Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Nghề Nuôi Ba Ba, Tạo Thuận Lợi Cho Nông Dân Ở Tây Ninh

Phát Triển Nghề Nuôi Ba Ba, Tạo Thuận Lợi Cho Nông Dân Ở Tây Ninh
Ngày đăng: 07/05/2012

Trong những năm gần đây, ở huyện Dương Minh Châu (DMC), tỉnh Tây Ninh có rất nhiều nông dân đã và đang tự đi tìm cho mình những cung cách làm ăn mới, trong đó có nghề nuôi động vật hoang dã. Bên cạnh một số loài động vật được nuôi như rắn long thừa, cá sấu, nhím, heo rừng… đã có từ trên chục năm thì hiện còn có thêm nghề nuôi ba ba đạt hiệu quả kinh tế cao, đã và đang có chiều hướng phát triển.

Nuôi ba ba: xoá đói giảm nghèo

Ban đầu, nghề chăn nuôi ba ba chủ yếu tập trung ở 2 xã Phước Ninh và Phước Minh, là những địa phương nằm kề bên hồ Dầu Tiếng có thuận lợi về nguồn nước và nguồn thức ăn cho ba ba. Tại ấp Phước An, xã Phước Ninh lúc đầu chỉ vài ba hộ nuôi thử thì nay có đến 34 hộ nuôi, tạo thành một làng nghề chuyên nuôi ba ba thương phẩm và nuôi ba ba sinh sản với tổng đàn lên đến 80.000 con. Còn ở ấp B4 xã Phước Minh cũng đã có 27 hộ chăn nuôi với tổng đàn 50.000 con, chủ yếu là giống ba ba da trơn. Không chỉ nông dân ở xã Phước Ninh hay Phước Minh nuôi ba ba theo quy mô trang trại mà ba ba đã được người dân ở thị trấn DMC, xã Suối Đá và một số xã thuộc các huyện khác trên địa bàn tỉnh chọn nuôi với quy mô nhỏ lẻ.

Theo Phòng NN&PTNT huyện DMC thì hiện huyện chỉ mới nắm được những hộ chăn nuôi ba ba có giấy phép của cơ quan chức năng về nuôi động vật hoang dã, còn với những hộ nuôi từ vài trăm đến một, hai ngàn con ở dạng “thí điểm” theo phong trào thì không thể nắm hết được. Chính vì vậy mà sản lượng ba ba trên địa bàn cũng không thể chính xác. Theo số liệu điều tra về nông nghiệp - nông thôn và nuôi trồng thuỷ sản trong 6 tháng năm 2011 thì sản lượng ba ba ở DMC cũng đã đạt đến 50 tấn.

Theo những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nuôi ba ba như ông Trần Văn Tư, ông Thái Văn Chinh ở ấp Phước An thì nghề này không khó lắm, không cần nhiều diện tích đất cũng có thể làm được. Tuy nhiên phải thực hiện tốt việc xây dựng ao nuôi và có nguồn nước sạch. Ao nuôi ba ba có thể xây riêng từng cái hoặc xây liên hoàn tuỳ theo người nuôi và tuỳ địa thế đất. Mỗi ao có diện tích từ 100 m2 đến trên 300 m2, xung quanh ao phải xây tường, chiều cao hơn mặt đất 40 cm, trên cùng có gờ nhô, nhằm cản trở không cho ba ba leo ra. Trong lòng ao đào sâu dần từ tường gạch ra giữa ao theo hình lòng chảo để giữ mức nước luôn có độ sâu từ 30 đến 80 cm, dưới đáy có lớp sình vừa giữ nước, vừa là nơi cho ba ba trú ẩn. Trên mặt ao làm sàn bằng ván gỗ hoặc bằng tre, tầm vông ghép lại nổi trên mặt nước để ba ba lên tắm nắng.

Cũng theo những nông dân có kinh nghiệm, cứ 1.000 con ba ba thì 1 ngày cần 20 kg thức ăn, cho ăn hai lần vào sáng và chiều bằng cách thả vào trong sàng để chúng tự lên ăn. Thức ăn cho ba ba chủ yếu là cá được đánh bắt từ hồ Dầu Tiếng hoặc cua, ốc, cá biển. Khi ba ba còn nhỏ thức ăn phải xay nhuyễn, khi lớn chỉ cần băm nhỏ vừa miếng ăn. Ba ba con sau khi thả vào ao nuôi, nếu chăm sóc tốt thì từ 18 - 24 tháng là cho thu hoạch. Ba ba thương phẩm được chia ra nhiều loại. Loại một là những con có trọng lượng từ 1,4 kg trở lên, hiện được thu mua với giá 380.000 đồng/kg, thấp nhất là loại 500 g/con cũng có giá 80.000 đồng/kg. Trong quá trình chăn nuôi ba ba có thể tổ chức nhiều đợt thu hoạch. Việc thu hoạch từng đợt có tác dụng lựa để lại những con có kích cỡ tương đối đồng đều nhau để tiếp tục nuôi vỗ, như vậy sẽ hạn chế việc những con ba ba lớn tranh giành thức ăn của các con nhỏ hơn.

Hiện nay đầu ra của ba ba khá thuận lợi với giá cả ổn định. Nhiều công ty, nhà hàng từ TP.Hồ Chí Minh đã đến tận các trang trại để ký kết hợp đồng với người chăn nuôi với giá cả luôn sát với giá thực tế trên thị trường. Người chăn nuôi không còn sợ bị ép giá như ngày trước, vì chỉ cần một chút thời gian “lướt web”, các nông dân này đã biết giá của các đầu mối thu mua có sát với giá thị trường hay không để quyết định việc mua - bán. Các hộ khi sắp đến vụ thu hoạch, chỉ cần một cuộc điện thoại là lập tức các đầu mối sẽ cho người và phương tiện đến tận ao nuôi để thu mua. Cứ một ao diện tích khoảng 300 m2 có thể thả 1.000 con ba ba giống, sau khi thu hoạch, trừ các khoản đầu tư tiền con giống, thức ăn và các khoản chi phí khác thì người chăn nuôi còn lãi ròng khoảng 30 triệu đồng/ao.

Hiệu quả từ mô hình nuôi ba ba sinh sản

Nghề nuôi ba ba đang có chiều hướng phát triển nên nhu cầu con giống khá cao. Hiện nay ở huyện DMC đã có rất nhiều hộ nuôi ba ba sinh sản thành công. Trong hồ nuôi ba ba sinh sản cần được tuyển lựa kỹ càng với tỉ lệ 5 con cái 1 con đực. Ở ao nuôi ba ba sinh sản phải làm hầm nổi trên bờ, có gờ cho ba ba dễ dàng leo lên để đẻ, trên có mái che mưa nắng, đáy hầm lót một lớp cát dày 20 cm. Trứng ba ba thu gom đem về trại ấp riêng, sau 45 ngày trứng nở. Bằng cách này, người chăn nuôi có thể tự nhân giống ba ba, không chỉ giảm giá thành đầu vào mà còn cung ứng cho các hộ chăn nuôi, đem lại một nguồn thu đáng kể (mỗi con ba ba giống được bán với giá từ 3.000 đến 5.000 đ/con).

Nuôi ba ba khá dễ, nhưng phải có vốn vì thời gian nuôi kéo dài. Thời gian qua nhiều hộ nuôi ba ba ở huyện đã áp dụng giải pháp “lấy ngắn nuôi dài” như kết hợp nuôi ba ba với nuôi cá lóc, cá bông, cá diêu hồng hoặc nghề làm nhang, lấy lợi nhuận thu được để chăm sóc ba ba. Cách làm này khắc phục được thực tế khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng hoặc đi vay nóng phải trả lãi cao cho việc chăn nuôi ba ba.

Nhằm hỗ trợ cho người chăn nuôi, vừa qua, Hội Nông dân huyện Dương Minh Châu đã đầu tư cho bà con nuôi ba ba ở xã Phước Ninh một dự án “giải quyết việc làm” trị giá 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội nông dân huyện và xã còn kết hợp với Trạm khuyến nông Dương Minh Châu tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho ba ba, giúp bà con nông dân thêm phấn khởi, tự tin mở rộng quy mô chăn nuôi. Mới đây, Trạm khuyến nông Dương Minh Châu cũng đã tổ chức chuyến khảo sát thực trạng nghề nuôi ba ba ở huyện để xây dựng đề án thực hiện hiện chủ trương của tỉnh về phát triển nghề nuôi ba ba trên địa bàn Tây Ninh.

Mô hình nuôi ba ba thực sự đem lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân, góp phần làm đa dạng hóa các loại hình chăn nuôi ở nông thôn hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

Khoa học công nghệ cho tái cơ cấu chăn nuôi Khoa học công nghệ cho tái cơ cấu chăn nuôi

Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức hội nghị khoa học Tổng kết nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ SX giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng nghiên cứu giai đoạn 2016 - 2020.

22/09/2015
Hồng không hạt Bắc Kạn Hồng không hạt Bắc Kạn

Một trong những loại cây ăn quả được ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn đưa vào cơ cấu giống cây trồng nhằm khuyến khích địa phương mở rộng diện tích là giống hồng không hạt.

22/09/2015
Nuôi cá là nuôi bệnh Nuôi cá là nuôi bệnh

Thả cá tra với mật độ dày trong khi quy trình nuôi không được cải thiện, chất lượng nước trong ao không được kiểm soát tốt sẽ là tiền đề cho dịch bệnh bùng phát.

22/09/2015
Xuất hiện dịch lở mồm long móng Xuất hiện dịch lở mồm long móng

Ngày 9/9/2015, Trạm Thú y huyện Đô Lương nhận được thông tin, tại xóm 3, xã Trung Sơn (Đô Lương) có 6 con trâu bò bị bệnh lở mồm long móng (LMLM).

22/09/2015
Nuôi cá lóc thích nghi biến đổi khí hậu Nuôi cá lóc thích nghi biến đổi khí hậu

Cuối tuần qua, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang kết hợp với ĐH Cần Thơ và hơn 50 hộ dân nuôi cá lóc ở ĐBSCL tổ chức hội thảo tìm giải pháp đẩy mạnh chăn nuôi và sức tiêu thụ mặt hàng cá lóc

22/09/2015