Phát Triển Cà Phê Bền Vững

Trong chiến lược phát triển nông - lâm nghiệp tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020, cà phê được xác định là cây mũi nhọn, góp phần xoá đói giảm nghèo cho hàng nghìn hộ dân, nhất là tại huyện Mường Ảng.
Thực tế thì nhiều năm qua, nhờ trồng cà phê mà không ít gia đình phất lên nhanh chóng; cà phê bán ra nước ngoài thu về nguồn ngoại tệ không nhỏ cho đất nước, làm giàu cho tỉnh. Nhận thấy giá trị kinh tế to lớn từ cây cà phê, bà con đã chủ động khai hoang, phục hoá, tích tụ đất đai trồng với quy mô lớn, diện tích cũng như năng suất ngày càng tăng. Tuy nhiên, giống như nhiều cây công nghiệp khác, đầu mùa thu hoạch cà phê thường giá bán rất cao, khi vào chính vụ giá giảm dần. Điệp khúc “được mùa rớt giá” cứ liên tục xảy ra.
Nhiều hộ dân trồng cà phê thương nhân tích lũy cà phê đều rơi vào tình cảnh khóc dở mếu dở. Trước thực trạng đó, mới đây, Sở Nông nghiệp - PTNT phối hợp với UBND huyện Mường Ảng tổ chức hội thảo phát triển cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2012, nhằm đẩy mạnh liên kết trong quá trình sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, nâng giá trị thu nhập cho người trồng cà phê.
Các ý kiến đại biểu tập trung bàn thảo việc liên kết “4 nhà” trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu bền vững; chính sách hỗ trợ cho người trồng cà phê... Những ai đang “sống” vì cà phê thực sự quan tâm đến sự kiện này. Tuy nhiên, khi hội thảo kết thúc, không ít đại biểu vui buồn lẫn lộn. Và buồn nhất có lẽ là hàng nghìn hộ dân trồng cà phê. Vì rằng, hội thảo vẫn đưa ra những vấn đề “vĩ mô”, chung chung, đang là kế hoạch mà chưa thực sự đi vào cụ thể như dân cần.
Xin nhắc lại rằng, giống cà phê catimo trồng trên đất Mường Ảng thực sự thơm ngon. Tuy năng suất thấp nhưng giá trị kinh tế cà phê catimo thường cao gấp 2 - 3 lần (tính theo giá xuất khẩu) so với cà phê Tây Nguyên. Hiện tại, giá cà phê tươi được thương lái thu mua tại Mường Ảng chỉ 6.000 - 7.000 đồng/kg (bằng 50 - 60% so với đầu mùa và lúc cao điểm của năm ngoái).
Mường Ảng hiện có 1.407ha cà phê kinh doanh, năng suất bình quân 15 tấn quả tươi/ha, tổng sản lượng 21.105 tấn. Nếu tính mức giá 12.000 đồng/kg (lúc cao điểm) thì giá trị kinh tế từ cây cà phê mang lại là 253,2 tỷ đồng. Vậy nhưng, do giá rớt thê thảm, hiện nay bà con bán 6.000 đồng/kg thì giá trị kinh tế của 21.105 tấn cà phê chỉ thu gần 126,6 tỷ đồng.
Với một huyện nghèo thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ như Mường Ảng mà chỉ riêng mất giá cà phê đã thất thu cả trăm tỷ đồng, đây là bài học đắng lòng cho nhà quản lý cũng như người trồng cà. Một vài năm tới, khi toàn bộ 3.118ha cà phê bước sang giai đoạn kinh doanh, nếu giá cả tiếp tục bấp bênh thì người trồng cà lại thua đơn thiệt kép.
Lý do xảy ra tình trạng cà phê “được mùa rớt giá” là vì chưa có doanh nghiệp cam kết đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tại “vựa” cà phê Mường Ảng đang xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, mạnh ai người đấy được. Cà phê phát triển nóng, phá vỡ quy hoạch đã dẫn tới tình trạng thừa nguyên liệu, thiếu đầu ra. Chất lượng cà phê kém do khâu chọn giống ươm, trồng không theo khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp.
Kinh tế hội nhập, nhu cầu đòi hỏi chất lượng cà phê ngày càng cao, đáp ứng tiêu chuẩn gắn với bộ chứng chỉ quốc tế về cà phê. Trong khi đó, cà phê Mường Ảng từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế ban đầu... đều đang “làm theo kinh nghiệm”. Do đó, để cà phê Mường Ảng phát triển bền vững, không “thua trên sân nhà”, các cơ quan quản lý, chỉ đạo, điều hành và mỗi người dân phải nhanh chóng loại bỏ được những hạn chế, khuyết điểm nêu trên mới mong xây dựng “thương hiệu” bền vững cho cây cà phê.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, giá dừa khô tăng mạnh, từ 80-85 ngàn đồng/chục (12 trái). Do giá dừa tăng và tương đối ổn định từ sau Tết đến nay, nên bà con trồng dừa rất phấn khởi.

Những tưởng cây thanh long ruột đỏ chỉ phù hợp với khí hậu ở miền Nam nhưng mấy năm trở lại đây loại cây này lại “bén duyên” với mảnh đất Chợ Đồn và bước đầu đã mang lại những hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận.

Cùng với nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, hiện nay cây cam đường canh đang giúp cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Na Rì (Bắc Kạn) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năm 2004, Công ty DONA (ở Đồng Nai) hợp tác với Công ty Cà phê Phước An trồng xen canh 121 cây sầu riêng giống DONA-SR1 của Thái Lan vào vườn cà phê theo mật độ: Cây cách cây 9 mét và hàng cách hàng 9 mét. Sau 1 năm, công ty bán lại với giá 100.000 đồng/ cây.

Trồng ớt xuất khẩu đang là mô hình thành công ở huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An). Đây là mô hình hợp tác “ba nhà” tạo bước đột phá nhằm thay đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả cao, tăng thu nhập cho nông dân.