Cầu, Sung, Dừa, Đủ... Hốt Bạc!
Tết đến, nhà nhà bày biện mâm ngũ quả thật đẹp để vừa cúng tổ tiên, ông bà vừa thể hiện ước muốn của gia chủ trong suốt 1 năm. Nhu cầu này đang làm cho một số loại trái cây sốt giá từng ngày
Bưởi là một trong những loại trái cây không thể thiếu trên mâm ngũ quả ngày Tết. Do vậy, người dân trồng bưởi Năm Roi ở các huyện Châu Thành (Hậu Giang), Bình Minh, Tam Bình (Vĩnh Long) đang “cười như địa chủ” khi giá bưởi tăng từng ngày.
Rộn ràng xứ cam, bưởi
Cách đây 1 tháng, thương lái đến xem vườn rồi mua bưởi “xô” (đặt trước tiền cọc, đến cận Tết sẽ hái) với giá khoảng 25.000 đồng/kg thì nay tăng lên gấp đôi (bưởi loại 1 có trọng lượng từ 1 kg trở lên). Trong khi đó, bưởi da xanh có giá bán cao gần gấp đôi bưởi Năm Roi nhưng nhà vườn không đủ cung cấp cho thương lái.
Chị Nguyễn Thị Bích Như - một nhà vườn trồng bưởi ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành - phấn khởi: “Nhà tôi trồng gần 50 công bưởi xen canh với cam. Với giá bán cao như hiện nay, gia đình tôi và bà con lối xóm sẽ được đón cái Tết tươm tất sau nhiều năm bưởi rớt giá thê thảm”.
Không chỉ nhà vườn mà các thương lái cũng hồ hởi trước giá bưởi tăng cao. “Tết năm rồi, bưởi bị dội chợ nên chúng tôi phải bán lỗ để kịp về nhà rước ông bà. Năm nay, các chợ đầu mối đều đặt hàng trước nên cánh thương lái không lo chuyện ứ hàng” - anh Phạm Chí Tâm, một thương lái chuyên thu mua bưởi dịp Tết, cho biết.
Quýt cũng là loại trái cây túc trực trên mâm ngũ quả ngày Tết. Ở ĐBSCL, quýt hồng trồng trên vùng đất Lai Vung (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) từ lâu nổi tiếng thơm ngon. Những ngày này, người trồng quýt đang “nở mặt” vì được thương lái đến tận vườn đặt mua với giá gần 30.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với Tết năm rồi. Theo tính toán của các nhà vườn, những ngày cận Tết, giá quýt sẽ tăng thêm ít nhất 5.000-10.000 đồng/kg. Với giá bán này, mỗi hecta quýt hồng, người trồng sẽ có thu nhập gần 200 triệu đồng.
Hốt bạc từ… thứ bỏ đi
Ngày thường, nhà nào trồng cây sung cũng cảm thấy phiền phức do phải quét dọn trái và lá rụng đầy sân. Tuy nhiên, vào dịp Tết, trái sung đã đem lại cho gia chủ số tiền không nhỏ. Chỉ tay về phía 2 cây sung trên 20 năm tuổi của mình, ông Tuấn Anh (ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tiết lộ: “Nhìn nó xấu xí vậy chứ mỗi cái Tết đều đem về cho gia đình tôi cả chục triệu đồng”. Cũng theo ông Tuấn Anh, sau khi đến mua trái, các thương lái tranh nhau đặt hàng trước cả năm.
Trong khi đó, gần tháng qua, những nhà vườn trồng mãng cầu gai (còn gọi là mãng cầu xiêm) bắt đầu hạn chế tưới nước, bón phân để trái thôi phát triển. Bởi lẽ, muốn giữ cho trái mãng cầu hiện diện trên mâm ngũ quả từ 5 - 7 ngày thì gia chủ phải chọn mua những trái còn non, chưa nở gai.
Ngày thường, những trái mãng cầu này rụng đầy vườn, chẳng ai ngó ngàng tới nhưng cận Tết thì giá trị của nó cao gấp 2 - 3 lần so với mãng cầu chín. Ông Võ Văn Vinh - một hộ trồng mãng cầu ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ - cho biết nhiều ngày qua, thương lái rảo quanh các vườn để đặt mua trái non chứ tuyệt đối không mua trái sắp chín. So với Tết năm rồi, năm nay mãng cầu non được thương lái đặt mua với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, những loại trái cây thường hiện diện trên mâm ngũ quả ngày Tết, như: dừa, thơm, đu đủ, xoài… cũng đang được các thương lái thu mua với giá cao hơn những năm trước.
Một lãnh đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết thông thường, nếu rơi vào năm nhuần thì hầu hết các loại trái cây đều tăng giá vào dịp Tết. Hơn nữa, do thời tiết năm nay không thuận lợi nên sản lượng trái cây không cao dẫn đến giá tăng đột biến.
Mâm ngũ quả nhiều ý nghĩa
Ở từng vùng miền khác nhau, người dân chọn những loại trái cây khác nhau để đặt trên mâm ngũ quả. Nếu ở miền Bắc, gia chủ thường chọn bưởi, táo, chuối, phật thủ, cam, quýt, hồng, ớt, mận, đào, măng cụt, lê... thì ở miền Nam, mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, thơm (khóm)... luôn được lựa chọn trên mâm ngũ quả để thể hiện mong muốn “cầu vừa đủ xài” hoặc “cầu vừa đủ sung”...
Có thể bạn quan tâm
Những ngày qua do ảnh hưởng cơn bão số 1 đúng lúc người dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu, gây khó khăn cho khâu cắt lúa và thu mua, nên giá lúa sụt giảm từ 200 - 300đ/kg so với đầu vụ.
Cách đây 10-15 năm, ở Lạng Sơn, 1 kg trám trắng chỉ có giá 6.000 đồng. Trung Quốc sang ta mua trám về làm thành mứt. Sau đó đưa trở lại Việt Nam bán với giá 10.000 đ/lạng. Như vậy là 1 kg tới 100.000 đồng.
Bã nước thải hầm biogas có nhiều chất dinh dưỡng hòa tan, dễ phân hủy, khi bổ sung xuống ao nuôi cá sẽ giúp cho các loại sinh vật thủy sinh phát triển mạnh, là nguồn thức ăn tự nhiên, bổ dưỡng, tốt cho sự sinh trưởng và phát triển của cá.
Bước vào chính vụ 2015, thanh long Bình Thuận đang trải qua những cung bậc lên xuống của giá cả thị trường. Chỉ trong vòng nửa tháng, giá thanh long đã biến động từ 4.000 - 5.000 đồng /kg lên 11.000 - 13.000 đồng/kg. Khá vui mừng trước thông tin thanh long lên giá, nhưng không ít hộ lại lo lắng vì số lượng hàng dạt nhiều do sâu bệnh, buộc bán giá thấp dẫn đến thua lỗ...
Cách TP. Phan Thiết 56 hải lý theo hướng Đông - Đông Nam, giữa trùng khơi bốn bề biển cả là huyện đảo Phú Quý. Do có vị trí địa lý đặc thù nên người dân và chính quyền nơi đây luôn xác định kinh tế biển là đòn bẩy đưa Phú Quý vươn lên…