Phát triển chăn nuôi bò sữa ở Sóc Trăng không dễ như mong đợi
Kỳ vọng lớn
Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2013 - 2020 có tổng kinh phí thực hiện gần 287 tỉ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước 40,2 tỉ đồng, tập trung thực hiện 5 hợp phần để đến năm 2020, dự kiến tổng đàn bò sữa đạt 17.800 con và sản lượng sữa đạt 23.000 tấn/năm. Vốn vay: 24 tỉ đồng; các ngân hàng hỗ trợ các hộ chăn nuôi (nghèo và cận nghèo) vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa với lãi suất ưu đãi theo quy định. Vốn tự có của doanh nghiệp và nông hộ 201,6 tỉ đồng. Vốn của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Evergrowth 21 tỉ đồng.
Năm 2014, nguồn vốn ngân sách giao cho dự án là 6,07 tỉ đồng. Ngoài ra, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 12,72 tỉ đồng và nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo… cũng được các địa phương vận dụng lồng ghép nhằm hỗ trợ người dân mua bò lai Sind hướng sữa hoặc bò sữa. UBND tỉnh cũng ký kết văn bản ghi nhớ với Công ty Friesland Canpina Việt Nam về phát triển bò sữa bền vững tỉnh Sóc Trăng và triển khai các văn bản có liên quan, như: khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn; chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 – 2020; kêu gọi các ngân hàng thương mại đầu tư cho vay phát triển chăn nuôi bò sữa…
Mục tiêu của dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh trong năm 2015 là tăng tổng đàn từ 6.161 con lên 7.400 con; trong đó, đàn cái sinh sản chiếm 60% và đàn cái vắt sữa chiếm 40%. Năng suất sữa đạt 4.000 kg/con/chu kỳ, sản lượng sữa tươi năm 2015 đạt 10.000 tấn; tổ chức 30 lớp huấn luyện nông dân, bình tuyển 2.000 con bò trong vùng dự án; đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt 80% tổng đàn trở lên; tăng diện tích đồng cỏ lên 500ha, vận động 2.500 hộ tham gia và được hưởng lợi từ các hoạt động của dự án; có 20% hộ chăn nuôi bò sữa áp dụng các biện pháp sản xuất thân thiện môi trường và ứng phó thiên tai…
Lộ diện những khó khăn
Theo ông Đào Duy Sự, Văn phòng điều phối dự án, một trong những thuận lợi lớn nhất của dự án là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ban Chỉ đạo dự án, sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và đặc biệt là dự án phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người chăn nuôi bò sữa và hầu hết người chăn nuôi bò sữa đều là xã viên của HTX Nông nghiệp Evergrowth, hoạt động trong các tổ hợp tác nên việc triển khai các hoạt động của Dự án có nhiều thuận lợi. Giá thu mua sữa nguyên liệu của HTX Nông nghiệp Evergrowth ổn định ở mức cao, có lợi cho người chăn nuôi bò sữa, kích thích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi.
Tính đến đầu tháng 4 -2015, tổng đàn bò sữa của tỉnh có 7.040 con, tập trung tại các huyện, thành phố, như: Trần Đề 2.905 con, TP Sóc Trăng 200 con, Mỹ Xuyên 1.628 con, Mỹ Tú 2.109 con và Châu Thành 198 con. Sản lượng sữa hiện nay trên 29 tấn/ngày. Hiện nay, HTX Nông nghiệp Evergrowth có 6 điểm thu mua sữa, gồm: 2 điểm chính ở xã Tài Văn (Trần Đề) và Thuận Hưng (Mỹ Tú), cùng 4 điểm phụ ở các xã: Tham Đôn, Đại Tâm (Mỹ Xuyên), Viên An (Trần Đề) và Thuận Hưng (Mỹ Tú). Công suất thu mua sữa của HTX được nâng lên 36 tấn/ngày nên đảm bảo thu mua hết lượng sữa cho người chăn nuôi bò sữa trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai thực hiện, dự án cũng bộc lộ những khó khăn hạn chế, như: một số hộ chăn nuôi còn thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chăn nuôi; thiếu đất trồng cỏ nên khả năng đối ứng vốn với dự án để xây dựng mô hình chăn nuôi tiên tiến, đầu tư cải tạo chuồng trại, mở rộng diện tích trồng cỏ, sử dụng máy móc để nâng cao năng suất lao động, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc nuôi dưỡng, chế biến thức ăn… còn hạn chế. Ngoài ra, Ban quản lý dự án chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức đấu thầu mua tinh, vật tư, thiết bị thụ tinh nhân tạo bò nên việc lựa chọn nhà thầu khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Giá sữa thế giới giảm (từ 5.000 USD/tấn sữa bột nguyên kem, năm 2013 xuống còn khoảng 2.500 USD/tấn, năm 2015), khiến tình hình tiêu thụ sữa tại một số tỉnh, thành gặp khó khăn, gây tâm lý lo lắng cho người nuôi trong tỉnh.
Không dễ như mong đợi
Điều đáng quan tâm là số lượng tăng đàn chủ yếu là do tăng cơ học (nhập bò cái hậu bị), còn khả năng tăng đàn do sinh sản tự nhiên trong tỉnh vẫn còn hạn chế. Việc tăng tổng đàn theo cơ học có thuận lợi là giúp đẩy nhanh tiến độ tăng đàn, nhưng cũng có mặt trái hạn chế của nó, như: khó kiểm soát chất lượng, dịch bệnh và di truyền của đàn; sản lượng sữa tăng đột biến, gây khó khăn cho công tác thu mua, sơ chế… vì hiện tại, tỉnh vẫn chưa có nhà máy chế biến sữa. Trong khi đó, mục tiêu trước mắt của dự án là phát triển chăn nuôi bò sữa theo quy mô nông hộ để phục vụ cho chương trình giảm nghèo bền vững, tiến tới chăn nuôi theo quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao.
Việc quá lệ thuộc vào một đơn vị thu mua sữa là Công ty Friesland Campina (Cô gái Hà Lan) là một khó khăn không nhỏ về giá cả tiêu thụ mỗi khi giá thị trường biến động giảm. Một khó khăn khác là việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm sữa tươi, khi phần lớn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa được trang bị các trang thiết bị cần thiết, nhất là ở khâu vắt sữa và vệ sinh chuồng trại. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chế biến sữa lớn trong nước như: Vinamilk, Cô gái Hà Lan, TH True milk… đều đầu tư phát triển tổng đàn mạnh bằng việc nhập khẩu đàn bò cái hậu bị chất lượng cao và phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng của thế giới sẽ khiến cho việc tiêu thụ sữa quy mô nông hộ ngày càng khó khăn hơn, bởi chi phí cao, nhưng năng suất sữa thấp. Những khó khăn vừa qua một lần nữa cho thấy, việc phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh cũng không dễ dàng như dự kiến. Đặc biệt, tình trạng giá sữa trên thị trường thế giới gần đây giảm mạnh và đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư nhà máy chế biến sữa tại Sóc Trăng. Vì vậy, dự án bò sữa của tỉnh cần có những bước đi thận trọng và phù hợp hơn với tình hình thực tế để có được thành công như mong đợi.
Có thể bạn quan tâm
Gieo thẳng - vấn đề không mới nhưng hiện vẫn còn những tranh cãi nên hay không nên mở rộng trong vụ lúa đông xuân ở miền Bắc có mùa đông lạnh. Thậm chí vụ sản xuất lúa đang diễn ra, 1 tỉnh vùng Bắc Trung bộ, trong văn bản chỉ đạo thời vụ mới đây còn "cấm" dân gieo thẳng vì lo rủi ro
Hỏi: Thỉnh thoảng chúng tôi có nghe thấy trên báo, đài nói sử dụng dầu khoáng SK Enspray 99EC để phòng trừ dịch hại trên trồng. Xin được nói rõ thêm về sản phẩm này và cách sử dụng sao cho có hiệu quả?
Thị trường nông sản thế giới đang chứng kiến một loạt các biện pháp can thiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân của các Chính phủ Thái Lan, Trung Quốc và Myanmar.
Cây ngũ trảo có tên khoa học là Vitex negundo L., còn gọi là ngũ trãy, mẫu kinh, hoàng kinh, ngũ trảo phong, chân chim…, là loại cây gỗ nhỏ, cao từ 3-5m.
Với hai nhánh sông Chày, sông Son chảy qua địa bàn xã có chiều dài gần 12 km, Sơn Trạch (Bố Trạch- Quảng Bình) có điều kiện khá thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông.