Phát Triển Cây Thanh Long Phải Hướng Tới Sản Xuất Sạch
Những năm qua, cây thanh long đã ngày một khẳng định giá trị và trở thành cây trồng chủ lực của nhiều địa phương mang lại hiệu quả cũng như giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên để cây thanh long phát triển một cách bền vững, lâu dài thì nhất quyết người trồng thanh long phải hướng đến một nền sản xuất sạch, chất lượng cao và bền vững.
Đừng chỉ tập trung vào một thị trường .
Thanh long là một trong những loại cây ăn trái có nhiều ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện tại, thanh long đã được trồng rộng rãi ở 32 tỉnh thành trong cả nước.
Tuy nhiên diện tích tập trung lớn nhất là Bình Thuận, Long An, Tiền Giang (Bình Thuận có trên 20.000 ha, Long An gần 5.000 ha, Tiền Giang khoảng 3.000 ha). Cây thanh long Châu Thành tỉnh Long An được trồng từ lâu và phát triển sản phẩm hàng hóa hơn 20 năm nay, cùng khoảng thời gian với thanh long Tiền Giang.
Từ đó đến nay, dù giá cả có lúc trồi lúc sụt, dù không ít lần cũng ngậm đắng nuốt cay như những sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam, nhưng nhìn chung người trồng thanh long cũng dần ổn định. Vì vậy diện tích thanh long của Long An nói riêng, cả nước nói chung không ngừng tăng lên.
Và gần đây nhất, khoảng hai năm nay, giá thanh long tăng vọt, chủ thanh long giàu lên, thì diện tích thanh long Long An, Tiền Giang tăng đột biến, vượt ngoài quy hoạch. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ chính của thanh long Việt Nam vẫn tập trung vào thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 80%).
Việc tập trung vào một thị trường chính quả thực không hề bền vững và rất đáng lo ngại. Giả sử thị trường Trung Quốc ngừng thu mua như đã từng làm với nhiều loại nông sản khác ở nước ta thì thử hỏi hàng trăm ngàn tấn thanh long sẽ về đâu? Người nông dân sẽ trở nên như thế nào?
Cùng lúc, thông tin Trung Quốc đã trồng hơn 20.000 ha thanh long, trong khi từ trước đến nay lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu qua Trung Quốc, đã làm các nhà quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp, và nông dân trồng thanh long bắt đầu lo lắng.
Lý do lớn nhất thanh long Việt Nam bán sang Trung Quốc nhiều vậy dù giá thấp hơn khi bán sang các nước khác dù đó là thị trường rất bấp bênh bởi Trung Quốc là thị trường dễ tính, chưa phải qua các khâu kiểm tra nghiêm ngặt.
Nếu người nông dân cứ tiếp tục trồng thanh long theo hướng tự phát, không theo những quy chuẩn về an toàn thực phẩm lại tập trung vào một thị trường thì chẳng khác gì con dao hai lưỡi, tự mình sẽ làm hại mình. Thị trường tiêu thụ thanh long trên thế giới không phải là ít. Theo như TS.
Nguyễn Hữu Đạt (Cục bảo vệ thực vật) thì hiện nay nhu cầu của thị trường là tương đối lớn, giá trị xuất khẩu cao, nhưng để có được thị trường thì trái thanh long của Việt Nam phải đáp ứng được các quy chuẩn chỉ tiêu an toàn được quy định tại các quốc gia. Không còn cách nào khác người trồng thanh long cần phải tiến tới sản xuất theo hướng sạch, để thanh long Việt Nam vươn tới các thị trường lớn trên thế giới không riêng gì thị trường Trung Quốc.
Tiến tới sản xuất thanh long sạch theo hướng VietGap, GlobalGap (GAP)
Việc phải "buông dần" thị trường Trung Quốc, chuyển hướng sang các thị trường khác là yêu cầu bắt buộc của thanh long Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Muốn vậy phải vượt qua được rào cản kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh mà các nước đặt ra. Hiện diện tích thanh long đạt tiêu chuẩn GAP để xuất đi Mỹ, Nhật, EU, Đài Loan, New Zealand … còn rất hạn chế. Theo số liệu thống kê thì sản lượng thanh long xuất sang Mỹ chỉ chiếm 3%, châu Âu 4%, Nhật 1,5%, trong khi tiềm năng ở những nước này còn rất lớn.
Theo như Kỹ sư Dương Thị Ruộng (Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Long An) thì mặc dù thời gian qua hàng trăm lớp tập huấn và dạy nghề về kỹ thuật trồng thanh long theo VietGap đã được mở cho nông dân trồng thanh long Châu Thành- Long An.
Thế nhưng tỉ lệ diện tích thanh long đạt chuẩn VietGap, GlobalGAP của Châu Thành hiện nay còn quá thấp! Mà muốn cạnh tranh, ổn định thị trường tiêu thụ bắt buộc phải xây dựng được thương hiệu hàng hóa. Mà điều này không còn cách nào phải từ chính người dân. Do vậy, nếu nông dân không sản xuất theo kỹ thuật GAP thì không thể phát triển bền vững và lâu dài. Nhưng hiện tại để sản xuất theo quy chuẩn của GAP cũng là một thách thức.
Nông dân chưa quen ghi chép, chưa chịu ràng buộc theo quy củ của VietGap vừa tốn công vừa tốn phí nhưng khi bán trái thì giá không GAP cũng như GAP. Chưa thấy ảnh hưởng quyền lợi nên người dân không chịu trồng theo GAP. Bên cạnh đó thì đơn vị thu mua để đóng gói xuất bán thì không phân biệt GAP hay không GAP.
Họ cần đủ số lượng để bán, vì vậy có khi còn gian dối để cả lô hàng của họ đều đạt VietGap. Vì động tác này mà ảnh hưởng rất lớn việc vận động nông dân trồng theo VietGap như trên, và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu cạnh tranh.
Chính vì lẽ đó để phát triển bề vững, đáp ứng được chỉ tiêu quy chuẩn ở những thị trường khó tính và xây dựng thương hiệu cho trái thanh long Việt Nam nhất quyết cần phải tiến tới sản xuất theo hướng sạch, theo mô hình GAP như thành công của“Thanh Long Tầm Vu - Châu Thành - Long An” đã được chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu của văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ.
Đồng thời trong quá trình phát triển sản xuất rất cần sự liên kết chặt chẽ hơn nữa theo mô hình "4 nhà", nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, thu hoạch cũng như bảo quản, tiêu thụ để trái thanh long Long An nói riêng và thanh long Việt Nam nói chung ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình trên thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Do giá hạt tiêu trên thị trường luôn ở mức cao so với nhiều loại nông sản chủ lực khác nên trong những tháng đầu mùa mưa năm nay, nông dân ở Đác Lắc đua nhau trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, khiến diện tích cây tiêu tăng nhanh. Việc phát triển “nóng” diện tích cây tiêu không chỉ phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng của tỉnh mà kéo theo nhiều hệ lụy, bức xúc ở địa phương.
Hội đồng Khoa học Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình làng trồng nấm Bào ngư ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang”, do thạc sĩ Lê Trần Như Thảo, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thực hiện.
Nắng hạn kéo dài đã khiến nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị thiệt hại nặng, trong đó có mía và mì. Nông dân địa phương đang đứng trước nguy cơ thiếu giống mía, mì cho vụ sản xuất mới.
Dịch bệnh trên cây màu tăng Các loại cây chuyển đổi là: mít, dừa, bưởi, cam, xoài, nhãn Ido, chôm chôm, ổi, thanh long, đu đủ…
Ông Đinh Đoan Lởi, ngụ tại xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) là một trong những nông dân đi tiên phong ở tỉnh Đồng Nai thành công trong việc ghép cải tạo, trẻ hóa vườn xoài già cỗi. Ông Lởi chia sẻ: “Những gốc xoài ba mùa mưa gần 20 năm già cỗi, giá giống xoài này lại thấp nên thường phải chặt bỏ. Nhưng tôi đã tận dụng những gốc xoài này để ghép các giống xoài cát Hòa Lộc, xoài Thái đang được thị trường ưa chuộng, bán với giá cao”.