Hiệu Quả Trồng Màu Trong Nhà Màng
Thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, nhiều nông dân trong tỉnh An Giang đã mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất.
Trong đó, việc trồng rau màu trong nhà màng là một trong những mô hình đã và đang mang lại hiệu quả đáng kể cho nông dân. Qua đó, góp phần tăng sản lượng, nâng chất lượng nông sản cũng như đóng góp tích cực trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.
Được địa phương giới thiệu, chúng tôi đến tham quan mô hình ươm cây giống trong nhà màng của nông dân Nguyễn Văn Thức (ấp Thạnh Phú, xã Khánh An, An Phú). Đây là mô hình nhà màng có diện tích gần 1.000 m2, được xây dựng trong năm 2014, do Sở KH&CN hỗ trợ một phần kinh phí.
Hiện nay, nhà màng được ông Nguyễn Văn Thức dùng để ươm ớt giống các loại để cung cấp cho các hộ trồng ớt trong và ngoài địa phương. Thời điểm chúng tôi đến tham quan là lúc công việc ươm cây giống của ông Thức diễn ra được hai tháng. Thế nhưng, ông Thức đã bán ra thị trường khoảng 500.000 cây ớt giống. Với giá bán 400 đồng/cây, sau khi trừ chi phí, ông Thức còn lời 100 đồng/cây.
Do được ươm trong nhà lưới nên bọ trĩ và các loại sâu bệnh khác không thể xâm nhập gây bệnh cho ớt giống. Mặt khác, vì được cách ly mặt đất nên cây phát triển tốt, hạn chế được chất khảm nên giống ớt tại cơ sở ông Thức được nông dân trồng ớt trong và ngoài địa phương rất ưa chuộng.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề trồng ớt và cũng là khách quen mua giống ớt tại đây, ông Nguyễn Văn Bình (xã Vĩnh Lộc, An Phú) cho biết: “Muốn cây ớt khỏe mạnh, có chất lượng thì việc phòng trừ bệnh phải thực hiện từ giai đoạn cây con. Các giống ớt được trồng trong nhà lưới khỏe mạnh, ít sâu bệnh, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. So với giống ớt ươm bên ngoài thì giống ớt ươm trong nhà lưới khi trồng phát triển rất tốt và tỷ lệ hao hụt không đáng kể”.
Ngoài khu vực nhà lưới để ươm ớt giống, ông Thức còn có 1.200 m2 diện tích nhà màng trồng ớt thương phẩm. Ông Thức cho biết: “So với trồng ớt bên ngoài thì trồng ớt trong nhà màng thu hoạch dài hơn khoảng 3 đợt và được khách hàng ưa chuộng hơn, vì trái đẹp, an toàn (do hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật)”.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhà màng trồng ớt của ông Thức đã thu hoạch được 9 đợt trái. Bán cho thương lái với giá 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 16.000 đồng/kg. Ông Thức chia sẻ: “Bỏ ra chi phí khoảng 10 triệu đồng đã làm được một mô hình nhà màng diện tích khoảng 1.000m2 bao gồm cả cây tràm, lưới cước, thời gian sử dụng khoảng hai năm.
Cái lợi nhất là hạn chế được nhiều chi phí phun xịt thuốc trừ sâu và công chăm sóc. Không chỉ trồng ớt mà mỗi vụ tôi còn luân canh trồng các loại rau màu khác. Nhìn chung, rau màu trồng trong nhà màng đều cho năng suất cao, giảm nhiều chi phí hơn trồng bên ngoài”.
Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Văn Thao cho biết, đến nay, huyện An Phú đã xây dựng được 2 nhà lưới và 5 nhà màng sản xuất rau màu tại xã Khánh An và Phú Hữu, với diện tích trên 16.000m2, trồng các loại rau màu, như: Dưa lê, bầu, bí, cải bẹ xanh, cải bẹ dún, cà chua, ớt, khổ qua, đưa leo…
Bước đầu đã mang lại hiệu quả khá tốt, thu hút nhiều nông dân trong và ngoài địa phương đến tham quan học tập kinh nghiệm vá áp dụng sản xuất.
Để tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng thương hiệu rau an toàn, tăng năng suất cây trồng và nâng cao đời sống cho bà con nông dân, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích nông dân tham gia thực hiện trồng rau màu trong nhà màng. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục tìm các đối tác tiêu thụ đầu ra các sản phẩm rau màu, với các chính sách cụ thể, rõ ràng để nông dân yên tâm sản xuất.”
Nguồn bài viết: http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Tin-trong-tinh/Hieu-qua-trong-mau-trong-nha-mang.html
Có thể bạn quan tâm
Trong một vài năm trở lại đây, mô hình cá lăng nha đuôi đỏ nuôi trong bè nổi tại các hồ lớn, hồ thủy điện… trong tỉnh Dak Lak đã chứng tỏ được giá trị kinh tế của loài cá đặc sản được xếp bậc nhất trong họ cá da trơn trên dòng sông Mê Kông.
Thực hiện lịch thời vụ trong nuôi trồng thủy sản, trong tháng 7/2013 ở Bạc Liêu, nông dân đã tập trung thả giống hơn 96.830ha, nâng tổng diện tích tôm nuôi đến nay lên hơn 124.590ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp khoảng 11.570ha, còn lại là diện tích nuôi quảng canh, hoặc quảng canh cải tiến kết hợp với các loại thủy sản khác như: cá, cua...
Nếu như trước đây 90% giống dâu, tằm có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ thì nay người trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chuyển sang nuôi trồng giống dâu, tằm nội địa. Giống dâu, tằm này do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng (TTNCTNNLN) nghiên cứu và đưa vào sản xuất đại trà thời gian gần đây.
An Giang có 2 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gạo đồ (parboiling) là Công ty TNHH Khiêm Thanh và Công ty Cổ phần Toàn Cầu, có tổng công suất thiết kế 1.200 tấn/ngày. Không chỉ bán được giá cao hơn, chế biến gạo đồ còn giải quyết được nhiều khó khăn trong sản xuất lúa gạo hiện tại.
Gần đây, trên những diện tích sản xuất lúa, hoa màu gặp khó khăn, năng suất đạt thấp do đất nghèo dinh dưỡng, nhiều nông dân xã Đại Đồng (Đại Lộc - Quảng Nam) đã chuyển sang chuyên canh cây sả theo hướng hàng hóa với diện tích lớn, thu được hiệu quả kinh tế cao.