Phụ nữ miền đất quế

Chị Hồ Thị Hồng (28 tuổi), ở thôn Trà Hoa, xã Trà Lâm (Trà Bồng) đã chọn hướng thoát nghèo từ việc đầu tư chăn nuôi bò. Cách đây hơn 3 năm, đàn bò của gia đình chị Hồng chỉ có 4 con, trong đó có 1 con đực và 3 con cái giống. Nhờ chịu khó chăm sóc, trồng cỏ và tiêm phòng theo định kỳ nên đàn bò của chị phát triển khá tốt, hiện đã lên đến hơn 20 con.
Ngoài ra, gia đình chị còn trồng gần 10 ha cây keo, 1 ha cây đót, 3.000 cây quế, 100 cây lồ ô, làm 5 sào lúa nước. Vợ chồng chị tần tảo sớm hôm những mong thoát nghèo bền vững.
Chị Hồng chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi rất khó khăn. Để giải quyết vấn đề thiếu vốn, vợ chồng tôi đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện, cộng thêm tiền bán keo đầu tư mua bò về nuôi. Đàn bò phát triển tốt, kinh tế gia đình tôi nhờ đó mà khá lên”. Mỗi năm từ trồng trọt và chăn nuôi, vợ chồng chị Hồng thu nhập gần 200 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi để hội viên phụ nữ ở địa phương cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Cũng với bản tính cần cù, chịu khó, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, thế nhưng đến nay gia đình chị Hồ Thị Huệ (29 tuổi), ở thôn Gò, xã Trà Bùi đã thoát nghèo bền vững, tạo nền tảng vững chắc để vươn lên làm giàu.
Chị Huệ cho biết, hơn 5 năm về trước, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2011, vợ chồng chị mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng CSXH với số tiền 10 triệu đồng, cộng với số tiền tích góp, vay mượn, vợ chồng chị đầu tư chăn nuôi heo, nuôi bò, đào ao nuôi cá và trồng rừng. Ngoài chăn nuôi và trồng rừng, chị Huệ còn buôn bán nhỏ kiếm thêm thu nhập.
Thấy chị Huệ làm ăn hiệu quả, đời sống kinh tế khá giả, nuôi con cái ăn học đàng hoàng nên có nhiều hội viên phụ nữ trong xã đến học hỏi kinh nghiệm và làm theo. Không chỉ dừng lại ở đó, cách đây vài tháng, chị Hồng còn đầu tư tiền mua máy xay xát về phục vụ bà con trong xã. Chị Huệ thổ lộ: “Vợ chồng mình chỉ chăn nuôi và trồng rừng là chính nên không có thời gian làm ruộng lúa.
Trong khi đó, bà con nơi đây phải đi rất xa để xay xát. Vì vậy, mình mạnh dạn mua máy với mục đích phục vụ cho bà con”. Nhờ biết phát huy tiềm năng lợi thế đất đai của quê hương và sự quyết tâm, chịu khó tìm tòi, học hỏi cách làm ăn phát triển kinh tế phù hợp với địa phương mình, nhiều phụ nữ người Cor ở huyện miền núi Trà Bồng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng
. Bà Hồ Thị Hồng Thủy- Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Trà Bồng cho biết, toàn huyện hiện có 45 chi hội phụ nữ, với gần 9.000 hội viên. Có 279 tổ vay vốn. Từ việc tín chấp Ngân hàng CSXH huyện, Hội LHPN huyện đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt và đào tạo nghề ngắn hạn cho hội viên phụ nữ, nhất là những chị thiếu việc làm, qua đó đã giúp nhiều chị em phụ nữ thoát nghèo.
Từ đó, xuất hiện nhiều gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. “Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ để chị em phụ nữ ở địa phương đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Hội cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động biểu dương và nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả cao để chị em học tập và làm theo”, bà Thủy nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm

Theo Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mỗi héc-ta lúa trong cánh đồng mẫu lớn có năng suất cao hơn từ 15 - 20% so với diện tích ngoài mô hình này; ngoài ra cánh đồng mẫu lớn còn giúp tạo ra các vùng lúa đặc thù phục vụ xuất khẩu gạo cao cấp.

Hiện tại, giá các loại phân bón trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp không thay đổi nhiều so với thời điểm đầu vụ đông xuân 2014 - 2015. Giá các loại phân bón DAP Trung Quốc tăng từ 10 - 20%, riêng các loại phân bón khác đang giữ mức ổn định. Sự bình ổn của giá phân bón trên thị trường khiến nông dân phấn khởi vì giảm bớt nỗi lo về chi phí đầu tư.

Cuối năm 2014, đề tài “Trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long cùng người dân Hàm Thuận Nam” đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận chính thức khởi động. Dù mới trải qua bước tọa đàm, trao đổi một số nội dung xúc tiến xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, song loại hình này rất được các bên liên quan kỳ vọng…

Chuối là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều nông hộ trên địa bàn huyện U Minh (Cà Mau), nhất là những hộ dân sống trên lâm phần rừng tràm. Có những lúc cây chuối được xem là cây giảm nghèo cho người dân xứ rừng. Vậy mà thời gian gần đây, giá chuối liên tục giảm mạnh, gây nhiều khó khăn cho bà con.

Năm 2011, sau khi xem chương trình khuyến nông trên truyền hình chỉ dẫn cách trồng và chăm sóc thanh long, anh Ghế rất tâm đắc. Anh cải tạo diện tích đất bỏ trống sau nhà, đổ trụ bê-tông và nhờ người quen tìm mua hom thanh long giống. Lúc đầu anh trồng thử 15 trụ thanh long. Nhờ chăm sóc tốt, sau 1 năm trồng, 15 trụ thanh long đã cho trái.