Phát Triển Nghề Nuôi Cá Lồng Bè
Được sự hỗ trợ lãi suất vốn vay của Nhà nước, nhiều nông dân ở Quảng Nam đã đầu tư phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt trong lồng bè. Hướng nuôi này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân.
Tại đoạn sông Tam Kỳ thuộc địa phận phường An Sơn (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), các gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, Trần Minh Pho đang tất bật với các công đoạn chăm sóc cá điêu hồng nuôi trong lồng bè sắp đến kỳ thu hoạch. Sau 2 năm thả nuôi thành công, năm nay, 2 hộ dân này đã phối hợp với nhau nâng quy mô thả nuôi lên đến 13 lồng cá ghép bè.
Với mỗi lồng cá được thiết kế khoảng 25m2 mặt nước, gia đình ông Hùng và ông Pho thả nuôi 6.250 con cá điêu hồng. Đây là lần đầu tiên 2 gia đình này áp dụng mô hình chuẩn được hướng dẫn: 100x100x100 (nuôi 100 ngày cá có trọng lượng 100g với mật độ thả nuôi là 100 con/m3).
Ở vụ 1, sau hơn 3 tháng thả nuôi, 2 gia đình thu được trung bình 3 tấn/lồng; với giá bán 40 - 45 nghìn đồng/kg, thu được hơn 120 triệu đồng/lồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 400 triệu đồng/vụ nuôi. Ông Nguyễn Xuân Ngọc (phụ trách kỹ thuật nuôi của mô hình) cho biết, để đảm bảo cá điêu hồng phát triển tốt nhưng loại trừ chất cấm trifluralin khi thu hoạch, trong quá trình nuôi phải đảm bảo được 6 yếu tố.
Đó là sự thích hợp về mật độ nuôi, trọng lượng và chất lượng cá giống, thời gian nuôi và thu hoạch, chất lượng thức ăn, nhiệt độ và men vi sinh tốt. “Ngoài 6 yếu tố “tĩnh” vừa nêu, để cá phát triển tốt trong thời gian nuôi chỉ có 100 ngày, đòi hỏi phải đảm bảo được độ đạm tương ứng với từng giai đoạn sinh trưởng khác nhau của cá.
Độ chiếu sáng cho cá cũng phải phù hợp với không gian hẹp do thả nuôi mật độ lớn. Cùng với đó là việc sử dụng men vi sinh Biotie sẽ giúp cá tiêu hóa tốt thức ăn, hấp thụ đủ chất dinh dưỡng cần thiết” - ông Ngọc nói.
Tại hồ Khe Tân thuộc địa bàn 2 xã Đại Chánh và Đại Thạnh (Đại Lộc), nhiều người cũng thu nhập cao với các mô hình nuôi cá công nghiệp. Năm nay, gia đình ông Cao Xuân Thắng đầu tư 32 lồng cá điêu hồng (giá thành mỗi lồng cá là 15 triệu đồng). Cũng áp dụng mô hình chuẩn 100 x 100 x 100, trong 3 vụ nuôi ông thu được tổng cộng 1,5 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.
Bà Nguyễn Thị Đồng, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật - thông tin (Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam) cho biết, vài năm qua, mô hình nuôi cá nước ngọt trong lồng bè phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh… “Nuôi cá trong lồng bè có quy mô lớn nhưng lại dễ kiểm soát hơn nuôi trong các ao đất.
Thực tế đã cho thấy các mô hình triển khai trên địa bàn tỉnh đã cho kết quả khả quan, tương ứng với mức đầu tư lớn của người nuôi. Đây là hướng mở cho nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh. Mô hình này cũng có thể triển khai cho các hộ nuôi nước lợ với điều kiện là phải thâm canh, nuôi công nghiệp” - bà Đồng nói.
Thời gian qua, để tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND TP.Tam Kỳ hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay cho nông dân trong 36 tháng. Cơ chế hỗ trợ vốn vay này đã giúp nhiều nông hộ đầu tư, nâng cao năng suất. Từ đây, thâm canh nuôi cá trong lồng bè theo hướng công nghiệp cũng hình thành trên địa bàn thành phố.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho rằng, nhân rộng mô hình nuôi cá trong lồng bè cần phải đi đôi với cơ chế hỗ trợ vốn vay, như cách làm hiệu quả của TP.Tam Kỳ. Bà Tâm cho biết, để tạo thuận lợi cho nông dân, Quảng Nam cần ưu tiên đầu tư, quy hoạch chi tiết gắn với quản lý vùng nuôi, hướng đến phát triển nuôi cá trong lồng bè bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Đầu tháng 7/2013, Công ty Cổ phần Việt Mỹ chuyên nuôi trồng sản xuất và chế biến đóng hộp nấm, rau quả xuất khẩu - Khu Công nghiệp Sông Hậu, xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng trong việc mở ra cơ hội phát triển đối với nấm rơm và rau quả xuất khẩu ở Lai Vung.
Những dây khổ qua tây được trồng ở vườn nhà của chị Nguyễn Ánh Xuân (hẻm 1, khóm 5, phường 7, TP. Bạc Liêu) cho trái dài từ 1,3 - 1,6m (ảnh). Do thích thú khi thấy giống khổ qua cho trái dài đến 6 lần chiều dài trái khổ qua thông thường, nhiều người đến xem và xin giống về nhà trồng.
Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ phân bón Neb cho nông dân trên diện tích 40 ha vải thiều và 20 ha na ở Thanh Hà, Chí Linh. Vải, na được bón Neb đều tăng năng suất từ 10 - 15%, mẫu mã đẹp.
Những ngày này, nông dân trồng mè ở xã Phan Tiến (Bắc Bình) đang “rộ” mùa thu hoạch. Ai cũng phấn khởi bởi mè trúng mùa, được giá.
Tuy nhiên, trên thực tế không ít nông dân mới phun thuốc trừ sâu được một, hai ngày đã mang ra chợ bán. Do đó lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong rau rất cao, nguy hiểm đến sức khoẻ người tiêu dùng.