Phú Yên Lo Ngại Sâu Bệnh Hại Tấn Công Vườn Tiêu
Những năm gần đây, giá tiêu tăng cao nên người dân đầu tư mở rộng diện tích. Tuy nhiên do chưa nắm vững kỹ thuật nên tình trạng sâu bệnh xuất hiện nhiều, khó phòng trừ. Đáng lo ngại là hiện nay nhiều người trồng tiêu vì lợi nhuận trước mắt khai thác cạn kiệt làm cho cây tiêu mau xuống sức, thoái hóa.
PHUN THUỐC TIÊU VẪN CHẾT
Các xã Sơn Thành Tây, Sơn Thành Đông (Tây Hòa - Phú Yên) hiện có 573 ha tiêu được trồng trên vùng đất đỏ bazan. Giống tiêu chủ yếu là tiêu sẻ Vĩnh Linh. Ngoài ra, nông dân còn du nhập một số giống tiêu lá lớn, còn gọi là tiêu trâu gồm các giống Sẻ Mỡ (Đồng Nai), Trâu Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Mới đây, qua điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên thì bệnh hại chính trên cây tiêu ở huyện Tây Hòa là bệnh chết nhanh, chết chậm, thán thư, gỉ sắt, đốm tảo, tuyến trùng. Trong đó bệnh nguy hiểm cho tiêu là chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng. Hiện nay, 2 xã Sơn Thành Tây và Sơn Thành Đông có 150 ha tiêu đang ở giai đoạn kinh doanh (thu hoạch) bị bệnh chết chậm với tỉ lệ bệnh 22,5% trụ.
Cây tiêu bị bệnh này thường có triệu chứng lá vàng, kém phát triển, năng suất thấp. Riêng bệnh chết nhanh gây hại 45 ha với tỉ lệ bệnh 10% trụ. Bệnh tuyến trùng gây hại 185 ha, tỉ lệ hại 60% trụ ở giai đoạn kinh doanh. Ngoài ra rệp sáp gây hại trên diện tích 85 ha, tỉ lệ hại 16% trụ.
Khi phát hiện sâu bệnh gây hại trên vườn tiêu, nông dân đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ nhưng nông dân chỉ dựa vào các đại lý thuốc là chính nên không mang lại hiệu quả. Bà Bùi Thị Hải Hồng ở xã Sơn Thành Tây cho biết: Tôi trồng 700 trụ tiêu từ năm 2011, sau một thời gian, tiêu chết 30 trụ.
Ban đầu tiêu bị vàng lá, tôi đi hỏi mấy người xung quanh rồi ra đại lý “tả” chứng bệnh, được đại lý “kê đơn” thuốc bán về phun nhưng không khỏi. Sau khi trồng dặm bây giờ vẫn có rải rác một số trụ tiếp tục bị vàng lá”.
Còn bà Thái Thị Hồng Thư, cũng ở xã Sơn Thành Tây, trồng 5 sào tiêu, sau đó tiêu mắc bệnh chết, bà trồng dặm đến 3 lần. Vì vậy tiêu đến kỳ thu hoạch nhưng chỉ có 1 sào ra trái, 4 sào còn lại do trồng dặm sau nên chưa thu hoạch được. “Khi tiêu bị sâu bệnh, tôi phải chạy đôn chạy đáo hỏi thăm nhiều người, đại lý cũng “góp ý” nên dùng thuốc như họ bày nhưng không khỏi” - bà Thư nói.
Qua đợt điều tra, khảo sát tình hình dịch bệnh tiêu, Chi cục Bảo vệ thực tỉnh vật nhận định, thời gian qua nông dân sử dụng không đúng loại thuốc đặc trị nên hiệu quả phòng trừ không cao. Nhiều người trồng tiêu dùng thuốc Viben trừ tuyến trùng, Anvil trừ bệnh thán thư, Nevo trừ bệnh gỉ sắt... Trong khi đó, trừ tuyến trùng phải dùng thuốc Vimoca, Regal… bệnh thán thư thì dùng Vicarben, Kocide, Mirage… còn bệnh gỉ sắt ở tiêu không cần dùng thuốc.
Thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý sẽ làm sâu bệnh ngày càng kháng thuốc, gây độc với môi trường và con người, đồng thời hiệu quả phòng trừ thấp.
Điều này còn làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất tiêu và chất lượng nông sản. Người trồng tiêu thiếu thông tin về các loại sâu bệnh hại tiêu, các loại thuốc đặc trị trừ sâu bệnh hại, trong khi sâu bệnh ngày càng phát triển, gây hại nặng hơn.
BÓN PHÂN KHÔNG ĐÚNG CÁCH
Hai năm gần đây, do tiêu được giá nên nhiều hộ nông dân mở rộng diện tích. Tại các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Tuy An, diện tích tiêu là 687 ha, tăng 208 ha so với năm 2007; trong đó, diện tích trồng mới trên 200ha, diện tích thu hoạch 455 ha. Do mở rộng tự phát, thiếu hiểu biết về kỹ thuật, giống, sử dụng không đúng thuốc bảo vệ thực vật đã dẫn đến tình trạng xuất hiện sâu bệnh trên nhiều vườn tiêu.
Đáng lo nhất hiện nay là nhiều người trồng tiêu vì lợi nhuận đã đầu tư bón nhiều phân hóa học để kích thích cho cây tăng trưởng, tăng năng suất, khai thác cạn kiệt vườn cây, làm cây tiêu mau xuống sức, thoái hóa. Thạc sĩ Nguyễn Đức Thắng, chuyên viên Phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT), cho hay: Những năm gần đây, vòng đời cây tiêu đã giảm xuống còn 10 đến 12 năm so với trước kia là từ 20 đến 25 năm.
Vì vậy, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần quy hoạch ổn định vùng sản xuất, không nên tăng diện tích trồng tiêu quá nhanh. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tuyên truyền phổ biến trồng tiêu theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sử dụng phân hữu cơ, không lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Không chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách mà người trồng tiêu còn lạm dụng phân bón. Theo điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên thì phân bón được người trồng tiêu sử dụng chưa đúng với quy trình khuyến cáo.
Đối với phân chuồng (phân hữu cơ) và lân, hầu hết nông dân bón với lượng thấp hơn so với khuyến cáo. Điều này ảnh hưởng đến dinh dưỡng và độ tơi xốp của đất.
Trong khi đó, đối với u rê và vôi, nông dân bón với lượng khá cao so với khuyến cáo. Khi bón nhiều vôi sẽ giúp cải tạo, giảm độ chua của đất và khử trùng đất nhằm tiêu diệt các mầm mống sâu bệnh. Nhưng khi bón nhiều phân u rê sẽ làm thừa phân đạm trong cây, làm sức chống chịu của cây đối với sâu bệnh hại yếu nên dễ nhiễm các đối tượng này.
Phân kali có tác dụng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây tiêu, vừa làm tăng khả năng đậu trái, cải thiện chất lượng trái, đồng thời tăng sức đề kháng đối với sâu bệnh nhưng hầu như nông dân ở xã Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây không sử dụng.
Còn ở Sông Hinh, lượng phân kali được nông dân sử dụng khá cao, điều này giúp tiêu chống chịu được điều kiện bất lợi của thời tiết, sâu bệnh và làm tăng khả năng đậu trái, cải thiện chất lượng trái nhưng nông dân cũng không nên bón với lượng quá cao so với khuyến cáo vì sẽ làm tăng giá thành sản xuất.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT Phú Yên: Trong thời gian đến, ngành Nông nghiệp quy hoạch chi tiết vùng trồng tiêu, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học trong sản xuất và phong trừ dịch hại tiêu; đồng thời hướng dẫn nông dân trồng tiêu theo quy trình sử dụng phân hữu cơ, không lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ dịch bệnh.
Hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện chính sách tín dụng cho nông dân vay vốn để phát triển cây hồ tiêu.
Có thể bạn quan tâm
Trong hơn hai tuần qua, giá cao su trên thị trường thế giới giảm liên tiếp khiến giá cao su trong nước cũng giảm theo.
Tình trạng sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi gia súc gia cầm không chỉ bùng phát ở các tỉnh, thành phía Nam mà đã lan sang cả khu vực miền Bắc.
Lai Châu có trên 19.000ha đất sản xuất lúa nước, trong đó chỉ có trên 6.000ha sản xuất 2 vụ lúa. Trong khoảng 13.000ha ruộng một vụ vẫn còn nhiều diện tích chỉ sản xuất một vụ lúa mùa rồi bỏ không.
Triển khai từ năm 2014, dự án nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện ở 6 tỉnh, thành phố với 9 mô hình đã thu được kết quả khả quan.
Mặc dù thời tiết khó khăn, thị trường biến động, giá vật tư nông nghiệp cao nhưng năng xuất lúa hè thu và vụ mùa ở các tỉnh phía Bắc vẫn đạt kỷ lục.