Phụ Nữ Ba Bể Với Các Mô Hình Phát Triển Kinh Tế
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Phụ nữ huyện Ba Bể là xây dựng và nhân rộng các mô hình phụ nữ phát triển kinh tế. Do đó, nhiều mô hình thực hiện thành công đã góp phần giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở
Trong những năm qua các cấp Hội phụ nữ huyện Ba Bể luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo trong lao động sản xuất, tích cực thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường”, trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hàng năm, Hội Phụ nữ huyện đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức khảo sát về đời sống, nhu cầu của hội viên phụ nữ về phát triển kinh tế gia đình; đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình sản xuất mới, các hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và khả năng tham gia mô hình của hội viên phụ nữ.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, nhất là chị em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng cao nêu cao tinh thần chủ động, từng bước vượt khó, tích cực tham gia phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, thực hiện tốt những chủ trương về phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình và đăng ký tham gia thực hiện các mô hình do hội lựa chọn triển khai...
Đồng chí Đàm Thị Trang Nhung- Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện cho biết: Trước kia, khi trình độ của hội viên phụ nữ còn nhiều hạn chế, nhiều tập tục lạc hậu, nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên công tác vận động phụ nữ gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, Hội đã đề ra phương châm bám sát cơ sở, chỉ đạo các cấp hội trên địa bàn thường xuyên cử cán bộ đến các thôn, bản để tuyên truyền, phổ biến cho chị em thay đổi cách nghĩ; trong lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu trong trồng trọt, chăn nuôi; phòng trừ dịch bệnh; mạnh dạn tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế; vay vốn ngân hàng phát triển các mô hình.
Với cách làm “cầm tay, chỉ việc” như vậy, đến nay nhận thức của chị em hội viên có nhiều chuyển biến; mạnh dạn phát triển kinh tế thoát nghèo; chủ động hơn trong việc tích luỹ vốn, kiến thức để vận dụng vào cuộc sống...
Lựa chọn mô hình phù hợp
Lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương là một trong những yếu tố quyết định thành công của mô hình.
Đến nay, hầu hết các mô hình của Hội triển khai thực hiện tại các địa phương đã phát huy hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ hội viên như: Mô hình nuôi gà thả vườn; mô hình nuôi lợn nái Móng Cái; lợn thịt; ủ chua thức ăn cho gia súc; làm phân vi sinh bón cho cây trồng… Chính vì vậy, đã xuất hiện nhiều mô hình phụ nữ phát triển kinh tế giỏi ở các cấp hội trên địa bàn.
Đến nay, tổng dư nợ vốn vay từ nguồn Ngân hàng Chính sách Xã hội của Hội đã có trên 78 tỷ đồng, với 94 tổ tiết kiệm và vay vốn và hơn 3 nghìn lượt hộ hội viên vay. Để hỗ trợ chị em duy trì, phát triển hiệu quả các mô hình, Hội luôn chú trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội đẩy mạnh công tác dạy nghề, tập huấn kiến thức phát triển kinh tế.
Do đó, những tháng đầu năm 2014, Hội tiếp tục khảo sát giúp 10 hộ hội viên nghèo đứng chủ phát triển kinh tế tại xã Chu Hương; phối hợp với Trường Trung cấp nghề Bắc Kạn tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề sơ cấp thú y tại các xã, thị trấn; phối hợp với Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh mở 2 lớp dạy nghề về phân vi sinh tại thôn Bản Pục và lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm tại thôn Mỏ Đá, xã Thượng Giáo…
Từ hiệu quả các mô hình mang lại, đã khuyến khích chị em tích cực hơn trong việc nhân rộng các mô hình tại gia đình, qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế. Bà Lý Thị Thơ, thôn Cốc Lùng, xã Hà Hiệu cho biết: Nhiều năm trước đây, khi chưa mạnh dạn tham gia vào thực hiện các mô hình của Hội, việc phát triển chăn nuôi lợn, gà của gia đình hiệu quả không cao; năng suất, sản lượng cây trồng thường bị sâu bệnh, từ khi tích cực tham gia tập huấn, tham gia thực hiện các mô hình điểm của Hội, gia đình đã mạnh dạn áp dụng, những năm gần đây, đàn lợn, gà của gia đình phát triển rất tốt, mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa nuôi hàng chục con lợn thịt, 2 lợn nái giống không những đủ cung cấp lợn giống cho gia đình mà còn được bán ra thị trường, cho thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng riêng từ việc chăn nuôi lợn…
Mô hình phụ nữ phát triển kinh tế không chỉ mang lại hiệu quả cho hội viên tham gia thực hiện mô hình mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhất là hội viên, phụ nữ và con em hội viên, phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Tỷ lệ hộ hội viên phụ nữ nghèo tại các địa phương giảm từng năm. Chị em ngày càng tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đưa phong trào phụ nữ ngày càng triển khai sâu rộng và hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Đến nay, tổng diện tích cây có múi trên địa bàn 3 xã Tân Định, Lạc An và Hiếu Liêm (Bình Dương) khoảng 1.300 ha. Tổng giá trị sản xuất đối với cây ăn quả chính trên địa bàn huyện (bưởi, cam, quýt) ước đạt từ 137 - 192 tỷ đồng/năm
Huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, diện tích vườn cây ăn trái trên 14.300 ha, trong đó diện tích trồng sầu riêng hơn 7000 ha.
Được trồng nhiều tại địa bàn các xã Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Văn Lợi, Hạ Sơn... Cam Quỳ Hợp với hương vị thơm ngọt đặc trưng, từ lâu đã được đánh giá là đặc sản của Nghệ An.
Những ngày gần đây, tại một số địa phương trong tỉnh Hậu Giang, các thương lái vào tận vườn thu mua xoài cát hòa lộc, xoài cát chu với giá 20.000 - 30.000 đồng/kg (tùy loại), tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với vụ trước.
Nằm trong chương trình cải tạo vườn cây ăn quả, trong những năm qua, các hộ dân xã Hát Lót (Mai Sơn - Sơn La) đã mạnh dạn đầu tư để ghép vườn xoài.