Phát Triển Thủy Sản Miền Núi
Trong những năm gần đây Trung tâm KN - KN Nghệ An phối hợp với Trạm KN các huyện xây dựng hàng loạt mô hình ương nuôi cá giống ở hầu hết địa bàn các huyện miền núi.
Khu vực miền núi tỉnh Nghệ An có hàng trăm hồ đập thủy lợi nhỏ và hàng ngàn ao chuôm. Xác định đây là môi trường rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nên thời gian qua hệ thống KN-KN đã tập trung xây dựng các mô hình ương nuôi cá giống...
Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm Trại ương nuôi cá giống cấp 2 tại xã Châu Quang, Trạm trưởng Trạm KN huyện Quỳ Hợp, ông Phan Thanh Tâm bảo: "Trước đây người dân miền núi đã biết nuôi cá trong ao hồ, thế nhưng nguồn giống chỉ mua của tư thương đi rao bán tự do.
Gặp những lúc khó khăn, có nhiều hộ đã phải cất công đi xuống huyện Diễn Châu, hoặc đến hồ Khe Đá ở huyện Tân Kỳ để mua con giống.
Tuy nhiên quá trình thả nuôi, do cá giống không thích nghi với môi trường nên tỷ lệ sống đạt được rất thấp. Mặt khác vì người dân chưa có kiến thức kỹ thuật chăm sóc nên cá còi cọc, không thể lớn được. Bởi vậy những hộ có ao hồ thả cá chỉ đủ phục vụ cho gia đình, chứ chưa thể có lượng cá hàng hóa để đem ra chợ bán".
Quá trình khảo sát môi trường, thấy nhu cầu phát triển thủy sản của dân là rất lớn nên Trạm KN đã xây dựng một trại ương nuôi cá giống tại xã Châu Quang. Trại cá giống này chỉ rộng 0,5 ha nhưng trạm đã phân chia xây dựng thành nhiều ao chuôm rất chắc chắn.
Hằng năm trạm thả xuống đây đến hơn 1 triệu con cá bột các loại như rô, trôi, mè, trắm. Sau 3 tháng chăm sóc đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, trạm lại cất lên để phân phối cho bà con dân bản.
"Hằng năm tại trại ương nuôi cá giống này, chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tập huấn kỹ thuật hướng dẫn cho nông dân hiểu biết cách chăm sóc cá như: Xử lý ao nuôi, mật độ thả cá trong ao, liều lượng khẩu phần thức ăn, cách thức phòng trừ bệnh, phương pháp chống rét…
Mặt khác cá giống ở đây đã có thời gian dài thích nghi với môi trường khí hậu, nên khi bà con nhận giống về chăn thả và thực hiện đúng theo kỹ thuật của trạm hướng dẫn thì năng suất đã được tăng gấp bội", ông Phan Thanh Tâm chia sẻ.
Ngược huyện Quỳ Châu, anh Sầm Văn Thái, Trạm trưởng Trạm KN huyện này bảo: "Tập tục của đồng bào miền núi từ lâu rồi, là vào rừng lấy măng và xuống khe suối bắt cá bắt tôm. Thế nhưng bây giờ khe suối đã bị ô nhiễm, cá tôm cũng không còn sống được, vậy nên nhu cầu nuôi cá trong ao hồ và ruộng lúa là rất cần thiết.
Để giúp dân tiếp cận được nguồn giống, biết cách nuôi cá trong ao hồ, Trạm KN Quỳ Châu đã xây dựng 4 mô hình ương nuôi cá giống cấp 2 tại xã Châu Hội với quy mô 0,5 ha. Tại 4 hộ có ao tham gia mô hình, đội ngũ cán bộ của trạm đã hướng dẫn cho dân cách xử lý ao và thả 23 kg cá bột.
Quá trình thực hiện các mô hình (thức ăn của cá do trạm cung cấp), người dân được cán bộ bày vẽ một cách tỷ mỉ cách thức chăm sóc cá đúng kỹ thuật.
Kết quả tại hội thảo đầu bờ, sau 1 năm nuôi, số lượng cá của các mô hình bao gồm trôi, mè, trắm cỏ đã thu được 3,5 tấn/ha. Trong đó cá trắm đạt 1,2 - 1,6 kg/con, cá trôi, mè đạt 0,4 - 0,6 kg/con. Tất cả những nông dân tham gia hội thảo đã bày tỏ lòng biết ơn và đề nghị cán bộ giúp họ nhân rộng mô hình".
Trong những năm gần đây Trung tâm KN- KN Nghệ An phối hợp với Trạm KN các huyện xây dựng hàng loạt mô hình ương nuôi cá giống ở hầu hết địa bàn các huyện miền núi. Tuy nhiên theo đánh giá của các Trạm KN thì mô hình vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi trồng thủy sản của nông dân.
Bởi ở khu vực miền núi các hộ gia đình ở dọc khe suối hoặc những nơi có mạch nước ngầm dồi dào thì nhà nào cũng đua nhau đào ao, đó là chưa kể tới ở huyện nào cũng có hàng trăm hồ đập thủy lợi, hàng năm phải chăn thả một lượng cá giống rất lớn.
Như vậy việc dừng lại ở một vài mô hình ương nuôi cá giống ở một huyện để cung cấp nguồn giống là chưa đáng kể và việc tập huấn, hội thảo đầu bờ về kỹ thuật chăn nuôi cá vẫn chưa thể bao phủ hết cho người dân. Họ ước giá như ở huyện nào cũng có trại ương nuôi cá giống như ở Quỳ Hợp thì rất có lợi cho dân.
Anh Lê Viết Quang, Tổ trưởng Tổ chăn nuôi thủy sản ở xã Châu Quang phấn khởi: "Trước đây nhiều nhà cũng có ao, nhưng nuôi cá không đủ phục vụ cho gia đình, nay nhờ có nguồn giống của Trạm KN cung cấp và nhà nào cũng thực hiện đúng kỹ thuật chăn nuôi thủy sản, nên bây giờ ngày nào họ cũng đánh bắt cá to để đem ra chợ bán".
Có thể bạn quan tâm
Để ngành nông nghiệp thực sự là một trong những ngành chủ lực trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, việc “làm mới” nông nghiệp đã và đang đặt ra nhiều thách thức. Trong đó không thể chấp nhận kiểu làm ăn nhỏ lẻ, manh mún mà phải chuyển sang mô hình lớn, hoạt động tập thể; đồng thời phải đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất. Có như vậy ngành nông nghiệp mới thực sự là “tứ trụ” trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Vì vậy, dồn điền đổi thửa là một trong những yêu cầu hàng đầu được đặt ra.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh (chương trình) sau 4 năm triển khai, thực hiện đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo xã Nghĩa Lâm xác định, mấu chốt của xây dựng đời sống văn hoá và xây dựng NTM vẫn là làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân được tốt hơn. Từ đó, xã đã tập trung nhiều giải pháp để tăng thu nhập cho hộ dân, đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương.
Anh em bạn chài ở trong đó cứ gọi điện thúc giục, báo tin biển đang có cá nên cho tàu vào sớm để ra khơi. Mỗi chuyến biển của tàu hành nghề lưới vây ở phía nam chỉ tốn khoảng trên dưới 50 triệu đồng tổn phí nên chủ tàu cũng đỡ lo. Năm 2014, tàu anh Quỳnh liên tục bám biển ở các ngư trường phía nam, phía bắc đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí mỗi bạn chài kiếm được 70 đến trên 100 triệu đồng.
Xã Triệu Thành (Triệu Phong, Quảng Trị) là địa phương nằm sát thị xã Quảng Trị gồm 4 thôn, có diện tích tự nhiên hơn 258 ha với 998 hộ. Trong những năm qua, nhất là mấy năm trở lại đây sau khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt của xã thay đổi từng ngày.