Lo thiếu hụt nguồn nguyên liệu thủy sản quí 3
Diện tích giảm tới 50%
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra Thới An, Quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ, cho hay, diện tích cá tra và tôm giảm mạnh những tháng gần đây do nuôi không có lãi.
Hiện nay, do xuất khẩu khó khăn nên doanh nghiệp mua tôm chỉ còn 70.000 đồng/kg loại kích cỡ 100 con trong khi trước kia là 100.000 đồng. Với mức giá hiện nay, nông dân lỗ khoảng 5.000 đồng/kg. “Nuôi tôm rủi ro rất lớn về dịch bệnh, giá thành bằng giá bán đã là lỗ, chưa nói hiện nay giá bán còn dưới giá thành,” ông Hải nói.
Đối với cá tra, hiện nay giá bán cũng giảm xuống chỉ còn 21.500 – 22.000 đồng/kg, bằng với giá thành. Trong khi đó, nông dân phải trả lãi vay ngân hàng do doanh nghiệp mua nguyên liệu phải 20 tháng mới trả tiền và trả từ 3 đến 4 đợt.
Nghiêm trọng hơn, theo ông Hải, hiện nay dịch bệnh trên tôm hoành hành khắp các tỉnh Đồng bằng Sông cửu Long như dịch gan tụy, đốm trắng. Diện tích tôm bị hư có thể lên tới 80%. Nếu ao nuôi bị dịch đốm trắng là coi như phải tiêu hủy, không bán được.
“Nông dân thiệt hại ghê gớm lắm, nếu hộ dân nào bị dịch bệnh là coi như mất trắng cả trăm triệu tới cả tỉ đồng,” ông Hải nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), nói với TBKTSG Online tại hội thảo về hỗ trợ xuất khẩu nông sản tại Hà Nội hôm 4 - 5 rằng diễn biến của thị trường xuất khẩu trong những tháng đầu năm đã tác động xấu tới tình hình sản xuất. Hiện nay một số diện tích nuôi tôm và cá tra đã giảm.
Giảm mạnh nhất là mặt hàng tôm. Theo ông Nam, báo cáo của khoảng 5 - 6 tỉnh thành cho thấy diện tích nuôi tôm giảm đáng kể, thậm chí giảm cả một nửa.
“Nông dân sau khi khai thác tôm lên nhưng không thả lại, và đây là chuyện xấu cho nguồn cung thị trường xuất khẩu trong quí 3 tới,” ông Nam nói.
Nguyên nhân, theo ông Nam, là do tình hình xuất khẩu giảm, giá thành tôm sản xuất trong nước cao, không cạnh tranh được với tôm của Ấn Độ.
“Hiện nay, trong ngắn hạn, chúng tôi không biết làm cách nào để hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh với tôm của Ấn Độ, Thái Lan cả,” ông Nam nói. Hơn nữa, tín dụng để trang trải chi phí nuôi hàng ngày, chủ yếu là thức ăn thủy sản, đang là bài toán khó. Lãi suất trong nước vẫn đang ở mức rất cao so với các nước.
Xuất khẩu vẫn tiếp tục khó khăn
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4 tháng ước đạt 1,9 tỉ đô la Mỹ, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Ví dụ như xuất khẩu qua thị trường Hoa Kỳ đạt 260 triệu đô la Mỹ, giảm 33,8%; thị trường Nhật Bản đạt 192,7 triệu đô la Mỹ, giảm 15,1%; thị trường Hàn Quốc đạt 118,8 triệu đô la Mỹ, giảm 5,2%, thị trường Úc đạt 36,5 triệu đô la Mỹ, giảm 31,3%; thị trường EU giảm khoảng 11%.
Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng diễn biến tỷ giá đang gây bất lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam do trên 90% các hợp đồng xuất, nhập khẩu của thủy sản Việt Nam đều sử dụng đồng đô la Mỹ để thanh toán. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014, do tỷ giá đồng đô la Mỹ tăng mạnh so với các đồng tiền khác như Euro, Yên, nên xuất khẩu thủy sản gặp khó do các nhà nhập khẩu liên tục đề nghị đàm phán để giảm giá, trong khi giá thành sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên liệu không giảm.
Bên cạnh đó, năm 2015, nguồn cung tăng do các nước sản xuất tôm trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ…khôi phục được sản xuất, chưa kể bất lợi về thuế chống bán phá giá khiến tôm Việt Nam giảm thị phần tại các thị trường, nhất là thị trường Hoa Kỳ.
Đối với cá tra, kết quả của đợt rà soát thuế chống bán phá giá tháng 1-2015 của Bộ Thương mại Mỹ cao hơn hẳn so với các đợt rà soát trước đó càng gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Việc chưa có dấu hiệu trì hoãn triển khai Luật Nông nghiệp 2014 đã phần nào ảnh hưởng tới việc phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này.
Có thể bạn quan tâm
Nếu như trước đây, tỷ lệ nhiễm bệnh MBV (hay còn gọi là bệnh còi) trên tôm sú giống khá phổ biến, chiếm từ 60 đến 65%, thì đến thời điểm này đã giảm xuống dưới mức 30%. Đây là kết quả có được sau khi Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp một số đơn vị sản xuất giống thủy sản thực hiện quy trình sản xuất giống hạn chế nhiễm bệnh MBV.
Với 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của T.Ư Hội NDVN, Hội ND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho 23 hộ ND ở phường Thủy Biều, thành phố Huế vay để thực hiện dự án trồng gừng trong bao.
Trái với mọi năm, sau đợt dịch bệnh, tôm thẻ chân trắng thường hút hàng với giá khá cao vì nguồn nguyên liệu khan hiếm trong thời gian dài. Tuy nhiên, năm nay tôm thẻ chân trắng đang rớt giá thê thảm dù các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều than thiếu nguyên liệu và hầu hết tôm thẻ chân trắng ở miền Trung lẫn miền Tây vẫn đang nằm trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành.
UBND huyện Tuy An và Ban quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tỉnh Phú Yên đã tiến hành quy hoạch 40ha trên đầm Ô Loan để thực hiện mô hình thả nuôi sò huyết.
Việc thí điểm phát triển chăn nuôi (PTCN) bò sữa theo vùng (từ năm 2008 đến 2010) tại Hà Nội thành công đã khẳng định với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Hà Nội thì PTCN theo vùng, quy mô lớn ngoài khu dân cư là hướng đi tốt. Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tham mưu đề xuất Chương trình PTCN theo vùng, xã trọng điểm và PTCN quy mô lớn ngoài khu dân cư giai đoạn 2011 - 2015 và đã được UBND thành phố phê duyệt.