đề tài “Chọn lọc và phục tráng giống cam chanh đặc sản của huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương” bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Huyện Ninh Giang (Hải Dương) có 8.000ha đất nông nghiệp, hệ thống sông suối, kênh mương thuận lợi cung cấp nước ngọt cho việc trồng các cây ăn quả. Cây cam chanh có truyền thống trồng từ lâu đời và được coi là cây đặc sản của vùng, chất lượng cao, quả ngọt, thơm ngon. Tuy nhiên, trong quá trình thâm canh, nông dân chưa được trang bị kỹ thuật về chọn lọc duy trì giống cũng như kỹ thuật chăm sóc dẫn đến tình trạng cây bị thoái hóa, sâu bệnh, làm giảm năng suất và chất lượng giống.
Quy trình phục tráng giống cam chanh được tiến hành dựa trên bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, Ban chủ nhiệm đề tài đã điều tra cây mẫu trên quy mô ba xã Đồng Tâm, Văn Hội, Vĩnh Hòa với các tiêu chí diện tích, năng suất, chất lượng, sinh trưởng, phát triển, hình thái, tình hình sâu bệnh,… qua đó lựa chọn 1.000 cây giống để theo dõi và lai tạo.
Các giai đoạn sau đó, sử dụng phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ để nhân cây con từ cây vật liệu khởi đầu, chọn các cây đầu dòng tiếp tục nhân giống các cây ưu tú và cây con giống cấp một phục vụ sản xuất.
Kết quả, đề tài đã xuất vườn được trên 1.000 cây giống cam chanh Ninh Giang sạch bệnh từ các cá thể ưu tú với tỷ lệ sống trên 80%. Về chất lượng, các cây tuyển chọn đều cho năng suất liên tục trong 2 năm liên tiếp bình quân 40 kg quả/cây.
Giống có đặc tính nông học quý: hàm lượng đường khoảng 9%, đường khử 4,85%, vitamin C 38,13 mg/100g, chất khô 14,8%, ít hạt, ít xơ, mẫu mã đẹp, vỏ màu vàng tươi, thu hoạch quả sớm vào tháng 8 - 9. Một cây cam chanh 3 tuổi thu được khoảng 20 - 25 tấn quả/năm, giá bán bình quân 20 - 30 nghìn đồng/kg cho thu nhập 400 - 500 triệu/ha.
Theo tiến sỹ Đào Xuân Thảng, chủ nhiệm đề tài, giống cam chanh là giống đặc sản phù hợp với thổ nhưỡng vùng Ninh Giang, giá thành sản phẩm lại cao. Trong quá trình canh tác, nông dân cần lưu ý điều chỉnh liều lượng đạm sao cho phù hợp: năm đầu 0,5 kg/cây, năm thứ hai 1 kg/cây, từ năm thứ ba 2 kg/cây gồm U rê, Kali và Lân Supe.
Để phòng tránh tác hại của sâu vẽ bùa ăn lá, cần tuân thủ công thức sử dụng thuốc phun lần một sau khi lộc xuất hiện 2 ngày và lần hai sau khi phun lần một 7 ngày. Các loại thuốc bảo vệ thực vật như Trebon 10EC, Sherzol 50EC, Boodo 1%, Topxin 1% có hiệu quả cao trong việc loại trừ các loại côn trùng gây hại khác như rầy, rệp muội, nhện đỏ.
Có thể bạn quan tâm
Với việc ra đời Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn (Hà Nội), nhiều người chăn nuôi gà đồi địa phương đang kỳ vọng về một hướng đi mới có sự liên kết bền chặt để vừa giữ vững thương hiệu, vừa mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay ở khu vực ĐBSCL có nhiều mô hình nuôi dê khác nhau tùy điều kiện địa lý, đất đai, môi trường.
Là một đảng viên, một cán bộ khuyến nông đã nghỉ hưu, ông Trần Danh Trưởng ở thôn Thiên Đức, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình luôn ý thức rằng mình phải là người tiên phong để phát triển kinh tế ở địa phương.
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng (Bắc Giang) phối hợp với Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa thử nghiệm mô hình nuôi gà sinh sản bằng phương pháp an toàn sinh học với 5.700 con gà mía bố mẹ tại 16 hộ dân ở hai xã Tiến Dũng và Cảnh Thụy.
Sáng 9/4, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì buổi công bố nhãn hiệu chứng nhận yến sào Nha Trang. Việc công bố nhãn hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu trong công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ tổ yến được khai thác từ yến đảo thiên nhiên và yến nuôi trong nhà tại thành phố Nha Trang, đồng thời bảo vệ thương hiệu yến sào của tỉnh Khánh Hòa, tránh hiện tượng làm giả nguồn gốc xuất xứ.