Dễ nuôi, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, lại có thu nhập cao nên mô hình nuôi lươn không bùn đang được nhiều bà con nông dân theo đuổi.
Vừa qua, Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc đã tổ chức tham quan mô hình nuôi lươn không bùn của hộ ông Nguyễn Văn Hoàng (ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi). Đây là một mô hình nuôi lươn rất tốt vì xưa nay ai cũng biết lươn chỉ sống trong bùn đất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết: trước đây ông cũng nuôi lươn trong bể bùn như bao hộ khác nhưng trong quá trình nuôi ông thấy rằng nuôi lươn trong bể bùn còn nhiều hạn chế: đi lấy bùn khó khăn; không quản lý, theo dõi được quá trình sinh trưởng phát triển, không phát hiện bệnh kịp thời để điều trị cũng như quản lý số lượng của lươn. Cái khó trong quá trình nuôi đã giúp ông tìm tòi học hỏi và thử nghiệm nuôi lươn trong bể không bùn và đã cho ông kết quả rất khả quan.
Để nuôi lươn theo mô hình này, chuồng trại, hồ nuôi không nên xây lớn quá, mỗi hồ có diện tích từ 6 - 8 m2. Đáy và thành hồ tốt nhất là lót bằng gạch men nhằm hạn chế sự làm trầy da lươn, gây bệnh. Thành hồ chỉ cần lát gạch cao 40 cm, mỗi hồ có một lỗ thoát nước khoảng 10 cm, nếu lỗ thoát nước nhỏ quá sẽ làm mất thời gian khi thay nước. Chung quanh ống thoát cần đặt thêm ống bảo hiểm, ống này to hơn ống thoát nhằm không cho lươn thoát theo nước ra ngoài trong quá trình xả nước. Và đặc biệt bên trong hồ phải bỏ thêm những tấm vạt tre để cho lươn làm chỗ ở, chỗ dựa ngoi đầu lên thở, trong hồ không thả lục bình hay bất cứ vật gì khác. Ngoài ra, cần có trại che nắng giữ nhiệt độ trong nước ổn định.
Kỹ thuật nuôi: lươn con khi mới bắt về được xử lý sát trùng bằng dung dịch muối có nồng độ 2% - 3% trong thời gian 5 - 10 phút, thuốc tím 10 - 20 g/m3 15 - 30 phút để loại trừ kí sinh và sát trùng vết thương do xây xát trong quá trình đánh bắt, vận chuyển và nuôi trong bể ươm khoảng 10 - 15 ngày để theo dõi và loại bỏ những con chết ra khỏi bể. Sau đó mới đưa ra bể nuôi, mật độ nuôi tốt là 500 - 600 con/m2 (100 kg/6 m2).
Thức ăn cho lươn chủ yếu là cá biển xay nhuyễn, mỗi ngày cho ăn 1 bữa vào lúc chiều tối, thức ăn mỗi ngày bằng 1% - 1,5% tổng trọng lượng lươn, thức ăn được thả trực tiếp lên các tấm vạt và theo dõi lươn ăn, 10 - 15 phút sau khi cho ăn thấy thức ăn thừa thì vớt ra khỏi hồ không để thức ăn thừa làm ô nhiễm nước. Lươn tuy ăn dơ nhưng ở sạch nên môi trường nước phải được quan tâm hàng đầu, mỗi ngày thay nước một lần vào buổi sáng để tạo môi trường trong sạch cho lươn phát triển.
Từ sau 6 tháng nuôi, lươn đạt kích cỡ khoảng 3 con/kg thì tiến hành thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết hiện nay ông nuôi khoảng 6 - 6,5 tấn lươn, với giá bán 120.000 đ/kg, trừ chi phí ông lãi hơn 200 triệu đồng.
Đây là mô hình mới dễ nuôi, dễ tiêu thụ, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, lại có thu nhập cao cần được nhân rộng để nông dân học tập nhân rộng mô hình để giải quyết việc làm nâng cao thu nhập góp phần phát triển kinh tế địa phương.