Phú Thọ Nuôi Cá Lồng, Bè Thu Tiền Tỷ
Nhờ nuôi cá lồng, bè trên sông và hồ chứa, hàng nghìn hộ nông dân ở Phú Thọ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thậm chí có nhiều hộ lên đến cả tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, có 3 con sông lớn chảy qua gồm sông Thao, sông Đà và sông Lô, cùng nhiều con sông, ngòi nhỏ như sông Bứa… với trên 600 hồ, đập. Diện tích mặt nước có thể nuôi cá lồng lên tới 20.000ha.
Đầu tư nhỏ, thu lãi lớn
Nhằm tận dụng nguồn tiềm năng mặt nước sẵn có, từ năm 2006 đến nay, tỉnh Phú Thọ đã xác định và đưa sản xuất thủy sản là một chương trình nông nghiệp trọng điểm và đã có những chính sách hỗ trợ mang tính đột phá để phát triển nuôi cá lồng, bè.
Theo thống kê từ Sở NNPTNT Phú Thọ, tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh có khoảng gần 600 lồng cá, trong đó có 300 chiếc lồng lưới, gồm 60 chiếc trên sông Đà, sông Lô có 60 chiếc, sông Bứa 166 chiếc…Tổng diện tích nuôi lồng lên đến 35.600m3, với sản lượng ước đạt 2.200 tấn (tăng 15 lần so với năm 2012).
Quang Húc (Tam Nông) là xã có dòng sông Bứa chảy qua, để tận dụng tiềm năng này, người dân trong xã được định hướng từ phía Chi cục Thủy sản và Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa mô hình nuôi cá lồng vào làm phát triển kinh tế trọng điểm.
Tính đến năm 2014, quy mô nuôi cá lồng của xã đã đạt trên 150 lồng mang lại thu nhập cao hàng trăm triệu đồng cho hàng trăm hộ dân của xã.
Một trong những hộ đó phải kể đến là gia đình anh Nguyễn Minh Đăng (SN1988) ở khu 4, xã Quang Húc (Tam Nông), anh Đăng hiện là chủ trang trại với trên 30 lồng cá, thu nhập mỗi năm trừ mọi chi phí anh Đăng thu lãi về hàng tỷ đồng.
Tâm sự về thành công của mình, anh Đăng cho hay: Nuôi cá lồng là một nghề mới, tuy đầu tư khá lớn, nhưng hiệu quả kinh tế lại rất cao, điều đáng nói là sản phẩm của nghề này không bao giờ phải lo đầu ra, cứ nuôi ra bao nhiêu cũng bán hết.
Cũng có điều kiện thuận lợi như xã Quang Húc, xã Xuân Lộc (Thanh Thủy) nhờ nằm trên lưu vực sông Đà nên rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng. Cùng với lợi thế đó, người dân ở đây còn được nguồn vốn từ Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh “tiếp sức”.
Với gần 200 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, hàng chục hộ dân ở xã bước đầu được giúp đỡ về việc đóng lồng, mua cá giống và thức ăn. Từ 14 lồng cá năm 2012, đến năm 2014 quy mô đã phát triển lên đến 37 lồng, với thu nhập gần 100 triệu đồng/90m3/lồng.
Là một trong những hộ đầu tiên đưa mô hình nuôi cá lồng vào xã, ông Nguyễn Văn Hoài đang là chủ trang trại với gần 10 lồng cá, ông Hoài cho biết: “Khi được cán bộ Trung tâm Khuyến nông xuống hướng dẫn kỹ thuật và tư vấn nuôi cá lồng, tôi cũng còn băn khoăn, song đến khi đi vào nuôi thấy dễ làm và hiệu quả kinh tế cao nên “mê” lắm. Điều khó đối với tôi bây giờ là muốn đầu tư nuôi quy mô lớn nhưng thiếu vốn quá, nên vẫn phải nuôi theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài” thôi”.
Tiếp tục hỗ trợ người nuôi
Ông Nguyễn Thủy Trọng – Giám đốc Sở NNPTNT Phú Thọ cho hay: Xác định sản xuất thủy sản là một chương trình nông nghiệp trọng điểm, tỉnh đã phê duyệt đề án quy hoạch phát triển thủy sản (giai đoạn 2012 – 2020) với hệ thống các chính sách hỗ trợ về giống, nâng cấp hạ tầng sản xuất...
“Về phía Sở, được sự tham mưu của Chi cục Thủy sản, Sở đã phê duyệt cho các địa phương xây dựng 3 dự án nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa theo hướng cận đô thị báo cáo UBND tỉnh phê duyệt thực hiện (giai đoạn 2014 – 2015) để hỗ trợ giống, kỹ thuật cho người dân, quy mô phát triển trên sông Đà (80 lồng), sông Bứa (60 lồng), sông Lô (80 lồng) với tổng số vốn từ ngân sách tỉnh lên đến 3,075 tỷ đồng”, ông Thủy cho biết.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã có hỗ trợ 2 hội nghị tập huấn cho 60 lượt cán bộ khuyến nông cơ sở, tổ chức 10 cuộc hội thảo kỹ thuật cho 500 lượt cán bộ khuyến nông và các hộ nuôi cá lồng; tổ chức 8 lớp dạy kỹ thuật làm lồng, phòng trị dịch bệnh cho 400 lượt nông dân trên địa bàn…
Tính đến năm 2013, tổng diện tích nuôi đạt 9.846,8ha, tổng sản lượng đạt trên 25.000 tấn, tổng giá trị tăng thêm đạt 436,8 tỷ đồng (chiếm 6,85% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh). Theo kế hoạch, đến năm 2015, sản lượng thủy sản của Phú Thọ sẽ đạt 30.000 tấn và đến năm 2020 đạt 40.000 tấn.
Có thể bạn quan tâm
Hiện giá ca cao tươi bán tại vườn đạt hơn 5.000 đồng/kg, hạt khô có giá 56.000 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, diện tích cây ca cao cho thu hoạch trong tỉnh hiện khoảng 1.000ha, năng suất bình quân khoảng 10 tấn hạt tươi/ha, tăng 20% so với cùng kỳ.
Mặc dù không phải là nghề chính, thế nhưng mùa ruốc biển (còn gọi là khuyết) năm nay, ngư dân các vùng bãi ngang Lệ Thủy (Quảng Bình) được cả mùa lẫn giá khiến cho nhiều người vô cùng phấn khởi. Khai thác ruốc biển đã mang lại khoản thu nhập không hề nhỏ cho những ngư dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Hòa bắt đầu nuôi ba ba từ năm 2000. Ban đầu, ông xây ao nuôi thử nghiệm 15 con ba ba giống nhưng do chưa biết cách chăm sóc, phòng bệnh nên ba ba chết dần dần. Học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi ba ba ở các tỉnh khác và tự rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi, trong vòng 4 năm ông Hòa đã ổn định được tay nghề và bắt đầu kiếm được thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Theo Sở NN&PTNT, đến thời điểm này diện tích có tôm thả nuôi trong toàn tỉnh Bạc Liêu là 84.000ha. Trong đó, tôm nuôi theo mô hình thâm canh và bán thâm canh 6.277ha. Trong tuần qua, nông dân đã thu hoạch 53.436ha tôm nuôi, sản lượng đạt gần 1.500 tấn. Sau khi thu hoạch, nông dân tiếp tục cải tạo ao vuông và thả tôm nuôi hơn 19.200ha. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đã có 5.408ha tôm nuôi bị thiệt hại.
Công ty TNHH liên doanh Thung Lũng Nắng đang tiếp tục đầu tư hoàn thành Dự án Trang trại nuôi cá “Thung lũng cầu vồng” tại xã Đạ Sar và xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Với tổng nguồn vốn 1,7 triệu USD, trên địa bàn 2 xã này, công ty thực hiện dự án trên 100ha rừng thuộc Khoảnh 3, Tiểu khu 115 và các Khoảnh 3, 7, 8, 9, Tiểu khu 99, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim.