Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khôi Phục Nghề Chăn Nuôi Bò Sữa Ở Thanh Hóa

Khôi Phục Nghề Chăn Nuôi Bò Sữa Ở Thanh Hóa
Ngày đăng: 26/05/2012

Từ việc xác định được những lợi thế, tiềm năng phát triển chăn nuôi bò sữa, nên từ năm 1995, Thanh Hóa có chủ trương lai tạo nâng cao tầm vóc đàn bò vàng nội; trong đó có việc lai tạo, phát triển đàn bò lai hướng sữa.

Hưởng ứng chủ trương này, nhiều huyện như Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa... đã du nhập và cho lai tạo được số lượng bò lai hướng sữa khá tốt. Đến năm 2003, số lượng bò sữa toàn tỉnh có gần 2.800 con; trong đó có 1 trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô 2.300 con, và 19 gia trại có quy mô từ 16 đến 30 con/trại. Năng suất sữa bình quân đạt 18 lít/con bò sữa/ngày. Nhưng, đến năm 2005, số lượng đàn bò sữa bắt đầu giảm nhanh, đến cuối năm 2007, số lượng đàn bò sữa chỉ còn 560 con ở trang trại chăn nuôi tập trung, năng suất bình quân sữa chỉ đạt 12,5 lít/ngày, còn các trại bò nuôi theo hộ gia đình thì tan rã hoàn toàn.

Theo phân tích của các nhà chuyên môn, nguyên nhân của việc chăn nuôi bò sữa những năm trước đây thất bại là do các giống bò sữa chủ yếu được nhập ngoại không hợp khí hậu, nên việc phát triển, nhân đàn và năng suất sữa đạt thấp. Hơn nữa, chăn nuôi bò sữa là một nghề mới, yêu cầu kỹ thuật cao, quy trình, chế độ chăm sóc hiện đại, trong khi lao động trong ngành chăn nuôi ở tỉnh ta chủ yếu vẫn là lao động giản đơn, trình độ thấp, nuôi bò không đúng kỹ thuật làm bò còi cọc, ốm yếu nên bò cho sữa không cao, chất lượng không tốt khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Để khắc phục những khó khăn trên, năm 2008, tỉnh Thanh Hóa đã cho Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) mua toàn bộ Nhà máy sữa Lam Sơn tại Khu Công nghiệp Lễ Môn và trang trại bò sữa Sao Vàng (nay là trang trại bò sữa Thanh Hóa 1). Bằng việc cải tạo, nâng cấp và đầu tư có chiều sâu, cộng với việc áp dụng các thành tựu khoa học tiên tiến của các nước Israel, Hoa Kỳ trong khâu chăm sóc, nên chỉ sau 3 năm, đàn bò sữa trong tỉnh đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Đến thời điểm này, đàn bò sữa tại trang trại bò sữa Thanh Hóa 1 đã có 1.300 con, tăng 232% so với năm 2008, sản lượng sữa đạt 13.000 lít/ngày, năng suất sữa bình quân đạt gần 22 lít/con bò sữa/ngày. Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ 6,8 tỷ đồng cho 2 trung tâm chăn nuôi bò sữa tập trung theo quy mô công nghiệp là: Trại chăn nuôi bò sữa giống Thọ Sơn và Trung tâm bò sữa giống Sao Vàng thuộc Công ty TNHH Lam Sơn - Sao Vàng đầu tư nhập về một số lượng bò giống gốc từ Australia và New Zealan để lai tạo. Sau 3 năm thực hiện, kết quả cho thấy, tỷ lệ phối giống có chửa đạt từ 60 đến 65%, khoảng cách lứa đẻ 14 tháng, trọng lượng bê sơ sinh đạt bình quân 35 kg/con, tỷ lệ nuôi sống đạt 95% và tăng trọng bình quân của đàn bê con đạt 600 gam/con/ngày. Hiện tại, 2 trung tâm đã tạo dựng được lượng bò giống mới có chất lượng; quan trọng hơn, đàn bò đang dần thích nghi với điều kiện khí hậu tỉnh, có hướng phát triển khá tốt.

Thực tế cho thấy, chăn nuôi bò sữa đang là lĩnh vực có tiềm năng lớn, không chỉ giải quyết được nhiều lao động nông nhàn mà còn biến nhiều vùng đất kém hiệu quả kinh tế thành nơi cho thu nhập cao. Vì vậy, để khôi phục lại ngành chăn nuôi bò sữa đã từng “manh nha” và phát triển, đầu năm 2012, tỉnh đã cấp phép cho Công ty TNHH một thành viên (MTV) Lam Sơn để đầu tư xây dựng trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 tại xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, với quy mô khoảng 2.000 con trên diện tích 34 ha, có tổng số vốn 220 tỷ đồng. Đến nay, mặt bằng đã được giải phóng, diện tích đất dự án đã được bàn giao cho chủ đầu tư, dự kiến đến tháng 8-2012 công ty bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất.

Bà Lê Thị Dung, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Như Thanh, cho biết: Dự án trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 đi vào hoạt động phải cần một lượng lớn thức ăn xanh, như vậy, 150 ha của xã Phú Nhuận, và hơn 100 ha đất của các xã quanh trang trại là: Mậu Lâm, Yên Thọ, Hải Long vốn lâu nay là diện tích đất 1 vụ lúa kém năng suất sẽ được chuyển sang trồng ngô dày, loại cây nguyên liệu dùng làm thức ăn chính cho bò sữa. Theo tính toán, việc chuyển đổi loại cây trồng này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tăng lên gấp đôi, thậm chí là gấp 3 (từ 2 triệu/sào tăng lên 4 triệu, thậm chí là 6 triệu/sào).

Song song với việc tạo điều kiện để xây dựng và đưa trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 sớm đi vào hoạt động, ngày 3-4-2012 vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh đã ký biên bản thỏa thuận với Công ty CP Sữa Việt Nam về việc đầu tư Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất sữa tại Thanh Hóa. Theo thỏa thuận, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được đặt tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định; thành lập Công ty TNHH hai thành viên (HTV) bò sữa Thống Nhất trên cơ sở góp vốn của Công ty CP Sữa Việt Nam và tiếp nhận nguyên trạng Công ty TNHHMTV Nông trường Thống Nhất Thanh Hóa để triển khai thực hiện dự án. Cũng theo như thỏa thuận, Công ty CP Sữa Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa thành lập Công ty TNHHHTV bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định với quy mô 4.000 con bò. Theo kế hoạch, trong năm 2012, sẽ thực hiện thành lập Công ty TNHHHTV bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa, năm 2013, tiến hành khởi công xây dựng, và đến năm 2015, sẽ cơ bản hoàn thành.

Để chăn nuôi bò sữa được khôi phục và trở thành một “phong trào” phát triển kinh tế của nông dân, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tới, tỉnh Thanh Hóa đã lập đề án “Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm Thanh Hóa giai đoạn 2012 - 2015”, trong đó định hướng: Sẽ tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa ở vùng trung du, miền núi, hình thành vùng chăn nuôi bò sữa tập trung do Công ty CP Sữa Việt Nam đầu tư, cụ thể: huyện Thọ Xuân có trang trại bò sữa Thanh Hóa 1 với mục tiêu đạt được 1.500 con; huyện Như Thanh đầu tư xây dựng trang trại bò sữa Thanh Hóa 2, quy mô 2.000 con; từ trang trại bò sữa Thọ Sơn, xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn sẽ đầu tư xây mới trang trại bò sữa Thanh Hóa 3, quy mô trên 2.000 con; 2 huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy đầu tư xây dựng trang trại bò sữa Thanh Hóa 4, quy mô 2.000 con; 2 huyện Thạch Thành, Hà Trung đầu tư xây dựng trang trại bò sữa Thanh Hóa 5, quy mô 2.000 con; và huyện Yên Định đầu tư xây dựng trung tâm bò sữa, quy mô trên 10.000 con.

Có thể bạn quan tâm

Cây độc, con lạ cá hường vện Cây độc, con lạ cá hường vện

Cá hường vện (còn gọi là thái hổ) là giống cá kiểng nước ngọt quý hiếm hầu như chỉ có trên dòng sông Vàm Cỏ Đông.

09/11/2015
Vì sao nông dân quay lưng với nuôi lợn bằng đệm lót sinh học Vì sao nông dân quay lưng với nuôi lợn bằng đệm lót sinh học

Mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học đã xuất hiện từ lâu, với nhiều lợi ích thiết thực, nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện nhiều nông dân ở một số địa phương đã quay lưng với đệm lót sinh học và trở về với cách nuôi truyền thống.

09/11/2015
Công ty Phúc Lộc giả nhãn hiệu phân bón Thiên Phú Nông Công ty Phúc Lộc giả nhãn hiệu phân bón Thiên Phú Nông

Ngày 5/11, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết thời gian gần đây, Công ty TNHH Kinh doanh cà phê và phân bón Phúc Lộc trong hoạt động kinh doanh, mua bán đã có hành vi giả mạo nhãn hiệu phân bón và vừa bị lực lượng chức năng phát hiện.

09/11/2015
Thương mại nông sản trong nội khối TPP Việt Nam đang bị thâm hụt Thương mại nông sản trong nội khối TPP Việt Nam đang bị thâm hụt

Theo một nghiên cứu gần đây của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Việt Nam được cho là quốc gia hưởng lợi nhất từ TPP nhưng những gì mà nó mang lại cho ngành nông nghiệp lại rất hạn chế.

09/11/2015
Nhân rộng các mô hình sản xuất lúa hiệu quả Nhân rộng các mô hình sản xuất lúa hiệu quả

Năm 2015, diện tích cánh đồng lớn của tỉnh Long An đạt hơn 28.500ha, tăng hơn 11.100ha so với năm 2014 và tăng 8.500ha so với kế hoạch của toàn tỉnh.

09/11/2015