Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Mô Hình Nuôi Con Đặc Sản Góp Phần Giảm Nghèo Ở Thôn Quèn Thờ (Ninh Bình)

Phát Triển Mô Hình Nuôi Con Đặc Sản Góp Phần Giảm Nghèo Ở Thôn Quèn Thờ (Ninh Bình)
Ngày đăng: 25/11/2014

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về đất đai tại địa phương, những năm qua nhiều gia đình ở thôn Quèn Thờ, xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp) đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình nuôi trồng cây con đặc sản, gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Hướng phát triển sản xuất này giúp cho nhiều gia đình trong thôn vươn lên thoát nghèo, từng bước cải thiện đời sống.

Có trong tay gần 5 ha đất trồng rừng và trồng hoa màu nhưng những ngày đầu mới đến khai hoang tại làng kinh tế mới Quèn Thờ, cuộc sống gia đình bà Trịnh Thị Khiếu rất khó khăn bởi thiếu vốn, thiếu hướng làm ăn. Đến năm 2005, bà Khiếu đã mạnh dạn vay 25 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò, nhím và trồng các loại cây có giá trị kinh tế như sưa và keo.

Trước đó, bà Khiếu và nhiều gia đình trong thôn cũng đã được các cấp hội nông dân tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, giúp định hướng cách thức làm ăn phù hợp với điều kiện địa phương. Năm 2008, những cây keo và cặp nhím đầu tiên đã cho gia đình bà khoản thu nhập gần 30 triệu đồng. Bà Khiếu cho rằng đây là một khởi đầu khá thuận lợi để tiếp tục mở rộng phát triển sản xuất, đó là nuôi thêm lợn cắp nách, gà thả vườn và hươu. Bình quân mỗi năm, gia đình bà thu về khoảng từ 100 đến 120 triệu đồng từ trồng rừng và nuôi con đặc sản...

Làng kinh tế mới Quèn Thờ thành lập năm 1995, với trên 130 hộ, tổng diện tích đất tự nhiên là 600 ha, chủ yếu là diện tích rừng và đất đồi vườn. Những năm mới thành lập, cuộc sống của người dân trong thôn gặp nhiều khó khăn do hầu hết các hộ từ nơi khác chuyển đến, thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu vốn để phát triển sản xuất… Để góp phần giải quyết những khó khăn này, Hội Nông dân tỉnh, thị xã và địa phương đã sớm phát huy được vai trò của mình. Nhiều hộ gia đình trong thôn đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây con đặc sản như trồng cây đào phai, cây gỗ sưa, nuôi hươu, dê và lợn cắp nách.

Đây là cơ sở quan trọng giúp các hộ dân mạnh dạn tìm tòi và đưa những cây con phù hợp với đất gò đồi vào nuôi trồng ở địa phương. Hiện nay, hầu hết các hộ trong thôn đều có trang trại, gia trại nuôi trồng cây con đặc sản. Toàn thôn có 120 con hươu, 450 cặp nhím, 300 con ngựa và nhiều con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như lợn cắp nách, gà đồi, dê núi… Từ đó đã giúp nhiều hộ trong thôn vươn lên thoát nghèo bền vững và trở thành hộ khá giàu. Hiện nay, thôn còn 8 hộ nghèo.

Đặc biệt gần đây, với sự hướng dẫn trực tiếp của Hội Nông dân tỉnh, thôn Quèn Thờ đã thành lập được tổ hợp tác “sản xuất và tiêu thụ cây, con đặc sản” gồm 11 thành viên là những hộ đang trực tiếp chăn nuôi và trồng những cây con đặc sản như chăn nuôi dê, nuôi hươu, nhím, trồng cây cảnh, đào phai, dược liệu… Qua đó, nhằm tạo sự liên kết giữa các thành viên trong tổ như cùng hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, liên kết tiêu thụ sản phẩm cây trồng, vật nuôi phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ngay sau khi thành lập, tổ đã thông qua quy chế hoạt động đó là tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi; tự chủ về tài chính, tự trang trải các chi phí trong hoạt động và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của tổ và các tổ viên. Theo đánh giá của nhiều hộ dân, việc thành lập tổ hợp tác này là rất cần thiết vì không chỉ riêng ở thôn Quèn Thờ mà ngay cả trong toàn xã, việc nuôi con đặc sản đang khá phát triển nhưng chủ yếu là tự phát, do vậy nên kỹ thuật chăn nuôi dựa vào kinh nghiệm là chính, đầu ra cho con nuôi đặc sản còn nhiều khó khăn.

Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây con đặc sản được thành lập sẽ giúp người nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật trong kỹ thuật nhân giống cây và chăn nuôi, ổn định đầu ra cho sản phẩm, qua đó góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững ở địa phương.

Nguồn bài viết: http://en.baoninhbinh.org.vn/phat-trien-mo-hinh-nuoi-con-dac-san-gop-phan-giam-ngheo-o-thon-quen-tho-20141120100014124p2c20.htm


Có thể bạn quan tâm

Hàng Việt Về Đầm Dơi Hàng Việt Về Đầm Dơi

Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” vừa khép lại tại chợ huyện Đầm Dơi (Cà Mau), là cuộc kiểm nghiệm thị trường tiêu dùng đầy bất ngờ.

01/03/2012
Thu Phí Dịch Vụ Môi Trường Rừng Thu Phí Dịch Vụ Môi Trường Rừng

Tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều người cho rằng, từ nguồn phí này sẽ góp phần bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn.

24/02/2012
Cá Chết Hàng Loạt Vì Bệnh Liên Cầu Khuẩn Cá Chết Hàng Loạt Vì Bệnh Liên Cầu Khuẩn

Kết quả cho thấy, cá chết là do bị bệnh liên cầu khuẩn. Nguyên nhân cá bị bệnh là do thời tiết nắng nóng, sức đề kháng giảm trong khi đó mầm bệnh đã tồn tại trong môi trường ao nuôi. Ngoài ra, các hộ dân không vệ sinh ao nuôi đúng kỹ thuật, thả với mật độ dày, cho cá ăn phân chuồng chưa qua xử lý

17/08/2011
Mô Hình Trồng Dưa Leo Trên Đất Ruộng Mô Hình Trồng Dưa Leo Trên Đất Ruộng

Những ngày này, từ Tỉnh lộ 941 nhìn sang bờ bên kia kênh Mặc Cần Dưng, thuộc địa phận xã Vĩnh An (Châu Thành - An Giang), người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân đang tất bật thu hoạch dưa leo để kịp cân cho thương lái. Phong trào trồng dưa leo trên đất ruộng được bà con áp dụng phổ biến khoảng 2 năm nay đã giúp nhiều gia đình có thu nhập khá cao

25/08/2011
Vươn Lên Từ Nghèo Khó Vươn Lên Từ Nghèo Khó

Những năm gần đây, phong trào nông dân giúp nhau làm kinh tế được nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa thực hiện khá hiệu quả, nhờ đó nhiều nông dân đã thoát nghèo, làm giàu. Trong số đó có anh Pi Năng Liêm, ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh

25/08/2011