Kỳ lạ trồng dưa lê qua... mạng Internet
Một trang trại tại Quỳ Hợp, Nghệ An đang mở dịch vụ cho thuê người trồng, chăm sóc và thu hoạch dưa lê an toàn cho khách hàng có nhu cầu tại khu vực phía Bắc. Theo đó, khách có thể chọn trồng dưa lê trắng hoặc lê Kim Hoàng Hậu với chi phí 100.000 đồng mỗi cây.
Ngay từ khi bắt đầu trồng ở ruộng, dưa sẽ được gắn tên khách hàng. Hàng tuần, trang trại sẽ gửi báo cáo tới khách một lần với nội dung nhật ký gieo trồng và hình ảnh sản phẩm thông qua thư điện tử người dùng dịch vụ đăng ký. Sau 2-2,5 tháng, dưa thu hoạch sẽ được chuyển đến tận nhà cho người thuê trồng, có thu thêm chi phí vận chuyển phát sinh.
Chị Lê Na, chủ trang trại, cho biết, với mỗi đơn đặt hàng, khách được đảm bảo sẽ có sản phẩm. Thông thường, dưa lê trắng sẽ cho từ 5 đến 7 quả mỗi cây, với khối lượng trung bình 0,3-0,6 kg. Dưa Kim Hoàng Hậu cho từ 1 đến 3 quả, có trọng lượng 0,8-1,8 kg. Tuy nhiên, nếu cây chết, không ra quả hoặc chỉ ra một quả dưới 0,8 kg (với dưa Kim Hoàng Hậu) và chỉ ra dưới 3 quả dưới 0,3 kg (với dưa lê trắng), khách sẽ được hoàn lại tiền hoặc đổi sang cây khác.
"Người dùng dịch vụ này có thể đến thăm vườn hoặc về tận nơi chăm bón, thu hái nếu có nhu cầu. Với chi phí 100.000 đồng một cây, khách chỉ cần thu hoạch được 3-4 kg là đã có lợi hơn so với mua sản phẩm an toàn cùng loại trên thị trường. Khi giao sản phẩm, nếu khách hàng không thích có thể trả lại mà không cần lý do, trang trại sẽ hoàn tiền đầy đủ", chị Lê Na cho hay.
Chủ trang trại này cũng khẳng đinh, việc trồng dưa tại đây sẽ theo quy trình an toàn, hạn chế tối thiểu phân bón hoặc thuốc trừ sâu, kích thích sinh trưởng. "Hỗn hợp ủ ớt cay, gừng, tỏi với rượu, kết hợp lá trầu không, lá na được dùng thay cho thuốc bảo vệ thực vật. Xác cá, bã đậu tương... sẽ thay phân bón hóa học. Công nghệ tưới nhỏ giọt và miếng dán công nghệ để chống bọ phấn cũng được thực hiện", chủ trang trại chia sẻ.
Hiện tại, trên thị trường, dưa lê và dưa Kim Hoàng Hậu an toàn đang có giá từ 25.000 đồng đến 50.000 đồng/kg. Theo đại diện của công ty sản xuất thực phẩm an toàn Efarm (Hà Đông, Hà Nội), dưa lê là giống cây ngắn ngày, nhưng khó trồng vì dễ mắc sâu bệnh, tỷ lệ cây con sống chỉ là 70%.
Song song với việc trồng dưa theo phương pháp an toàn, trang trại cũng sẽ trồng thêm 500 cây theo phương pháp hữu cơ. Khi thu hoạch, nếu chất lượng và trọng lượng bằng hoặc tốt hơn dưa trồng theo phương pháp an toàn mà khách đã đăng ký, đơn vị này sẽ đổi sang loại dưa hữu cơ cho khách, có ưu tiên theo thứ tự đăng ký trước.
Tuy mới bước vào vụ sản xuất đầu tiên nhưng chị Lê Na cho hay, sau hơn một tuần thông báo, 100 khách hàng tại Hà Nội và các khu vực lân cận đã đặt hàng dịch vụ này. Mùa đầu tiên, trang trại chỉ thực hiện trên diện tích 0,5 ha, dự kiến trồng khoảng 500 cây, và có kế hoạch mở rộng gấp đôi nếu thành công.
"Tôi sinh ra tại vùng dưa, biết nhiều gia đình 'sống nhờ dưa, chết vì dưa' bởi thiếu đầu ra. Hy vọng mô hình này sẽ thành công để tạo ra một hướng đi khác cho các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương", chị Lê Na tâm sự.
Chị Quỳnh Anh, một khách hàng ở Hà Nội đang thử nghiệm dịch vụ trồng dưa lê từ xa cho biết, chị rất hồi hộp chờ đến lúc thu hoạch. Trước đó, chị đã nghe nói về mô hình trồng rau sạch từ xa ở TP HCM nhưng chưa có dịp thử nghiệm thì được bạn bè giới thiệu cho dịch vụ trồng dưa này.
"Chi phí có thể không rẻ hơn so với mình tự trồng, nhưng lại tiết kiệm công chăm sóc mà vẫn biết được cây trồng phát triển ra sao, thành quả thu được như thế nào", khách hàng này cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, khối lượng xuất khẩu cao su 9 tháng năm 2015 ước đạt 760.000 tấn, trị giá đạt 1,09 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2014, lượng xuất khẩu tăng 9,5% nhưng giá trị giảm 11,6%.
Đó là nhận định của ông Lê Văn Thành – Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa – xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, về việc đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng chất lượng sống của người dân nông thôn TP.HCM.
Từ một hộ thiếu đói, nhờ chịu khó học hỏi, gia đình chị H’Bin Niê ở buôn Tring, xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ (Đăk Lăk) đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Không những thế, gia đình H’Bin còn giúp nhiều hộ khác cùng vươn lên như mình, cũng như có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới...
Để hoàn thành tiêu chí thu nhập, góp phần đưa địa phương trở thành huyện nông thôn mới (NTM) vào cuối năm nay, Cần Giờ (TP.HCM) đang đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực kinh tế biển.
Tại diễn đàn “Một số giải pháp phòng trị bệnh hại trên cây ăn trái vùng ĐBSCL” diễn ra tại Tiền Giang cuối tháng 9, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cùng các chuyên gia hàng đầu về cây ăn trái đã trao đổi kinh nghiệm cùng các nhà vườn để phát triển cho cây ăn trái miền Tây.