Khai Thác Nghêu Sao Cho Hài Hòa
Người nuôi nghêu và nhà quản lý địa phương cần phải bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn để điều tiết môi trường thuận lợi cho đời sống của nghêu tại các vùng nuôi
Nghề nuôi và khai thác nghêu ở các bãi bồi ven biển là nguồn sinh kế quan trọng đối với cộng đồng dân cư ven biển. Đó là thông tin tại hội thảo “Mối liên hệ giữa rừng ngập mặn và nguồn lợi nghêu”, do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thông qua Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) phối hợp cùng Viện Sinh học nhiệt đới (ITB) vừa tổ chức tại TP HCM.
Rừng ngập mặn có hệ sinh thái đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác nghêu. PGS-TS Hoàng Nghĩa Sơn, Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới, cho biết năng suất nghêu nuôi (kg/m2) không chỉ phụ thuộc vào cao trình bãi và tỉ lệ cát mà còn phụ thuộc vào hàm lượng chất dinh dưỡng tại bãi. Tất cả yếu tố này được cung cấp bởi rừng ngập mặn thông qua việc phân phối dòng chảy lòng dẫn và dòng chảy tràn, giảm thiểu sự bào mòn, xói lở bãi triều. Chuyển hóa vật chất hữu cơ thành thức ăn tươi sống cho nghêu sò.
Giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc chăm sóc, trồng và bảo vệ rừng ngập mặn là giải pháp quan trọng để bảo tồn, phát triển nguồn lợi nghêu.
Giữa bên hưởng lợi và bên cung cấp dịch vụ môi trường cần có sự bù đắp thông qua cơ chế kinh tế nhằm tạo ngân sách trong việc đầu tư, phục hồi và duy trì bền vững các giá trị hệ sinh thái rừng ngập mặn. Có cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, để cơ chế này hoạt động hiệu quả, cần phải có các nghiên cứu làm rõ mối quan hệ, cũng như tính toán cụ thể các lợi ích, chức năng của rừng đối với nguồn lợi nghêu.
TS Andrew Waytt, phụ trách chương trình đồng bằng sông Mê Kông - IUCN Việt Nam, cho rằng trong quá trình xây dựng chính sách, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường từ rừng ngập mặn, cộng đồng khai thác nguồn lợi nghêu là một trong những đối tượng tiềm năng được áp dụng phí dịch vụ môi trường này. Tuy nhiên, một số hộ nuôi nghêu cho rằng họ chưa thấy được lợi ích từ rừng ngập mặn.
PGS-TS Bùi Văn Lai, Viện Sinh học nhiệt đới, cho rằng ở Việt Nam hầu như chưa có công trình nào đánh giá vai trò của rừng ngập mặn trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ nội đồng. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nguồn ô nhiễm nước ven biển là từ nước sinh hoạt đô thị, đặc biệt là từ nghề nuôi tôm nước lợ. Thống kê trong năm 2012 cho thấy có đến 47.603 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, 304.676 ha quảng canh và 206.844 ha tôm lúa, 70.528 ha nuôi tôm trong rừng.
TS Nguyễn Minh Đức, Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, cho biết có nhiều rủi ro trong nghề nuôi nghêu. Chẳng hạn người nuôi nghêu ở Cần Giờ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, mỗi người nuôi theo cách riêng. Mật độ, thời gian nuôi rơi vào thời điểm bất lợi. Người nuôi thả nuôi liên tiếp, không vệ sinh bãi nuôi nên không an toàn. Nguyên nhân nghêu chết sớm trong thời gia qua là do thời tiết nắng nóng gay gắt xuất hiện sớm. Chất lượng môi trường kém, chất rắn lơ lửng nhiều. Vi khuẩn vibrio cũng có thể liên quan đến hiện tượng nghêu chết sớm.
Việc kiểm định nghêu giống, quan trắc tác động nước thải công nghiệp còn nhiều bất cập. Hiện nay, cơ quan chức năng gần như thả nổi chất lượng nghêu giống, việc kiểm định loài thủy sản này còn lỏng lẻo.
Rừng ngập mặn có khả năng điều tiết tiểu vùng khí hậu, làm cho nhiệt độ không khí và nước vùng lân cận ôn hòa hơn, hạn chế tình trạng nhiệt độ tăng cao bất thường. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn có tác dụng hấp thu vật chất hữu cơ giàu có trong thủy vực, hạn chế điều kiện phát triển của các mầm bệnh đối với nghêu. Do đó những bên liên quan như người nuôi nghêu và nhà quản lý địa phương cần phải bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn để điều tiết môi trường thuận lợi cho đời sống của nghêu tại các vùng nuôi.
Nguồn bài viết: http://nld.com.vn/kinh-te/khai-thac-ngheu-sao-cho-hai-hoa-20141124180954829.htm
Có thể bạn quan tâm
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 146 cơ sở sản xuất kinh doanh và 1.264 cơ sở ương giống thuỷ sản; đặc biệt, trong đó có 1.174 cơ sở nhân giống cá tra, sản xuất được hơn 28 tỷ cá bột và trên 2 tỷ cá tra giống. Các cơ sở không những cung ứng đủ giống cá tra trong tỉnh mà còn cung ứng 60 - 70% cá tra giống cho các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Bao đời nay đời sống của người dân tại các vùng ven biển Quảng Trị nói chung và xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong nói riêng chủ yếu dựa vào nghề biển. Từ năm 2008, khi phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng rộ lên với nhiều gia đình trúng tiền tỷ từ con tôm thì giấc mơ đổi đời từ tôm đã có sức hút mạnh mẽ đối với người dân. Nhiều gia đình đã bỏ nghề đi biển để đầu tư tiền bạc, công sức vào nuôi tôm. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi tôm cũng chỉ trúng vài vụ đầu, đến nay do dịch bệnh tràn lan đã khiến hàng trăm hộ gia đình nơi đây lâm vào cảnh nợ nần.
Vốn đầu tư không nhiều; thị trường rất tiềm năng; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản; rủi ro ít, thức ăn tiêu tốn chỉ bằng 1/3 heo nhà… Đó là những lợi thế vượt trội của việc nuôi heo rừng hiện nay. Ông Nguyễn Văn Bồng, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (Bình Định) cho biết như vậy.
Từng gắn bó với cây cà phê hơn 15 năm nhưng nhìn đi nhìn lại số tiền thu được cũng chỉ đủ trang trải các chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học, có lúc còn rơi vào cảnh nợ nần khi giá cà phê xuống thấp. Sau nhiều lần trăn trở, bàn tính, năm 2006, vợ chồng anh Nguyễn Gia Thiện ở thôn 9 (xã Ea Riêng, huyện MDrak, tỉnh Dak Lak) quyết định chuyển đổi hướng phát triển kinh tế sang chăn nuôi heo siêu nạc.
Từ tháng 4-2012 đến nay, cá tra nguyên liệu liên tục rớt giá thảm hại, thậm chí xuống dưới mức giá thành sản xuất làm cho người nuôi cá tra rơi vào tình cảnh khốn khó triền miên.