Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phòng bệnh cho tôm trong giai đoạn chuyển mùa

Phòng bệnh cho tôm trong giai đoạn chuyển mùa
Ngày đăng: 18/04/2015

Vì vậy các khâu kỹ thuật giúp giữ ổn định môi trường ao nuôi và quản lý các loại dịch bệnh trên tôm được người nuôi tôm ở Sóc Trăng đặc biệt quan tâm.

Theo lịch thả giống của ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, từ đầu tháng 5 bắt đầu thả giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng đợt 2 trong năm. Trong khi đó từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 là lúc chuyển mùa, bắt đầu sang mùa mưa, như vậy bà con sẽ thả giống rộ vào giai đoạn chuyển mùa, là giai đoạn rất cần chú ý đến các yếu tố gây thay đổi môi trường.

Trong thời gian tới sẽ có những cơn mưa đầu mùa, môi trường bị thay đổi đột ngột khi mưa xuống sẽ dẫn đến một số nguy cơ như: Nhiệt độ và độ mặn nước giảm đột ngột, Nước mưa có tính axit, rửa trôi phèn từ bờ ao xuống ao, làm độ pH trong nước giảm, giảm độ kiềm và lượng oxy hòa tan trong nước,

Nước mưa, nước lũ còn cuốn trôi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chất thải độc hại từ ruộng, vườn, khu dân cư, các mầm bệnh từ nơi khác chảy vào sông, kênh rạch rồi vào ao nuôi… Những yếu tố này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tôm, giảm sức đề kháng và tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh tôm trên diện rộng.

Theo Chi cục Thú Y thủy sản Sóc Trăng, trong tuần qua, diện tích tôm nuôi của tỉnh bị thiệt hại hơn 490 ha, chiếm 9,45% diện tích thả giống, trong đó thị xã Vĩnh Châu là 284,7 ha, huyện Trần Đề 172,6 ha, Cù Lao Dung 10,8 ha, Long Phú 22,5 ha. Theo ngành chức năng, nguyên nhân gây thiệt hại chủ yếu là do ảnh hưởng của thời tiết và các yếu tố môi trường. Phần lớn tôm chết nằm trong giai đoạn từ 1 - 2 tháng tuổi. Nhiều nông dân đã cải tạo xong ao nuôi nhưng do thời tiết không thuận lợi nên phải hoãn thời gian thả giống.

Do đó tính đến ngày 10/04, diện tích đã thả giống toàn tỉnh chỉ gần 5.200 ha, bằng 11,54% kế hoạch, trong đó tôm sú 2.254 ha, tôm thẻ 2.939 ha. Theo kế hoạch nuôi tôm của tỉnh năm 2015, còn lại khoảng 40.000 ha tiếp tục được thả giống trong mùa mưa, do đó rất cần bà con chủ động ngay từ đầu vụ, đảm bảo những khâu kỹ thuật chắc chắn trước khi bắt đầu vụ nuôi mới.

Thạc sĩ Trịnh Mỹ Yến – Cán bộ kỹ thuật Chi Cục Thú Y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Trước những cơn mưa đầu mùa bà con nên dùng vôi nông nghiệp rãi điều khắp bờ ao để tránh hiện tượng pH giảm đột ngột, sử dụng men vi sinh định kỳ, hạn chế lấy nước trực tiếp vào ao nuôi, thường xuyên theo dõi quan sát hoạt động của tôm nuôi, nhất là đường ruột và gan, tụy của tôm để có sự chủ động sớm.”

Theo ông Lê Văn Mung ở xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nhiệt độ không khí và nước tăng cao, làm ảnh hưởng đến ao tôm mới thả giống trên 20 ngày tuổi của ông. Vốn có kinh nghiệm nuôi tôm trên 10 năm, ông Mung đã có những bước chuẩn bị chu đáo, chủ động khi nuôi tôm trong giai đoạn chuyển mùa; Trước đây với hơn 2 ha, ông chủ yếu nuôi quảng canh, khoảng 2 năm nay ông chuyển qua nuôi tôm công nghiệp có làm vèo lưới ở giữa ao để thả nuôi cá rô phi với tôm.

Theo ông, thả nuôi cá rô phi trong vèo giúp giảm hao hụt thức ăn, làm sạch môi trường và hạn chế được mầm bệnh. Nhờ đó mà 2 năm qua, vượt lên những bất lợi của thời tiết, các ao tôm của ông vẫn đạt hiệu quả cao.

Còn ông Tăng Văn Súa ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu cũng thành công trong nuôi ghép cá rô phi với tôm nhiều năm nay. Xét về hiệu quả kinh tế, ông Súa cho biết, lượng thức ăn khi nuôi ghép tăng không đáng kể, do cá rô phi có thể ăn tảo, động vật phù du và các chất hữu cơ trong nước.

Sau mỗi vụ tôm thành công, ông còn có thêm thu nhập từ cá rô phi. Ông Tăng Văn Súa cho biết cứ thả 100 ngàn con tôm thì ông thả 300 con cá rô phi, phải thả cá trước khoảng 1 tuần hay 10 ngày rồi mới thả tôm nuôi, để cá ăn các chất dơ trong ao trước, tạo độ kiềm trong nước tốt. Nhờ nuôi ghép nên màu nước trong ao rất tốt, lợi nhuận thu về cũng cao hơn.

Theo các tài liệu khoa hoc, cách thức ăn lọc của cá rô phi hoàn toàn khác với những loài khác do mang cá tiết ra nhiều chất nhầy để bắt các hạt lơ lững tạo thành các cục nhầy dính đầy tảo, động vật phù du, vật chất hữu cơ và nuốt vào thực quản. Vì vậy, cá rô phi có khả năng giảm vật chất hữu cơ trong ao.

Bên cạnh đó, cá rô phi có thể ăn thức ăn thừa, chất thải từ tôm làm giảm sự tích tụ chất thải trong ao nuôi. Ngoài ra, quá trình ăn lọc tảo và môi trường sống của cá rô phi cũng làm tảo Chlorella phát triển mạnh hơn các loài tảo khác, tảo Chlorella trong môi trường nước sản sinh ra kháng sinh Chlorellin, chất này có tác dụng ức chế sự phát triển của các loài vi khuẩn có hại trong nước ao nuôi, đặc biệt là vi khuẩn Vibrio gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm.

Cá rô phi còn giúp giữ ổn định độ kiềm trong ao, nhất là trong giai đoạn tôm lột xác hoặc điều kiện môi trường thay đổi đột ngột. Thạc sĩ Trịnh Mỹ Yến cho biết: “Bà con có thể kết hợp nuôi cá rô phi trong ao lắng hoặc nuôi cá trực tiếp trong ao nuôi, sau khi thu hoạch cá xong thì diệt tạp, diệt khuẩn rồi tiến hành thả tôm.”

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân bảo vệ tôm nuôi, chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết. Ở các địa phương, ngành Nông nghiệp đã đề ra kế hoạch phòng chống dịch bệnh tôm với những biện pháp thiết thực, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh;

Tăng cường cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người nuôi tôm cách phòng tránh bệnh tôm; Thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh tôm giống để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng con giống; Tăng cường giám sát và quản lý tốt vùng nuôi, cơ sở nuôi tôm để kịp thời phát hiện dịch bệnh; Chủ động quản lý các yếu tố môi trường ao nuôi, để từng bước hạn chế và ngăn chặn triệu để các diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong thời gian nhanh nhất.


Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ vườn tiêu xen cà phê hữu cơ Thu tiền tỷ từ vườn tiêu xen cà phê hữu cơ

Mô hình trồng tiêu xen canh cà phê theo phương pháp hữu cơ trên cùng một diện tích của chàng trai quê Gia Lai cho lợi nhuận gấp 3 lần

26/11/2016
Trồng nấm sạch kiếm tiền tỷ mỗi năm Trồng nấm sạch kiếm tiền tỷ mỗi năm

Mạnh dạn chuyển đổi sang trồng nấm sạch, trung bình mỗi năm ông Phạm Quốc Hương (Ninh Bình) có thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng.

28/11/2016
Từ hai bàn tay trắng trở thành chủ của đàn bò gần 300 con Từ hai bàn tay trắng trở thành chủ của đàn bò gần 300 con

Sau 18 năm chăm sóc và gây dựng, từ hai bàn tay trắng, đến nay, gia đình anh Xá đang sở hữu trong tay gần 300 con bò với giá trị hơn 3 tỷ đồng

28/11/2016
Ông trùm nuôi trâu vùng rốn phèn Ông trùm nuôi trâu vùng rốn phèn

Hơn chục năm ròng mải mê với đàn trâu rồi làm giàu cũng từ đó, anh Nguyễn Hồng Ngự được mọi người đặt biệt danh là trùm nuôi trâu miền Tây

28/11/2016
Nuôi gà siêu trứng, thu nhập 2 triệu đồng/ngày Nuôi gà siêu trứng, thu nhập 2 triệu đồng/ngày

Ông Nguyễn Văn Liệu (52 tuổi, ở phường Hoà Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) đã thành công với mô hình nuôi gà siêu trứng, thu nhập 2 triệu đồng/ngày.

29/11/2016