Phát Triển Chăn Nuôi Vịt Siêu Thịt Theo Hướng An Toàn Sinh Học Ở Tỉnh Bạc Liêu
Trong những năm gần đây, chăn nuôi gia súc, gia cầm đang chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi vịt là một nghề không cần vốn đầu tư nhiều so với những ngành chăn nuôi khác, đồng thời thời gian nuôi ngắn, các hộ dân xoay vòng vốn nhanh, tận dụng thức ăn tự nhiên với tỷ lệ cao.
Rất nhiều hộ dân đã giàu lên nhanh chóng, xóa đói giảm nghèo khi mạnh dạn đầu tư vào nuôi vịt. Bên cạnh đó chăn nuôi vịt cũng gặp khó khăn, nguy hiểm khi nhiễm bệnh như: cúm, dịch tả, viêm gan do siêu vi trùng, tụ huyết trùng..làm cho bầy vịt bị thiệt hại nặng nề.
Với tốc độ phát triển chăn nuôi như hiện nay để đảm bảo tính bền vững và mang lại hiệu quả cao, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng dịch bệnh trong tình hình dịch cúm gia cầm đã và đang diễn biến hết sức phức tạp thì giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là một trong những yếu tố quan trọng, nhằm góp phần phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Với chương trình khuyến nông chăn nuôi, trong 3 năm liền 2011, 2012, 2013 Trung Tâm Khuyến nông Khuyến Ngư Bạc Liêu đã đăng ký và thực hiện chương trình chăn nuôi thuỷ cầm an toàn sinh học giúp nông dân học tập và thành thạo với nghề chăn nuôi hiện tại để nhân rộng thành một vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ổn định trong sản xuất, tạo sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thay đổi phương thức chăn nuôi gia cầm từ chăn nuôi truyền thống (chăn thả nhỏ lẻ, tận dụng thức ăn tự nhiên, mua bán tự do), sang chăn nuôi theo qui trình an toàn sinh học (nuôi tập trung, có quản lý, chích ngừa đầy đủ các loại vaccin, mua bán, giết mổ tập trung).
Chăn nuôi theo qui trình an toàn sinh học sẽ giúp cho việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và quản lý dịch bệnh, quản lý cải tạo giống, cũng như thu gom sản phẩm, quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giết mổ tập trung và có kiểm soát của ngành Thú y;
Phương thức chăn nuôi gia cầm theo qui trình an toàn sinh học: an toàn cho đàn gia cầm, an toàn cho người chăn nuôi, an toàn cho người tiêu dùng và an toàn cho môi trường sống của cộng đồng. Đảm bảo sạch và an toàn từ trang trại đến bàn ăn.
Để triển khai chương trình kịp tiến độ và có hiệu quả theo hợp đồng đã ký với chủ dự án (Trung tâm khuyến nông Quốc Gia), Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu đã tiến hành tổ chức tập huấn, cấp vật tư, hóa chất (Con giống, thức ăn, hóa chất sát trùng) theo đúng trình tự của qui trình.
Con giống giống vịt siêu thịt (Super Meat) của Viện chăn nuôi được cơ quan Thú y vùng VI tại TP. Hồ Chí Minh kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận vịt có nguồn gốc rõ ràng và xuất phát từ vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm; Thức ăn hỗ trợ đảm bảo chất lượng, và cấp đủ số lượng;
Công tác triển khai, thẩm định các hộ thực hiện, tập huấn kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu được sự phối hợp chặt chẽ với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trạm Thú y các cơ quan Ban ngành địa phương ( Hội Phụ nữ, Hội Nông dân).
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, cán bộ thú y trên địa bàn đã hướng dẫn cho bà con thực hiện đúng theo quy trình an toàn sinh học như: Cấp thuốc sát trùng và hướng dẫn bà con thực hiện sát trùng chuồng nuôi theo định kỳ, hướng dẫn về kỹ thuật chủng ngừa các loại vaccin khác.
Các hộ thực hiện mô hình tuân thủ triệt để qui trình kỹ thuật đã được hướng dẫn: Xây dựng chuồng trại xa nhà, chuồng thoáng mát, có ao đìa kết hợp thả cá, đủ máng ăn, máng uống.
Chăm sóc và quản lý: Úm vịt con đúng cách, cho ăn đầy đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng, thường xuyên bổ sung rau xanh, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm bằng vaccin đúng liều đúng theo lịch, sử dụng các loại thuốc kháng sinh để phòng bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, bổ sung vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn, nước uống, định kỳ sát trùng chuồng trại và khu vực chăn thả.
Ngoài ra, các hộ nuôi vịt năm 2013 được hỗ trợ sử dụng thêm chế phẩm sinh học men BaLasa đạt được nhiều kết quả trong việc hạn chế mầm bệnh, khử được mùi hôi và tiết kiệm lao động.
Sau thời gian nuôi 53 - 55 ngày, với tỷ lệ tăng trọng 2,3 - 2,5 kg thức ăn/kg tăng trọng, tỷ lệ hao hụt 3 - 5%. Hiệu quả kinh tế ước tính với gía bán 40.000 - 42.000 đồng/kg, bà con lãi từ 4.000.000 đồng - 5.000.000 đồng/hộ.
Theo anh Ngô Văn Chung ở ấp 13, xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai, là trưởng nhóm của những hộ tham gia thực hiện mô hình năm 2013 phấn khởi cho biết, hầu hết 17 hộ tham gia mô hình đều đã gắn bó với nghề nuôi vịt hơn 10 năm, hằng năm nuôi từ 500 - 1.000 con, mặc dù bà con chăm sóc rất kỹ nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra thường xuyên, có năm mất trắng.
Sau khi được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư hỗ trợ 200 - 300 con/ hộ từ mô hình nuôi vịt thịt an toàn sinh học và tập huấn kỹ thuật nuôi vịt theo phương thức tập trung an toàn sinh học đã giảm bớt được chi phí so với nuôi vịt chạy đồng.
Trước đây thời gian nuôi kéo dài khoảng 2,5 tháng mới bán được và trọng lượng chỉ đạt 2,5 - 3,0 kg/con, còn áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học khoảng 56 - 60 ngày là vịt đạt trọng lượng xuất chuồng từ 3,0 - 3,2 kg/con. Mô hình cho lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi trừ hết các khoản chi phí, các hộ đều có lãi từ 5 - 9 triệu đồng.
Riêng gia đình anh lãi được hơn 9 triệu đồng (do anh còn kết hợp giữa nuôi vịt và thả cá, nên khi thu cá anh không tốn chi phí cho cá ăn). Anh cho biết thêm, nuôi vịt thời gian ngắn, đồng vốn quay nhanh anh tiếp tục duy trì mô hình và vận động bà con vùng lân cận thực hiện chăn nuôi vịt an toàn sinh học.
Ngoài việc xây dựng mô hình trình diễn, dự án đã tổ chức 06 cuộc tập huấn đào tạo, nâng cao cho 180 nông dân chăn nuôi vịt trong tỉnh. Sau khi tham gia lớp đào tạo, tập huấn các học viên nắm được: Các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi vịt, kỹ thuật chăn nuôi vịt an toàn sinh học, một số bệnh thường gặp trên vịt và cách phòng ngừa.
Thông qua tập huấn, đào tạo ngoài việc nắm bắt qui trình chăn nuôi vịt theo phương thức tập trung an toàn sinh học góp phần hạn chế dịch bệnh trên địa bàn tỉnh nhà; Trung tâm đã tổ chức các cuộc tham quan hội thảo, tổng kết nhân rộng mô hình cho 390 nông dân.
Trong các buổi hội thảo tham quan, tổng kết bà con đã trảo đổi ý kiến về nhân rộng mô hình trong thời gian tới, chọn thời điểm nuôi khi xuất chuồng bán giá cao, nuôi nhỏ lẻ bị thương lái ép giá, đề nghị doanh nghiệp thu mua, đầu ra sản phẩm…Trong năm 2011, Trung tâm đã liên kết với Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ Thành phố Hồ Chí Minh bao tiêu sản phẩm cho các hộ tham gia trình diễn mô hình với giá ổn định, giúp cho bà con nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đánh giá: Qua kết quả thực hiện dự án trong 3 năm liên tục mà người dân đã tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới từ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học từ khâu: con giống, chăm sóc, tiêm ngừa phòng bệnh theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, nên hiệu quả kinh tế mô hình cao hơn so với nuôi theo tập quán chạy đồng thả lan.
Chính vì vậy, việc phát triển và nhân rộng mô hình nuôi theo hướng an toàn sinh học là rất thiết thực, là giải pháp mang lại hiệu quả tốt nhất cho người nông dân trong tình hình hiện nay. Đối với xã hội, nó mang lại hiệu quả rất lớn, bền vững về các khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường và chuyển đổi theo hướng sản xuất lớn.
Có thể bạn quan tâm
Là một trong 10 sản phẩm nông sản XK chủ lực của Việt Nam (VN), nhưng cây sắn vẫn đang bị hắt hủi khi gần như trống chính sách. Trong khi đó, vấn đề năng suất, canh tác, SX sâu sau chế biến vẫn vấp phải những hạn chế lớn.
Khi hội nhập, ngành mía đường Việt Nam sẽ phải làm gì để cạnh tranh, khi giá mía thành phẩm luôn cao hơn ở các nước khác?
Theo thông tin từ cơ quan quản lý, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu gần 3 tháng nay xuất hiện thương lái lùng mua cá sấu 'non' (loại cá sấu từ 3 - 6 kg/con), khiến cho giá của loại cá sấu này tăng đột biến.
21 doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh giờ chỉ còn một nửa. Nguyên nhân là do không thể cạnh tranh với cá thương phẩm nhập từ Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định rằng so với các loại cây trồng khác, mía đường vẫn là ngành được bảo hộ cao nhất; phải gấp rút thực hiện giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh ngành mía đường.