Phú Yên: 100.000 Con Tôm Hùm Đột Tử
Tôm hùm nuôi chết hàng loạt ở Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) xảy ra từ tháng 12/2011, nặng nhất là khoảng thời gian giữa tháng 1/2012 đến nay.
Ông Nguyễn Văn Thành, người nuôi tôm hùm ở Vũng Rô cho biết: “Tôi thả nuôi 6.000 con giống, đến nay tôm đã gần một năm tuổi, trọng lượng khoảng 0,4-0,7kg/con. Ban đầu tôm chết từ từ, nhưng khoảng giữa tháng 1 đến tháng 2/2012, tôm chết hàng loạt, có ngày vớt được hơn 20 con và hiện còn khoảng 2.000 con. Tôm chết có các triệu chứng đen, lở loét ở mang, đỏ thân, sưng đầu và ức, trắng sữa, long đầu…”. Cùng chung số phận như gia đình ông Nguyễn Văn Thành, nhiều người nuôi tôm hùm ở Vũng Rô, tôm cũng bị chết với số lượng lớn như ông Lê Văn Thanh, thả nuôi 3.000 con hiện chỉ còn khoảng 1.200 con; ông Đặng Văn Ngời, thả nuôi 3.000 con hiện còn lại gần 2.000 con; ông Trần Đăng Tuấn, thả nuôi 8.000 con, hiện chỉ còn hơn 4.000 con…
Theo UBND xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, toàn xã có khoảng 460 hộ nuôi tôm hùm lồng, bè ở với số lượng khoảng 300.000 con. Thời gian gần đây, tôm bệnh và chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân với số lượng khoảng 100.000 con trọng lượng từ 0,3 – 0,6kg/con (tôm 12 tháng tuổi).
Ông Đặng Văn Ngời, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Xuân Nam, cho biết: “Trung bình mỗi bè có từ 20 – 50 ô, một số bè lớn lên khoảng 200 ô (bình quân mỗi ô nuôi khoảng 70 – 100 con). Khu vực Vũng Rô có khoảng 800.000 con, trong đó người nuôi địa phương chỉ chiếm hơn 1/3. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện tôm hùm ở Vũng Rô bị chết chiếm khoảng 50%, nhiều người thiệt hại hơn 70%. Do lượng thức ăn thừa cho tôm ngày càng lớn, đó là chưa kể 8ha diện tích nuôi cá, mỗi ngày ngốn từ 8-10 tấn thức ăn tươi, dẫn đến khu vực nuôi trồng thủy sản Vũng Rô bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mặc dù đã được người dân điều trị bằng thuốc kháng sinh và vitamin C, có hộ còn sử dụng cả thuốc Tây dùng cho người để điều trị, nhưng tôm vẫn chết hàng loạt”.
Trong khi đó, bà Trịnh Thị Ái Linh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên cho biết: “Chi cục Thú y tỉnh đã nhận được báo cáo thị xã Sông Cầu và huyện Đông Hòa về tình hình tôm hùm nuôi bị chết hàng loạt. Chi cục đã cử cán bộ xuống cơ sở để nắm tình hình. Qua kiểm tra, tôm chết ở cả hai vùng nuôi này là do bệnh sữa và đen mang. Tuy nhiên, đây là loại bệnh thông thường, thường xuyên xảy ra trên tôm hùm nuôi nên không lấy bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm”.
Có thể bạn quan tâm
Từ năm 2007 đến nay, cây cam trên đất Yên Thành (Nghệ An) đã có sự phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và được xếp là giống cây chủ lực, nhưng đến nay cam Yên Thành vẫn chưa xây dựng được thương hiệu; bà con trồng cam vẫn loay hoay tự tìm đầu ra cho sản phẩm.
Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh HTX, Sở NN & PTNT tỉnh Hậu Giang vừa có chuyến khảo sát HTX quýt đường Long Trị, ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ để hỗ trợ HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hoạt động này nằm trong đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến 2020” và đề án 1.000 của tỉnh.
Những năm gần đây, bọ cánh cứng hại dừa phát triển mạnh, gây thiệt hại nặng cho nhiều diện tích dừa ở Phù Cát (Bình Định); mặc dù các chủ vườn dừa đã áp dụng một số biện pháp như: phun thuốc hóa học, đặt muối, ong ký sinh... để phòng trừ, nhưng hiệu quả không cao.
Dù có nguồn gốc, xuất xứ từ những vùng đất khác nhưng khi du nhập vào Gia Lai, những loại cây ăn trái như nhãn lồng, sầu riêng, vải... thích nghi được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây và cho ra những sản phẩm gắn thương hiệu Gia Lai đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Anh Huỳnh Tấn Lộc, ở ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp. Hôm chúng tôi đến, anh đang tất bật xử lý cho sầu riêng ra hoa để kịp thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, anh Lộc gắn bó với cây sầu riêng từ rất sớm. Hiện anh Lộc có 0,8 ha vườn trồng 160 cây sầu riêng hạt lép, giống Monthon và Ri 6.