Phòng vệ thương mại vẫn chỉ là công cụ của nhà giàu
Sáng nay (14/10), tại Hà Nội, Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo công bố kết quả điều tra nghiên cứu: Điều gì cản trở doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) để tự bảo vệ trước hàng hoá nước ngoài?
Hàng Việt bị kiện cả trăm vụ, nhưng mới sử dụng PVTM 4 lần
Theo Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về PVTM, Trung tâm WTO và Hội nhập–VCCI, cách đây 10 năm, vụ kiện Hoa Kỳ về cá tra, cá basa, sau đó là tôm đông lạnh đã tốn nhiều giấy mực của báo chí.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đã lo lắng và có một chút e ngại, nhưng đến nay cộng đồng doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp đã có kinh nghiệm đương đầu với vụ kiện và chống bán phá giá.
Thậm chí, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam không chỉ đương đầu mà còn khởi kiện Hoa Kỳ trong 2 vụ.
Doanh nghiệp Việt vẫn chưa mặn mà sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản phẩm của mình
Theo đánh giá của bà Loan, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, nền kinh tế của Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi phải mở rộng cánh cửa cho hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là thông qua việc cắt giảm, loại bỏ thuế quan từ sau năm 2015.
Đó vừa là cơ hội vừa là rào cản với cộng đồng doanh nghiệp.
Trước thực tế này, theo bà Loan, các công cụ phòng vệ thương mại truyền thống cần phải đổi mới hơn, áp dụng được linh hoạt các giải pháp mới trong thực tế mới.
Bởi nhìn lại những năm qua, bà Loan cho hay: “Dù chúng ta đã có những thành công nhất định nhưng việc các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các công cụ thương mại từ WTO để bảo vệ môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh công bằng của hàng hóa nước ngoài hiện còn nhiều điểm cần khắc phục.
TS.Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI, đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo “Sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại trong bối cảnh Việt Nam thực thi các FTAs và AEC” cho biết:
trong khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đến nay đã là đối tượng của cả trăm vụ kiện PVTM ở nước ngoài thì Việt Nam tới nay mới chỉ sử dụng công cụ này 4 lần, với 3 vụ kiện tự vệ và 1 vụ kiện chống bán phá giá.
Cụ thể, tính tới tháng 10/2015, tổng số vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài là 70, tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM là 36; tổng số vụ điều tra chống trợ cấp là 7, tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM là 4 vụ; tổng số vụ điều tra tự vệ là 17, và tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM là 6.
Số lượng các vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam tính tới tháng 10/2015 là: 1 vụ điều tra chống bán phá giá, 1 vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM; tổng số vụ điều tra tự vệ là 3, và tổng số vụ dẫn tới áp dụng biện pháp PVTM là 1.
Không có vụ việc nào liên quan tới chống trợ cấp.
Từ số liệu các vụ điều tra PVTM hàng nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, bà Trang đánh giá: “3/4 vụ việc là điều tra áp dụng biện pháp tự vệ.
Thực tế này dường như đi ngược lại thông lệ quốc tế, theo đó các biện pháp tự vệ là những biện pháp rất ít được sử dụng so với 2 biện pháp còn lại”.
Thực tế này theo lý giải của bà Trang, công cụ PVTM ít được sử dụng vì chúng được áp dụng không phải để chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà chỉ đơn thuần là biện pháp bảo hộ tạm thời trước tình trạng tăng giá đột biến của hàng hóa nước ngoài nhập khẩu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa.
Chính vì thế, trong khi nghĩa vụ của bên đi kiện còn nhẹ (không phải chứng minh sự tồn tại của hành vi cạnh tranh lành mạnh) thì trách nhiệm của Chính phủ lại càng lớn hơn (phải có sự đền bù tương ứng cho các nước nhập khẩu bị ảnh hưởng).
Trong bối cảnh Việt Nam nơi chưa sử dụng nhiều công cụ PVTM, bà Trang khẳng định, “nơi năng lực và kinh nghiệm của cả doanh nghiệp đi kiện lẫn cơ quan điều tra còn hạn chế, thì các biện pháp tự vệ là một công cụ có ưu thế hơn so với 2 công cụ còn lại”.
PVTM hiện vẫn là công cụ của nhà giàu
Một lý do quan trọng khác khiến công cụ PVTM chưa được doanh nghiệp “mặn mà” dùng, theo bà Trang, do nguyên đơn khởi kiện trong các vụ việc này đa số đang nắm giữ vị trí thống lĩnh thị trường đối với lại sản phẩm là đối tượng của vụ kiện.
Chẳng hạn, trong cả 3 vụ việc PVTM của Việt Nam, nguyên đơn chỉ bao gồm 1 doanh nghiệp (với 2 vụ tự vệ) hoặc 2 doanh nghiệp (với vụ chống bán phá giá) và sản lượng sản phẩm liên quan mà các nguyên đơn sản xuất chiếm tới trên dưới 70-80% tổng sản lượng sản xuất nội địa.
Điều này được bà Trang giải thích là các doanh nghiệp có thị phần lớn là các doanh nghiệp mạnh, được suy đoán có đủ năng lực để thực hiện việc đi kiện theo các thủ tục phức tạp cũng như có đủ nguồn lực để theo kiện.
“Điều này cũng đồng nghĩa với việc công cụ PVTM hiện vẫn là công cụ của nhà giàu, chưa phải là công cụ để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của các doanh nghiệp nhỏ”.
Nhưng doanh nghiệp nhỏ lại phải chịu tác động mạnh nhất từ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nước ngoài tại Việt Nam, nếu có.
Hơn nữa, xét về lý thuyết, theo bà Trang, hàng hóa nhập khẩu càng nhiều thì nguy cơ cạnh trạnh không lành mạnh càng lớn hơn.
Điều này cũng không đồng nghĩa với việc hàng hóa nhập khẩu ít hơn thì nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh ít hơn hay số vụ kiện sẽ lớn hơn.
Các sản phẩm bị kiện trong cả 3 vụ kiện PVTM của Việt Nam vừa qua đều không phải sản phẩm trong tốp đầu về hội nhập vào Việt Nam.
Trước thực tế này, bà Trang cảnh báo: “Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm liên quan cần lưu ý để tránh nguy cơ các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường lạm dụng công cụ này để bảo vệ vị trí thống lĩnh của mình, gây thiệt hại tới cạnh tranh nói chung”.
Có thể bạn quan tâm
Từ năm 2008, được sự hỗ trợ của Trung tâm ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) thuộc sở KH-CN Hòa Bình, nông dân xã vùng cao Quyết Chiến, huyện Tân Lạc được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, đưa mạnh cây su su vào cơ cấu cây trồng ở địa phương. Kết quả, cây su su đã góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo (XĐGN) từng bước ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây.
Các nhà khoa học Việt Nam đã thành công trong việc chuyển hóa dầu ăn thải thành nhiên liệu sinh học bằng phản ứng cracking xúc tác.
Ông Dương Văn Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT, cho biết kết quả khảo sát tại ĐBSCL cho thấy, người nuôi cá tra đang gặp khó khăn rất lớn. Hiện mỗi 1 kg cá tra thành phẩm, người nuôi lỗ 3.000 đồng, trung bình 1 ha nuôi cá tra lỗ 1 tỷ đồng. Hiện rất nhiều doanh nghiệp cần bán sản phẩm để thu hồi vốn vì thế phải hạ giá bán, do đó giá cá nguyên liệu giảm theo.
Các nhà vườn trồng dừa ở Trà Vinh đang "méo mặt” với tình trạng giá dừa khô tiếp tục rớt giá thê thảm, từ 120.000 - 130.000 đồng/chục trước đây nay xuống chỉ còn 13.000 đồng/chục (12 trái).
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học thì bà con trồng lúa ở ĐBSCL nên áp dụng phân bón theo công thức: Vụ đông xuân là 100 N - 40 P2O5 - 30 K2O (kg/ha) và vụ hè thu là 80 N - 40 P2O5 - 30 K2O (kg/ha).