Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Cây Chè Ở Tân Sơn

Phát Triển Cây Chè Ở Tân Sơn
Ngày đăng: 09/07/2014

Tân Sơn là huyện vùng cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vì vậy lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có lợi thế để phát triển phù hợp với điều kiện địa phương, đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu của các cấp chính quyền.

Trong định hướng phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện, cây chè là một trong những cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong trồng, chăm sóc chè, năng suất chè của xã Thạch Kiệt đạt 9 tấn/ha

Tính đến thời điểm này, diện tích chè của huyện Tân Sơn đứng thứ 2 của tỉnh, chỉ sau huyện Đoan Hùng với tổng diện tích đạt gần 2.950 ha, trong đó diện tích chè hộ cá thể đạt gần 1.900  ha, Công ty liên doanh chè Phú Đa quản lý khoảng 1.000 ha.

Chè kinh doanh chiếm trên 80% tổng diện tích chè. Năng suất chè búp tươi bình quân trên địa bàn năm 2013 đạt 99,8 tạ/ha, tăng 12,4 ha so với năm 2010, tổng sản lượng chè đạt khoảng 26.000 tấn.

Đánh giá về tiềm năng phát triển cây chè của địa phương, ông Phan Minh Đức - Phó trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tân Sơn cho biết: “Với giá trị mang lại trên 100 tỷ đồng mỗi năm, cây chè thực sự là cây xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Vừa mang lại giá trị kinh tế, cây chè còn giải quyết việc làm cho nông dân. Phải nói rằng với diện tích đất đồi thấp, chưa có cây nào thay thế được cây chè. Một số chủ trương, chính sách nâng cao giá trị cây chè đã được thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả.

Giá cả ổn định, thị trường tiêu thụ rộng nên đã khẳng định vị thế cây chè trên đất Tân Sơn. Huyện đang tiến tới trồng chè sạch theo tiêu chuẩn Vietgap, có thể nâng giá trị chè lên gấp 2 đến 3 lần”.

Nhiều năm qua, bên cạnh việc mở rộng diện tích, huyện luôn quan tâm đầu tư cải tạo, thâm canh diện tích chè, thay thế dần các giống chè năng suất, chất lượng thấp; đồng thời lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu để chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng lấy giá trị sản xuất làm cơ sở để hỗ trợ, trong đó có cây chè.

Theo đó, cây chè được hỗ trợ về phân bón, giống từ vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 30a; chương trình 135; chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh...

Cùng với hỗ trợ vốn, nhiều lớp tập huấn về thâm canh, chăm sóc cây chè đã được mở để nâng cao trình độ cho bà con. Nông dân được tham gia các lớp tập huấn, được cán bộ trạm khuyến nông huyện, cán bộ khuyến nông cơ sở hướng dẫn khoa học kỹ thuật mới trong trồng chè.

Qua đó, người dân đã biết áp dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh, cải tạo đất, phòng trừ sâu bệnh trên cây chè và trồng cây tạo bóng mát cho chè. Ông Hồ Văn Thích - Trưởng khu 10, xã Tân Phú cho biết: “Những năm gần đây được sự hỗ trợ của nhà nước nên bà con nông dân chúng tôi yên tâm trồng chè.

Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật trồng chè, bà con đã biết cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho chè nên năng suất chè đã tăng đáng kể. Gia đình tôi trồng gần 0,4 ha chè, trung bình 45 ngày cho thu hoạch 1 lần, mỗi tháng từ cây chè cũng thu nhập trên 1 triệu đồng.

So với trồng gỗ nguyên liệu và trồng một số hoa màu khác, chè vẫn mang lại giá trị cao nhất. Qua nhiều năm canh tác, bà con chúng tôi nhận thấy cây chè còn có tác dụng chống xói mòn đất, là mô hình canh tác bền vững trên đất dốc”.

Nhằm nâng cao giá trị cây chè, huyện đang phát triển chè chất lượng cao, chè đặc sản, chè sạch và trồng cải tạo chè. Theo kế hoạch thực hiện 6 đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2010-2015, Tân Sơn chủ trương trồng 220 ha chè chất lượng cao. Tính đến hết năm 2013, đã trồng được 88 ha chè loại này và có 50 ha đã cho thu hoạch, chủ yếu là giống chè Kim Tuyên, PT95.

Chè chất lượng cao là sản phẩm đặc sản phục vụ khách du lịch, sau khi trừ chi phí có giá thành cao hơn chè thông thường khoảng 30%. Đặc biệt, tại vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Sơn có lợi thế về khí hậu và độ cao nên có tiềm năng nhất định để trồng nhân rộng chè chất lượng cao.

Trồng cải tạo chè cũ, cằn xấu cũng được huyện quan tâm, hiện có 330 ha đã được trồng cải tạo với các giống chè cho năng suất cao như PH11, LDP1, LDP2. Năm 2014 huyện phấn đấu trồng lại 280 ha theo nhu cầu của các xã đã đăng ký.

Nhiều địa phương trong huyện đã đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào các khâu chăm sóc và thu hái sản phẩm, góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng chè sau khi thu hoạch. Hiện tại, 70% diện tích chè đã được cơ giới hóa trong khâu thu hoạch.

Cùng với đó, hoạt động chế biến chè trên địa bàn khá sôi động, ngoài doanh nghiệp lớn là Công ty liên doanh chè Phú Đa còn có hàng trăm cơ sở, xưởng chế biến chè mini thu mua sản phẩm nên người trồng chè không lo đầu ra.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng qua thực tiễn phát triển cây chè ở Tân Sơn cũng gặp phải một số khó khăn. Cụ thể là giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác so với giá trị thực tế tại thời điểm hiện tại chỉ đạt 35 triệu đồng/ha là còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Mặt khác, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa được thực hiện nên giá không ổn định, bị tư thương ép giá.

Diện tích trồng mới chè chất lượng cao tại vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Sơn mới chỉ có 33 ha, đạt gần 20% kế hoạch và nguyên nhân chính là do diện tích quy hoạch trồng đầu kỳ, nông dân đã trồng cây nguyên liệu giấy chưa đến kỳ khai thác. Bên cạnh đó, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh cây chè của bà con còn hạn chế.

Do vậy, năng suất chè của các hộ cá thể đạt 87,7 tạ/ha, thấp hơn 12 tạ/ha so với năng suất chè bình quân của huyện. Mặt khác, hiện chỉ có diện tích chè do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới giám sát được chất lượng, diện tích chè nhỏ lẻ trong nhân dân chất lượng không đồng đều và rất khó quản lý.

Chính những điều này khiến việc sản xuất chè sạch trong thời gian tới rất khó thực hiện, bởi sản xuất chè sạch cần tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt về chất lượng và với trình độ canh tác như hiện nay, người trồng chè không dễ đáp ứng được.

Một khó khăn nữa đang đặt ra đó là hầu hết các cơ sở chế biến chè chỉ chú ý đến việc thu mua nguyên liệu để chế biến chứ chưa chú trọng đến phát triển vùng nguyên liệu trên cơ sở ký kết hợp đồng chặt chẽ với hộ nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nguyên liệu theo tiêu chuẩn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới Tân Sơn tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao kỹ thuật thâm canh nhằm nâng cao năng suất và chất lượng chè nguyên liệu của hộ cá thể; khuyến khích các hộ, các tổ chức đẩy mạnh biện pháp KHKT trong thâm canh và cơ giới hóa trong khâu thu hoạch. Phấn đấu nâng năng suất chè của hộ cá thể lên 90 tạ/ha. Dự kiến sẽ tổ chức các hội nghị bàn phương thức liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn.

Ngoài mở rộng diện tích trồng chè thì việc xây dựng cho cây chè có chất lượng và có tính bền vững cao đang được huyện hết sức coi trọng. Sự liên kết chặt chẽ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người trồng chè sẽ giữ vai trò quyết định trong việc xây dựng thương hiệu chè Tân Sơn trên thị trường. Đó cũng là cơ sở để người dân có cơ hội nâng cao thu nhập, thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững trong những năm tiếp theo.


Có thể bạn quan tâm

Hộ Sản Xuất Đậu Phộng Có Thu Nhập Cao Hộ Sản Xuất Đậu Phộng Có Thu Nhập Cao

Ngoài tiêu thụ mạnh tại địa phương, đậu phộng ở huyện Tuy An còn được thương lái thu gom, chuyển vào TP Hồ Chí Minh bán cho các cơ sở sản xuất dầu ăn. Vào thời điểm này, giá bán mỗi kg đậu phộng tươi (còn vỏ) ở huyện Tuy An từ 7.000 đến 9.000 đồng. Nhờ năng suất thu hoạch và giá bán cao, mỗi sào đậu phộng trong thời gian khoảng 3 tháng đã cho hộ sản xuất thu nhập hơn 7 triệu đồng.

14/01/2015
Triển Vọng Về Một Quy Trình Tái Canh Cà Phê Triển Vọng Về Một Quy Trình Tái Canh Cà Phê

Không trồng luân canh cây hoa màu để cải tạo đất trong 3 năm theo quy trình tái canh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số nông dân ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột đã tái canh trực tiếp theo kinh nghiệm và bước đầu đã thành công, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng trong việc giải quyết bài toán tái canh cà phê hiện nay.

14/01/2015
Hướng Tới Thương Hiệu Chè Sạch Thủ Đô Hướng Tới Thương Hiệu Chè Sạch Thủ Đô

Ông Nguyễn Trung Thành, ở thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn chia sẻ, tham gia sản xuất chè an toàn, gia đình ông đã biết cách chăm sóc, thu hái và chế biến chè đúng kỹ thuật. Chè hái về được phơi trên giá lưới, không phơi trên nền sân như trước.

14/01/2015
Nấm Linh Chi Mở Hướng Đi Mới Cho Nông Dân Cát Tiên (Lâm Đồng) Nấm Linh Chi Mở Hướng Đi Mới Cho Nông Dân Cát Tiên (Lâm Đồng)

Lâu nay, người dân xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng chủ yếu vẫn gắn liền với cây lúa nước, cây mía, cây điều… nhưng mới đây việc thí điểm thành công mô hình trồng nấm linh chi đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

14/01/2015
Hiệu Quả Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà Lưới Hiệu Quả Mô Hình Trồng Rau Trong Nhà Lưới

Rau xanh không thể thiếu được trong khẩu phần ăn hàng ngày của mỗi người chúng ta. Không giống như cây lúa, cây rau được gieo trồng với nhiều chủng loại phong phú, có thời gian sinh trưởng ngắn nên đòi hỏi chế độ tưới nước bón phân cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn. Từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề như, rau dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư đạm, rau nhiễm các loại vi trùng và ký sinh trùng… có khả năng gây hại đến sức khỏe cho người tiêu dùng.

14/01/2015