Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát triển vùng chuyên canh rau Thống Nhất (Đồng Nai)

Phát triển vùng chuyên canh rau Thống Nhất (Đồng Nai)
Ngày đăng: 11/04/2015

Huyện đã quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh cây rau theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất an toàn. Năm 2015, Thống Nhất đang tập trung xây dựng vùng chuyên canh rau trên cánh đồng Tân Yên (xã Gia Tân 3).

* Những vùng rau đặc sản

Cánh đồng Tân Yên, vùng rau Phúc Nhạc (xã Gia Tân 3) từ lâu đã nổi tiếng với đặc sản rau xà lách gai (còn gọi là xà lách còng). Người xứ khác về đây thường được mời thưởng thức món rau này vì ở Đồng Nai chỉ nơi đây mới trồng được loại rau sống xanh mởn, ngọt giòn này.

Chị Nguyễn Thị Mai, nông dân trồng rau tại xã Gia Tân 3, chia sẻ: “Rất nhiều người thích ăn xà lách còng này bởi nó vừa giòn, vừa ngọt. Rau cắt về để trong mát có thể tươi đến 3 - 4 ngày, rất dễ bảo quản, ít bị hư hao hơn các dòng rau sống cùng loại nên được thương lái rất chuộng”. Thời trước, cánh đồng Tân Yên chủ yếu chỉ trồng giống rau này, giờ diện tích trồng rau dần mở rộng, nông dân mới trồng thêm nhiều loại rau khác. Nhưng đây vẫn là giống rau thường cho thu nhập cao nhất trong các loại rau, củ, quả.

Cần nước Thống Nhất cũng là một trong những loại rau đặc sản nổi tiếng xa gần, không chỉ tiêu thụ tốt trong tỉnh mà các thị trường lớn, như: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng… đều rất ưa chuộng. Theo những nông dân trồng rau, chỉ ở vùng Gia Kiệm, Gia Tân 3, cần nước mới tươi non, giòn và thơm hơn hẳn.

Chính vì vậy, những vùng rau này cũng là địa chỉ thu hút thương lái xa, gần tìm về thu mua. Ông Ngụy Hải Châu, Chủ tịch UBND xã Gia Tân 3, cho biết: “Cánh đồng Tân Yên được chọn là mô hình điểm xây dựng vùng chuyên canh cây rau của Thống Nhất, và nếu chuyển đổi hết diện tích gần 90 hécta ở đây sang trồng rau thì đây là vùng rau tập trung lớn nhất của Đồng Nai. Thổ nhưỡng vùng này rất phù hợp phát triển cây rau, địa phương đang triển khai mở rộng đường, đầu tư hệ thống kênh mương, hệ thống điện về tận cánh đồng phục vụ sản xuất cho nông dân.

Chúng tôi cũng đã đưa mẫu rau ở đây đi kiểm nghiệm và đạt tiêu chuẩn an toàn. Hướng tới, nông dân sẽ thực hiện sản xuất đạt chuẩn VietGAP để vùng rau này không chỉ nổi tiếng với đặc sản rau ngon mà còn đạt chuẩn an toàn”.

* Làm giàu từ vùng rau

Về Thống Nhất, tham quan những cánh đồng rau bát ngát, xanh mơn mởn mới thấy nông dân ở đây chăm chút kỹ lưỡng cho mảnh vườn của mình như thế nào. Các hộ nông dân đều lắp hệ thống tưới tự động, đầu tư giếng khoan, kéo điện trồng rau. Nhiều nông dân ra vườn từ 5 giờ sáng đến khi trời tối mới ngừng việc.

Nhiều hộ nông dân chỉ dựa vào đôi ba sào rau đã đảm bảo thu nhập nuôi 5 - 6 người con ăn học. Ông Đặng Văn Hậu, nông dân trồng rau tại xã Gia Tân 3, nhận xét: “1 sào đất trồng rau tại cánh đồng Tân Yên này bán được từ 5 - 6 cây vàng nhưng không mấy người chịu bán đất. Lợi nhuận từ rau cao hơn nhiều lần so với cây lúa nên nông dân ở đây chuyển đổi qua rau rất nhiều. Bà con cũng đầu tư sản xuất theo hướng chuyên canh, giảm chi phí rất nhiều so với trước”.

Ông Phạm Văn Thuận, thương lái thu mua rau tại huyện Thống Nhất, cho hay: “Nhiều người dân ở đây giàu lên nhờ các vùng trồng rau. Các đại lý thu mua rau nở rộ ngay cạnh các cánh đồng rau. Thương lái sẵn sàng đầu tư gối đầu cho nông dân sản xuất. Chủng loại rau rất đa dạng, tiêu thụ khắp các tỉnh, thành. Dòng bầu, bí còn đi ngược về các vùng rau lớn của Lâm Đồng… Nông dân giỏi nghề rất nhiều nên chất lượng rau Thống Nhất không thua gì các vùng trồng rau lớn trong cả nước”.

Theo ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, rau là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương cho thu nhập cao. Mục tiêu của địa phương là phát triển những vùng chuyên canh cây rau theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu rau Thống Nhất; ứng dụng khoa học - kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh về giá, chất lượng cho cây rau, phấn đấu 1 hécta rau cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm; quan trọng nhất là xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định khi mở rộng vùng rau theo quy mô sản xuất lớn.


Có thể bạn quan tâm

Chủ Rừng Xứ Cát Chủ Rừng Xứ Cát

Sinh năm 1988 ở thôn Sen Đông, xã Sen Thủy (Lệ Thuỷ - Quảng Bình), học hết lớp 9, Lê Đăng Tây đã phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Sau nhiều năm làm thuê trong Nam

21/03/2011
Giá Gạo Nội Tiêu Và XK Của Thái Lan Tăng 1-3% Giá Gạo Nội Tiêu Và XK Của Thái Lan Tăng 1-3%

Giá gạo nội tiêu và XK của Thái Lan tăng tới 1-3%, trong khi đó lượng gạo XK theo hợp đồng với Nigeria vẫn tiếp tục được thực hiện.

26/03/2012
Gần 1.110 Ha Tôm Sú Bị Thiệt Hại Gần 1.110 Ha Tôm Sú Bị Thiệt Hại

Tại tỉnh Trà Vinh, nhiều diện tích nuôi tôm sú chính vụ 2011 đang trong giai đoạn từ 30 - 45 ngày tuổi bị chết vì bệnh đỏ thân. Đến nay, ở các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú đã có gần 1.110 ha tôm sú của 930 hộ dân bị thiệt hại, với số lượng gần 44 triệu con

30/03/2011
Trồng Xà Lách Xoong Thu Nhập Cao Trồng Xà Lách Xoong Thu Nhập Cao

Xà lách xoong hiện nay thu hoạch bao nhiêu thương lái đến tận ruộng thu mua hết. Hai công xà lách xoong của ông trừ hết chi phí lãi trên 60 triệu đồng/năm

16/02/2011
Tiêu Thụ Đường: DN Cãi Nhau, Bộ Lúng Túng Tiêu Thụ Đường: DN Cãi Nhau, Bộ Lúng Túng

Các nhà máy đường đang tồn kho lượng đường khá lớn, trong khi các doanh nghiệp tiêu thụ đường lại đang đòi được nhập khẩu đường. Trước tình hình đó, ngày 28/3, tại TP HCM, Bộ Công thương đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ, nhưng xem ra vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung, khi bên nào cũng chỉ nghĩ tới lợi ích riêng của mình.

29/03/2012