Phát triển thủy sản thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Phóng viên: Thưa ông! Được biết, lĩnh vực thủy sản của tỉnh những năm qua đã có bước phát triển mạnh, đó là giá trị sản xuất và giá trị gia tăng liên tục tăng, người nuôi thủy sản có thu nhập cao. Đề nghị ông cho biết rõ hơn về hướng phát triển thủy sản trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh?
Ông Nguyễn Văn Tuyển: Lĩnh vực thủy sản của tỉnh trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích mặt nước, năng suất và sản lượng nuôi liên tục tăng cao. Tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản giai đoạn 2010 - 2015 đạt trên 19%/năm, giá trị sản xuất đạt trên 130 triệu đồng/ha, thu nhập trung bình từ 60 - 70 triệu đồng/ha/vụ, nhiều mô hình nuôi bán thâm canh và thâm canh cho thu nhập trên 150 triệu đồng/ha/vụ.
Ngoài việc mở rộng quy mô, các hình thức nuôi đã phong phú hơn, đặc biệt là nuôi cá đặc sản ở nhiều địa phương, nghề nuôi cá lồng hồ chứa đã phát triển mạnh. Xã Cốc Ly (Bắc Hà), năm 2014 có 34 lồng nuôi cá và năm 2015 nâng lên 130 lồng nuôi cá; các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản. Bên cạnh đó, sản xuất con giống thủy sản được ngành chú trọng hơn, Trại giống thủy sản cấp I của tỉnh được Hiệp hội Nghề cá Việt Nam công nhận là đơn vị sản xuất giống chất lượng cao.
Phóng viên: Bên cạnh nuôi cá nước ấm thì nghề nuôi cá nước lạnh ở tỉnh đã có những thành công bước đầu, vậy ông đánh giá như thế nào về lĩnh vực này?
Ông Nguyễn Văn Tuyển: Lào Cai có lợi thế hơn hẳn những địa phương khác để phát triển nuôi cá nước lạnh là nhiệt độ, nguồn nước, môi trường... Vì vậy, sau 10 năm phát triển, đến nay nghề nuôi cá nước lạnh của tỉnh đã có sự tăng trưởng vượt bậc, với hơn 40 cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Năm 2015, sản lượng ước đạt 390 tấn.
Nhìn chung, nuôi cá nước lạnh tại Lào Cai đã khẳng định được sự thích nghi của loài và mở ra triển vọng mới đối với nghề nuôi thuỷ sản của địa phương. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc tiếp tục di nhập một số đối tượng thuỷ sản nước lạnh khác có giá trị kinh tế như cá tầm trắng, nhằm đa dạng hoá đối tượng nuôi và khai thác tiềm năng nguồn nước lạnh sẵn có, phát triển du lịch địa phương...
Tuy nhiên, nghề nuôi cá nước lạnh còn gặp khó khăn do nguồn nước cung cấp còn hạn chế, chưa chủ động được thức ăn, xảy ra tranh chấp nguồn nước, diện tích nuôi. Tình trạng cá tầm, cá hồi thương phẩm Trung Quốc nhập lậu với giá bán rẻ hơn khiến người nuôi thua thiệt.
Phóng viên: Như đề cập ở trên cho thấy, lĩnh vực thủy sản của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tuyển: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển thủy sản của tỉnh trong giai đoạn qua cũng gặp không ít khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là: Diện tích các vùng nuôi thủy sản hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho công tác quản lý về môi trường và dịch bệnh, chưa hình thành được các vùng nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa an toàn, chất lượng cao. Trình độ học vấn, khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật của đại bộ phận lao động xã hội còn hạn chế. Phần lớn các hộ nuôi thủy sản thiếu vốn sản xuất, kỹ thuật, do đó việc đầu tư xây dựng hạ tầng, trang thiết bị, con giống, thức ăn thiếu tính đồng bộ. Các trại sản xuất giống còn hạn chế về công nghệ sản xuất giống các loài cá bản địa, các giống thủy sản mới có giá trị kinh tế cao. Công tác quản lý con giống, nhất là các loài cá nuôi truyền thống gặp nhiều khó khăn, do không kiểm soát được chất lượng con giống và vệ sinh thú y thủy sản. Đội ngũ cán bộ chuyên sâu về thủy sản ở tỉnh còn thiếu, hầu hết phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng kinh tế ở các huyện, thành phố chưa có kỹ sư thủy sản.
Phóng viên: Hiện nay công tác quy hoạch phát triển thủy sản và cung ứng giống được tỉnh triển khai và thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Tuyển: Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Lào Cai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2559/QĐ-UBND ngày 10/9/2014. Công tác công bố và triển khai Quy hoạch đã được các huyện, thành phố quan tâm, chú trọng thực hiện và xây dựng kế hoạch hằng năm trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu Quy hoạch.
Về công tác cung ứng giống: Tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo sửa chữa các hạng mục của các trại giống, tính đến nay, số lượng con giống sản xuất trong tỉnh đạt trên 14 triệu con giống, đáp ứng 60% nhu cầu con giống đảm bảo chất lượng cho người nuôi. Ngoài các trại giống thủy sản cung cấp giống, thì hệ thống mạng lưới cung ứng con giống đã được xây dựng với 20 điểm/19 xã thuộc địa bàn 7 huyện, thành phố để thuận tiện cung cấp cho người dân trong tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh mở rộng thêm các điểm cung ứng con giống, đặc biệt chú trọng thị trường vùng cao, vùng xa có diện tích nuôi thủy sản nhưng khó tiếp cận với giống thủy sản.
Phóng viên: Để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh thủy sản và hướng tới phát triển bền vững, tỉnh Lào Cai có định hướng và giải pháp nào trong những năm tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tuyển: Định hướng phát triển thủy sản của tỉnh trong thời gian tới: Phát triển thủy sản tỉnh Lào Cai hiệu quả và bền vững, đầu tư phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng nuôi chuyên canh, theo các hình thức thâm canh và bán thâm canh; cơ bản chủ động về giống thủy sản đáp ứng nhu cầu trên địa bàn tỉnh; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh vùng biên giới. Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn tới là 9,2%/năm; chiếm 5% - 6% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Để làm được như vậy, trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng (thủy lợi, giao thông, lưới điện, chợ thủy sản đầu mối) phục vụ nuôi thủy sản, nhất là các vùng nuôi tập trung; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, áp dụng hình thức nuôi bán thâm canh và thâm canh; tập trung nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực, các đối tượng bản địa, giá trị kinh tế cao, chú trọng công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tiếp tục tăng cường nguồn lực cho các cơ sở giống của tỉnh; quan tâm bổ sung đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ đại học cho tỉnh, nhất là ở các huyện, thành phố.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Chủ yếu hỗ trợ cho bà con trong vùng Dự án nuôi cá trên ruộng lúa thí điểm theo tổ hợp tác 33ha tại các xã Mỹ Phước (Mang Thít), Hiếu Nhơn, Hiếu Thành (Vũng Liêm), vốn đầu tư 400 triệu đồng. Nông dân tham gia dự án được hỗ trợ cá giống, 30% chi phí thức ăn và được trung tâm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.
Đến thôn Tài Tùng, xã Yên Than (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh), hỏi trang trại nuôi gà của anh Phạm Văn Bình ai cũng biết, bởi anh là một trong những người tiên phong bỏ công sức và kinh phí để khôi phục lại giống gà Tiên Yên nổi tiếng trước đây.
Thỏ là vật dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều công sức, vốn ít, có thể tận dụng thức ăn ngay tại địa phương, nhu cầu thị trường rất lớn, đang là một hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi của nhiều hộ nông dân ở Quỳnh Phụ (Thái Bình).
Được tiếp sức nguồn vốn vay ưu đãi từ Agribank Hòa Vang (Đà Nẵng), nhiều nông dân đã đầu tư đúng hướng, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình.
Vụ lúa hè thu năm nay, nông dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) gieo sạ hơn 17 ngàn hecta. Cơ cấu giống vẫn là những giống lúa kháng rầy, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất cao. Do điều kiện thời tiết thuận lợi, bên cạnh đó bà con nông dân đã tích cực chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa, nên hầu hết các diện tích đều phát triển tốt, tránh được bệnh rầy nâu và một số dịch bệnh hại lúa khác, ước tính năng suất bình quân đạt hơn 6 tấn/ha.