Phát Triển Chăn Nuôi Gắn Với Bảo Vệ Môi Trường
Chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo, gà trên địa bàn huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) đang rất được chú trọng. Nhờ nắm bắt các yếu tố kỹ thuật, ngành chăn nuôi tạo nên những bước tiến quan trọng theo hướng bảo vệ môi trường.
Trước đây, ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo trên địa bàn huyện phải đối mặt với vấn đề môi trường. Việc xử lý các chất thải rất khó khăn. Hầu hết chất thải được thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, làm giảm khả năng đề kháng của vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh.
Những năm gần đây, do làm tốt công tác tuyên truyền và vận động nguồn hỗ trợ từ các dự án, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện bắt đầu làm quen với mô hình nuôi heo kết hợp xây dựng hầm biogas. Mô hình này góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và tận dụng nguồn năng lượng từ hầm khí sử dụng trong đun nấu và thắp sáng hàng ngày.
Ông Lê Hoành, thôn Thủ Lễ 2 là một trong số nhiều hộ được dự án Hà Lan hỗ trợ xây dựng kinh phí và kỹ thuật xây dựng hầm biogas. Anh Hoành, cho biết: Trước đây gia đình tôi chăn nuôi theo quy mô nhỏ.
Sau này thấy được hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi, gia đình quyết định mở rộng quy mô, điều này tỷ lệ thuận với lượng chất thải thải ra môi trường. Chăn nuôi tại nhà khâu xử lý chất thải rất khó khăn, phân của gia súc thải ra gây mùi hôi, tạo nên ô nhiễm môi trường, khiến nhiều gia đình xung quanh rất khó chịu.
Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, được dự án hỗ trợ xây dựng hầm biogas thì hiệu quả kinh tế, xã hội mang lại cao hơn rất nhiều. Nguồn phân chuồng không thải bừa bãi ra môi trường mà thông qua hệ thống xử lý biogas tạo chất đốt, giúp tiết kiệm trên 2 triệu đồng chất đốt mỗi năm.
Theo đánh giá của nhiều hộ đã sử dụng hầm biogas, với những gia đình chăn nuôi số lượng nhiều, nguồn phân dồi dào, công trình biogas sẽ giải quyết rất tốt vấn đề xử lý phân thải của vật nuôi. Khí biogas cung cấp nguồn nguyên liệu khí đốt thỏa mãn nhu cầu đun nấu và thắp sáng, nâng cao hiệu quả kinh tế và điều kiện sống cho nông dân.
Lượng phân sau khi đã qua phân hủy ở hầm biogas có thể sử dụng làm phân bón cho các loại cây trồng, ít bị các mầm bệnh gây hại hơn. Chi phí xây dựng hầm biogas cũng không lớn lắm, chỉ từ 5-7 triệu đồng là có thể xây dựng 1 hầm có dung tích từ 12-15 khối sử dụng cho 1 hộ gia đình.
Anh Hoàng Trung Thông, cán bộ Trạm khuyến Nông, lâm ngư huyện Quảng Điền cho biết: Hiện nay, toàn huyện có trên 550 hộ chăn nuôi đã sử dụng hầm khí biogas. Sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi là giải pháp mang lại hiệu quả cao, bởi nó không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế, giúp tiết kiệm một khoảng tiền không nhỏ mỗi năm mà còn góp phần giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, nhất là đã góp phần tích cực cải thiện môi trường trong chăn nuôi.
Ông Hà Văn Liêm, thôn Phước Lý (xã Quảng Phước) là một trong nhiều hộ tham gia xây dựng mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học. Ông cho biết: Trước đây, khi mới mở rộng quy mô chăn nuôi gà, nhiều người than phiền về tình trạng mùi hôi bốc lên ảnh hưởng đến sinh hoạt, tình trạng dịch bệnh cũng thường xuyên xảy ra.
Sau khi áp dụng mô hình này, không những đưa lại hiệu quả kinh tế mà còn giảm công lao động trong việc làm vệ sinh chuồng trại, khử được mùi hôi, chuồng trại sạch sẽ. Mỗi tuần chỉ phun thuốc tiêu độc sát trùng và rắc vôi xung quanh để bảo vệ, gà không bị dịch bệnh, nhanh lớn hơn so với nuôi theo cách thông thường.
Cách làm và ủ men vi sinh và đệm lót nền chuồng cũng khá đơn giản nên người nông dân rất dễ làm. Chỉ cần nguyên liệu là trấu, mùn cưa, cám gạo, cùng men vi sinh. Tỷ lệ trấu chiếm 7 phần, mùn cưa 3 phần; men vi sinh 60m2 sử dụng khoảng 3 kg loại men BALASA N01 và cám gạo cho 60m2 bằng 12 kg. Trước khi đưa vào làm đệm lót nền chuồng phải được đầm kỹ, lợp lá để giữ độ ẩm, không để nước mưa và ánh sáng rọi vào sẽ bốc hơi; trấu và mùn cưa trộn đều rãi dày 20cm.
Về con giống, sau khi nuôi từ 8 - 10 ngày mới ủ men vi sinh với cám gạo, sau hai đêm lên men bắt đầu rải đều khắp chuồng, do có phân gà lúc nhỏ nên men vi sinh sẽ sinh sôi ngày một nhiều, khi cho ăn cần rãi thức ăn trên nền chuồng để gà trộn đều men vi sinh lên, tăng hiệu quả cho đệm lót.
Từ thành công của mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, huyện Quảng Điền đang có kế hoạch nhân rộng đến các địa bàn chăn nuôi trên toàn huyện, đặc biệt ở các gia trại, trang trại nuôi gà và chim cút.
Việc phát triển chăn nuôi theo hướng bảo vệ môi trường tại Quảng Điền tạo ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho địa phương. Theo ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền: Mô hình phát triển chăn nuôi theo hướng bảo vệ môi trường tại Quảng Điền mang lại nhiều kết quả khả quan. Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn làm tăng hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí trong sinh hoạt.
Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Trạm khuyến Nông, lâm ngư tiếp tục kêu gọi các dự án hỗ trợ người dân về kỹ thuật cũng như kinh phí xây dựng hầm biogas. Đồng thời, khuyến khích bà con tự xây dựng hầm biogas và mở rộng mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học.
Có thể bạn quan tâm
Phú Yên vừa công bố đề án Thí điểm chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ của Công ty cổ phần Bá Hải. Đây là một trong những đề án thí điểm do Bộ NN-PTNT triển khai tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa nhằm hướng tới mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia.
Trong ngày đầu tiên quảng bá sản phẩm vải thiều Thanh Hà tại thủ đô, Hapro đã niêm yết giá 19.000 đồng/kg tại các hệ thống bán lẻ của đơn vị.
Ông Lê Văn Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh này tự tin khẳng định: "Các tỉnh thế nào thì không biết, chứ riêng Vĩnh Phúc tôi chưa thấy nông sản ế ẩm bao giờ..."
Trong những năm gần đây, việc tiêu thụ lương thực, nông sản được SX ở Bắc Ninh trong các khu công nghiệp (KCN) chưa được như mong đợi.
2 tấn vải thiều đã được xe ô tô chở về đến TP. Quảng Ngãi vào tối ngày 8/6. Tối 9/6, toàn bộ 2 tấn vải thiều trên đã được Tỉnh đoàn bán hết, với giá 20.000đ/kg.