Phất Lên Nhờ Nuôi Cá Đặc Sản
Khi nghề nuôi cá tra xuất khẩu luôn bấp bênh về đầu ra, dẫn đến tỷ lệ rủi ro cao thì một số ngư dân trong tỉnh An Giang đã nhanh chóng chuyển hướng nuôi các loại cá đặc sản, phục vụ thực khách tại các nhà hàng, quán ăn. Ông Lê Văn Dũng, Chi hội Nghề cá thị trấn Chợ Vàm (Phú Tân) là một điển hình trong số đó.
Tìm đối tượng nuôi mới
Với hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, ông Dũng được người trong nghề đánh giá rất cao về tính năng động, chịu khó trong việc tìm tòi, phát triển đối tượng nuôi mới, như: Cá chép giòn, cá chấm giòn, cá nheo, cá lăng hồng, cá chiên, cá quốc (còn gọi là cá lăng chấm), cá bống, cá dầm xanh…
Ông Dũng cho biết, năm 2002, khi phong trào nuôi cá tra phát triển gần đến đỉnh điểm, dự báo được tình hình sẽ gặp khó khăn, ông đã chủ động tìm đối tượng nuôi mới là cá điêu hồng. Lúc này, giống cá điêu hồng được nhập từ Đài Loan, sau 4 – 5 tháng nuôi là cho thu hoạch.
Cá thương phẩm lúc mới xuất hiện trên thị trường, được các nhà hàng, quán ăn đặc sản ở TP. Hồ Chí Minh tính giá lên đến 320.000 đồng/kg (sau khi đã chế biến thành món ăn).
“Cách làm của ông Dũng giống như một trung tâm giống thủy sản của Nhà nước, nghĩa là đi tìm đối tượng nuôi mới về nghiên cứu nuôi, khi thành công thì phổ biến ra cộng đồng để giúp bà con có được công ăn việc làm, có được hiệu quả kinh tế. Đây là một việc làm đáng khen ngợi, Nhà nước cần hỗ trợ vốn để ông phát triển” - ông Trần Văn Nam, ngư dân huyện An Phú, nói.
Từ năm 2002 đến nay, ngoài cá điêu hồng, ông Dũng đã nghiên cứu nuôi nhiều loại đối tượng thủy sản khác nhau, như: Cá bống tượng, lăng nha, thác lác cườm, trạch lấu, chép giòn, chấm giòn, cá nheo, cá chiên… “Nếu nói thị trường xuất khẩu ở các châu lục là quan trọng đối với nghề nuôi cá tra thì thị trường nội địa là rất quan trọng đối với việc nuôi đối tượng đặc sản phục vụ thực khách. Khi xuất khẩu gặp khó thì chúng ta mới thấy được tầm quan trọng của thị trường trong nước.
Ý thức được vấn đề này từ sớm, tôi đã nhanh chóng tìm các đối tượng nuôi mới để phục vụ thực khách tại các nhà hàng, quán ăn đặc sản. Chính việc chuyển hướng kịp thời này đã giúp tôi thành công” - ông Dũng bộc bạch.
Hiệu quả bất ngờ
Nếu so với cá tra thì nuôi cá chép giòn phục vụ thị trường nội địa ở phân khúc nhà hàng, quán ăn đặc sản thì hiệu quả rất cao. Trong khi cá tra hiện có giá bán từ 24.000 – 24.300 đồng/kg thì cá chép giòn (loại 1kg/con) được thương lái TP. Hồ Chí Minh xuống tận vùng nuôi thu mua với giá từ 120.000 – 150.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với cá tra.
Cá chép giòn có thời gian nuôi khoảng 8 tháng. Từ nhỏ đến tháng thứ 5, cá được cho ăn bằng thức ăn viên. Sau 5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng khoảng 1kg/con hoặc nặng hơn. Từ tháng thứ 6 trở đi cho đến khi thu hoạch, người nuôi chuyển sang cho cá ăn bằng hạt đậu tằm. Lúc này, thịt cá bắt đầu dai và có độ giòn nhất định, ăn rất ngon.
Bình quân mỗi tháng, trang trại của ông Dũng xuất bán trên 5 tấn cá chép giòn nhưng không đủ bán. “Nhờ những ngư dân như ông Dũng mà thị trường TP. Hồ Chí Minh mới có được những loại cá đặc sản để phục vụ thực khách tại các nhà hàng, quán ăn.
Nuôi cá đặc sản không đơn giản chút nào nhưng ông Dũng là người nuôi rất thành công các đối tượng nuôi mới bởi tính kiên trì, chịu khó của ông” – ông Nguyễn Vũ Sơn, đại lý cá đặc sản ở quận 2 (TP. Hồ Chí Minh), nói. Ngoài cá chép giòn, chấm giòn, ông Dũng hiện đang nuôi cá nheo và cá lăng hồng, cá chiên. Đây là những loại cá nằm trong nhóm “ ngũ quý” mà các đại gia miền Bắc và TP. Hồ Chí Minh luôn tìm kiếm.
Cái khó của nghề nuôi cá đặc sản là nuôi rất kỳ công do đây là đối tượng nuôi mới, người nuôi chưa quen với đặc tính của cá. Trong khi đó, mỗi loài lại có đặc tính khác nhau, môi trường nuôi khác nhau, cần rất nhiều thời gian nghiên cứu cho một đối tượng nuôi mới. Tuy khó là vậy nhưng nhờ kiên trì, số tiền mà ông Dũng thu được từ việc nuôi cá đặc sản lớn hơn nhiều lần so với nuôi cá tra xuất khẩu. Ngoài nuôi cá thương phẩm, ông còn nhận cung cấp giống, thức ăn cho cộng đồng ngư dân trong và ngoài tỉnh, tư vấn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm để bà con cùng làm giàu…
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các đối tượng đã nuôi, đi vào nghiên cứu chuyên sâu để làm sao quá trình nuôi hiệu quả đạt cao nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đi tìm những đối tượng nuôi mới (mang tính quý hiếm) để đưa về nuôi thử nghiệm, khi thành công thì sẽ đưa ra nhân rộng cho cộng đồng nuôi để phát triển” – đại diện Chi hội Nghề cá thị trấn Chợ Vàm thông tin.
Nguồn bài viết: http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Tin-trong-tinh/Phat-len-nho-nuoi-ca-ac-san.html
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, ngoài một số xã Chiềng Hắc, Đông Sang, Mường Sang ở Mộc Châu; nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cũng đang tiến hành trồng cà chua trái vụ bằng phương thức gieo hạt truyền thống. Nhưng để sản xuất cà chua trái vụ, các hộ nông dân gặp khó khăn trong việc xử lý bệnh héo xanh làm giảm năng suất.
Tính đến tháng 7/2013, toàn tỉnh có 42.552 ha cao su, nhiều nhất ở Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân… Hầu hết diện tích cao su đều sinh trưởng tốt, năng suất cao su năm 2012 bình quân đạt 15,08 tạ/ha, tăng gần 3 tạ/ha so với năm 2005.
1.000 đồng là mức giá người mua phải trả cho 1 con tôm thẻ chân trắng (loại 100 con/kg) tại Cà Mau, ở thời điểm này. Tính theo ký, mỗi kg tôm loại 70 con/kg cũng chỉ còn 120.000 đồng. So với trước, mức này giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Bạc Liêu.
Nhằm giúp bà con phát triển mô hình trồng nấm tại nhà, từ đầu năm 2014 đến nay, Trung tâm Nấm (thuộc Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên) đã tổ chức hơn 50 buổi tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại nấm ăn, nấm thương phẩm cho bà con các huyện: Mường Nhé, Mường Chà, Mường Ảng, Điện Biên và thị xã Mường Lay, với hơn 1.500 lượt người tham gia.
Dám nghĩ dám làm, quyết tâm không để cái đói, cái nghèo đeo bám, anh Lò Văn Soạn, bản Chiềng Nưa 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ luôn đi đầu trong sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt; đồng thời hướng dẫn người dân trong bản mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo...