Phát triển cây mắc ca ở Việt Nam phải thận trọng
Theo các chuyên gia nông nghiệp, cây mắc ca chỉ trồng một lần và có tuổi thọ cả trăm năm, cây càng lâu năm càng cho hạt lớn hơn, năng suất cao hơn. Ngoài ra, trồng mắc ca thay thế vườn tạp, để phủ xanh đất trống đồi núi trọc rất hiệu quả.
Hạt mắc ca là loại sản phẩm cao cấp, giá bán luôn giữ ở mức trên 100.000 đồng/kg. Theo tính toán, ở khu vực miền núi phía Bắc hoặc Tây Nguyên nước ta, mỗi nhà chỉ trồng 100 cây mắc ca cũng có thể góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Thực tế hiện nay, rất nhiều tập thể và gia đình nông dân đã trồng mắc ca. Tuy nhiên, mắc ca trồng ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc cho kết quả khả quan hơn. Mắc ca đòi hỏi trong năm phải có ít nhất 5 tuần có nhiệt độ dưới 17 độ C thì cây mới phân hóa chồi hoa. Vì vậy, những vùng khí hậu khô, nóng của nước ta không trồng được mắc ca. Tại Đắk Lắk, nhiều gia đình trồng mắc ca đã cho thu hoạch. Bình thường, cây trồng sau 3 năm là cho quả, tuy nhiên, cũng có những cơ sở mới trồng hơn 2 năm đã bói quả.
Đặc biệt, mắc ca có thể trồng chuyên canh hoặc trồng xen với cà phê. Hiện tại huyện Lâm Hà đã có cả trăm héc ta cà phê được trồng xen mắc ca. Điều này mở ra triển vọng cho việc trồng mắc ca với toàn vùng Tây Nguyên mà không phải tìm đất.
Tuy nhiên để mở rộng diện tích trồng mắc ca, theo ông Đoàn Hữu Cường, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông lâm sản chế biến thì cây giống là vấn đề hết sức quan trọng. Ông Đoàn Hữu Cường cho biết: "Qua theo dõi nhiều năm, chúng tôi nhận thấy có nhiều giống mắc ca không rõ nguồn gốc xuất xứ trôi nổi trên thị trường. Nếu Nhà nước không có cơ chế quản lý tốt, chắc chắn nhiều người trồng sẽ bị thiệt hại nặng nề. Bởi để sản xuất được cây giống mắc ca chất lượng tốt, điều kiện đầu tiên là phải có vườn cây mẹ ưu tú đã ra quả và phát triển thuần thục để lấy mắt ghép.
Ở Việt Nam, số lượng cây mắc ca lâu năm không nhiều. Một số đơn vị mặc dù không đủ điều kiện sản xuất giống mắc ca nhưng vẫn tham gia vào lĩnh vực này để trục lợi. Họ lấy mắt ghép từ các cành cây non (cây chưa thuần thục) hoặc những cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được khảo nghiệm và đánh giá các chỉ số (năng suất, khả năng sinh trưởng phát triển… ở điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Việt Nam) để sản xuất cây giống.
Do đó chất lượng cây giống không bảo đảm, năng suất thấp, thậm chí không có quả". Phân tích tình hình thực tế, ông Đoàn Hữu Cường khẳng định: "Nếu quá nôn nóng mở rộng diện tích, nông dân rất dễ mua phải cây giống kém chất lượng. Người chọn tạo giống phải cung cấp giống đã qua khảo nghiệm và được Bộ NN&PTNT công nhận; đồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp đối với chất lượng cây giống của mình. Vì đây là một cây dài ngày, nếu trồng sau 3 - 4 năm không có quả thì nông dân có nguy cơ phá sản".
Trước những thông tin trái chiều, lo ngại về cây mắc ca thời gian qua, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình phát triển cây mắc ca và khẳng định hiện chưa đủ căn cứ để phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca. Theo Bộ NN&PTNT, mắc ca là cây trồng mới, quá trình khảo nghiệm còn cho kết quả khác nhau.
Mặt khác cần xem xét kỹ các vấn đề về chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm... Quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, công nghệ chế biến với loại hạt này đang được các đơn vị chức năng tập trung nghiên cứu, dự kiến ban hành trong năm 2015. Hiện Bộ NN&PTNT đã công nhận 10 giống mắc ca, trong đó có 3 giống quốc gia (dòng OC, 246 và 816), 7 giống tiến bộ kỹ thuật (dòng Daddow, 842, 849, 741, 800, 900, 695). Tổng diện tích cây mắc ca cả nước đến nay khoảng 2.440ha.
Nhằm hạn chế rủi ro cho các tổ chức, cá nhân trồng cây mắc ca, Bộ NN&PTNT cũng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn nông dân trồng mắc ca ở những nơi đã khảo nghiệm thành công hoặc có điều kiện tương tự.
Không triển khai trồng cây này trên quy mô lớn trong các khu vực chưa được trồng khảo nghiệm khẳng định hiệu quả; tổ chức đánh giá kết quả khảo nghiệm tại địa phương; xác định cụ thể quy hoạch chi tiết từng tiểu vùng khí hậu với việc phát triển cây mắc ca.
Việc phát triển quy mô lớn, nhất thiết phải bảo đảm các điều kiện trên; tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng giống, cơ sở sản xuất giống, chỉ cho phép trồng các giống cây mắc ca được nhân giống vô tính (cây ghép, chiết) từ các dòng có năng suất, chất lượng cao đã được Bộ NN&PTNT công nhận.
Có thể bạn quan tâm
Để chủ động thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra cho năm 2015 và đối phó với các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VNĐ và USD áp dụng từ ngày 07/5/2015 từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD.
Sau khi thiết lập kỷ lục kim ngạch xuất khẩu 1,3 tỷ USD vào năm 2014, ngay từ những tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh Cà Mau lại bước vào giai đoạn khó khăn mới, khiến giá trị xuất khẩu thuỷ sản giảm khá mạnh. 4 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 176.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ.
Ngày 13-5, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận được thông báo của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm thuộc Ủy ban châu Âu cho biết, đã nhận được chứng thư điện tử đầu tiên trên Hệ thống chuyên môn và kiểm soát thương mại (TRACES) do Cục này cấp cho lô hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU.
Liên minh Nuôi trồng thủy sản Toàn cầu (GAA), Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) và GlobalG.A.P đã đạt được bước tiến đáng kể trong việc triển khai biên bản ghi nhớ (MoU) trong Hội chợ thủy sản toàn cầu tại Brussels, Bỉ.
Ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm 2015, Việt Nam NK 363 triệu USD nguyên liệu thủy sản, tăng hơn 100% so với cùng kỳ 2014.