Phân đa yếu tố NPK chuyên dụng cho cây chè
"Cứu tinh" cho chè
Phú Thọ là tỉnh có diện tích chè lớn với 16.300 ha, năng suất trung bình chỉ 6 - 8 tấn/ha, chè búp tươi bị ép giá rất thấp, có lúc chỉ còn 3.700 đ/kg.
Nhiều người SX chỉ sử dụng các loại phân bón NPK, phân vô cơ chăm sóc theo cách truyền thống, bón không cân đối làm đất bị thoái hóa, giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.
Trước tình hình sa sút về uy tín và thị phần của sản phẩm chè ngày càng giảm, tỉnh Phú Thọ đã ứng dụng nhiều giải pháp kỹ thuật và quản lý canh tác chè, đưa vào sử dụng phân chuyên dùng Văn Điển.
Đặc biệt tìm ra cây che bóng phù hợp là cây xoan, đã giúp cải tạo đất, cân bằng độ ẩm, tạo môi trường thuận lợi cho cây chè phát triển.
Phân bón chuyên dụng chè NPK đa yếu tố Văn Điển phục vụ thâm canh là NPK 4:1:2 với công thức chung 22:5:11 (N: 22%; P: 5%; K: 11%; S: 2%, MgO: 5%; CaO: 9%; SiO2: 8%; Fe, Zn, B, Cu, Mn, Co, Mo…).
Thành phần chủ lực trong phân đa yếu tố NPK chuyên dùng cho cây chè là phân lân nung chảy Văn Điển có tính kiềm (pH 8 - 8,5), không độc hại, không tan trong nước mà tan hết trong dịch chua của rễ cây.
Khi bón vào đất không bị rửa trôi, cung cấp lân và các chất dinh dưỡng đa, trung vi lượng cho cây trồng và nâng độ pH lên mức 4,5 - 5,5 (trên lô đối chứng sử dụng phân NPK 5-10-3, NPK 12-5-10, urea, KCl truyền thống).
Lượng phân bón cho 1 ha tại xã Vân Lĩnh: NPK 4.1.2 là 1.800 kg với giá mua 13.140.000 đồng.
Quy trình bón: Bón phân lần 1: 900 kg bón vào cuối tháng 4 khi có mưa ẩm; Bón phân lần 2: 450 kg bón tháng 6; Bón phân lần 3: 450 kg bón vào tháng 9.
Đối chứng (bón theo truyền thống tại địa phương) gồm 2.130 kg phân NPK 12:5:10 + đạm ure 200 kg, với tổng chi phí 16.284.000 đồng.
Như vậy, lượng phân bón trên mô hình ít hơn trên lô đối chứng là 2.130 kg - 1.800 kg = 330 kg; tiền thấp hơn đối chứng là 16.284.000 - 13.140.000 = 3.144.000 đồng.
Lượng phân bón cho 1 ha tại xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn): Chuyên dùng Văn Điển đa yếu tố NPK 4.1.2 là 1.350 kg với giá mua 9.855.000 đồng.
Đối chứng: Sử dụng 2.385 kg gồm 1.385 kg phân NPK 5:10:3 + phân NPK 12:5:10 là 700 kg, đạm ure 300 kg, với tổng chi phí 14.029.000 đồng.
Như vậy, lượng phân bón trên mô hình ít hơn trên lô đối chứng là 2.385 kg - 1.350 kg = 1.035 kg, tiền thấp hơn đối chứng là 14.029.000 – 9.855.000 = 4.174.000 đồng.
Theo kinh nghiệm các đơn vị đã sử dụng phân chuyên dùng Văn Điển cho chè, khi sao chè sẽ chỉ tốn khoảng 4 - 4,25 kg búp tươi để được 1 kg chè khô, trong khi chè canh tác theo truyền thống phải 5 kg búp tươi mới cho 1 kg chè khô.
Kỹ thuật bón: Dùng cuốc gạt nhẹ lớp rác bên trên sau đó bón vào giữa 2 hàng chè, bón sau khi trời mưa đất có đủ độ ẩm. Không bón trên tán chè, không bón khi thời tiết nắng nóng sẽ dẫn đến phân bốc hơi và khi gặp thời tiết mưa to phân bị rửa trôi.
Sử dụng máy hái chè ở chính vụ thu hoạch nhằm giảm thiểu công lao động. Phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM). Khi cần phun thuốc sử dụng máy phun thuốc động cơ nhằm tạo hiệu quả phòng trừ cao.
Bất ngờ
Năm 2015 thời tiết diễn biến rất phức tạp, hạn hán kéo dài, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kỷ lục, sâu bệnh gây hại nặng nhiều lứa xen kẽ.
Qua theo dõi nương chè đánh giá tình hình sâu bệnh như sau: Lứa hái 1 cao điểm gây hại rầy xanh; Lứa hái 2 thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho nhện đỏ phát triển, tuy nhiên do sử dụng phân chuyên dụng và trồng cây che bóng nên tỷ lệ hại thấp hơn so với đối chứng;
Lứa hái 3 và 4 do điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ bọ cánh tơ xuất hiện gây hại.
Tuy nhiên, những hộ dân tham gia mô hình nhờ tuân thủ quy trình và các biện pháp kỹ thuật nên lượng sâu bệnh giảm rõ rệt, trong khi năng suất, chất lượng lại tăng cao.
Tại xã Vân Lĩnh (huyện Thanh Ba), hộ ông Mai Ngọc Chiến có 1 ha, qua 4 lần hái đã thu được 16.209 kg búp (ở lô đối chứng chỉ đạt 1.459 kg) tăng 14,9%; hộ ông Nguyễn Tiến Trường (0,5 ha) tăng 16,1%; hộ bà Nguyễn Thị Hoa (0,5 ha) tăng 15,4%; hộ ông Nguyễn Văn Điện (đạt 16.620 kg/ha) tăng 16,4%, bình quân toàn mô hình 3 ha đã thu được 16.161 kg, đối chứng 13.161 kg, tăng 15,7%/ha.
Qua sơ bộ hạch toán kinh tế đã cho thấy, mô hình phù hợp với SX của nông dân, năng suất tăng đạt năng suất tối đa của giống chè, năng suất tăng dần theo các lứa hái, lứa hái 1 năng suất tăng so với đối chứng thấp nhất (tăng 1,5 - 4,2%), lứa hái 2 tăng so với đối chứng 6 - 8,9%, cao nhất là lứa hái 3 (tăng 25,4 - 27,2%).
Đồng thời số công lao động giảm, số lần phun thuốc giảm, lợi nhuận mang lại cao, cho lãi 31.403.000 đồng/ha, cao hơn so với ngoài mô hình là 13.436.000 đồng/ha.
Tại xã Võ Miếu (Thanh Sơn), không trồng cây che bóng, lô đối chứng sâu bệnh gây hại nặng, xuất hiện thường xuyên nên số lần phun thuốc mỗi lứa hái từ 2-3 lần.
Tại Phú Thọ có 2 DN chè nước ngoài là Cty Phú Đa và Phú Bền mỗi năm sử dụng 3.000 tấn phân chuyên dụng Văn Điển đạt năng suất 15-20 tấn/ha, cá biệt 25 tấn/ha, chè XK được tham gia trong mạng lưới phân phối toàn cầu Unilever.
Tuy nhiên trong mô hình sử dụng phân bón chuyên dùng Văn Điển chè đanh búp, ngoại hình của các mẫu chè có thoáng tuyết, chè có màu xanh lá gừng không xanh đậm như bón phân truyền thống, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, số lần phun thuốc giảm so với lô đối chứng trong 3 lứa hái là 2 lần.
Kết quả năng suất chè qua 3 lứa hái do bón phân chuyên dùng NPK 4.1.2 Văn Điển tăng dần theo các lứa hái, lứa hái 1 năng suất tăng so với đối chứng thấp nhất (tăng 3,3%), lứa hái 2 tăng so với đối chứng 7,7%, cao nhất là lứa hái 3 (tăng 15,2%).
Qua 3 lứa hái nương chè sử dụng phân NPK 4.1.2 Văn Điển cho hiệu quả kinh tế cao hơn nương chè bón phân theo tập quán, cho lãi 18.379.000 đồng, cao hơn so với đối chứng là 8.243.000 đồng/ha.
Tham gia hội thảo, các đại biểu đều nhất trí, việc triển khai xây dựng mô hình “Sử dụng phân bón chuyên dùng Văn Điển trên nương chè có cây che bóng cho chè kinh doanh” cơ bản đã nhận được sự đồng thuận của các cấp chính quyền và người dân.
Đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, đến nay mô hình đạt kết quả khá tốt, hiệu quả cao hơn so với SX thông thường.
Mô hình giúp cây chè sinh trưởng phát triển khỏe, búp lên đều, năng suất và chất lượng tăng, phát triển cân đối về bộ rễ, thân lá và mật độ búp, đặc biệt tỷ lệ búp mù xoè giảm đi rất nhiều, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết.
Qua đó, góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ của người nông dân, chuyển sang áp dụng các TBKT, biện pháp canh tác mới, nâng cao trình độ kỹ thuật thâm canh góp phần tăng năng suất, sản lượng, tăng giá trị và hiệu quả trên một đơn vị diện tích.
Theo ông Hoàng Văn Tại, TGĐ Cty CP Phân lân Văn Điển, do phân chuyên dùng Văn Điển chứa đủ và cân đối dinh dưỡng đa, trung, vi lượng nên hàm lượng chất khô trong búp chè tăng cao, vì vậy năng suất chè sẽ còn tăng ở khâu sao chè.
Với kết quả thu được, ông Trần Tú Anh, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Thọ đề nghị Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển tiếp tục hỗ trợ Phú Thọ thực hiện việc bón thử nghiệm cho cây chè năm 2016 và xây dựng đại lý cung ứng phân bón kịp thời cho nông dân...
Có thể bạn quan tâm
Những ngày này, không khí ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) ảm đạm, u buồn. Bởi vì, cà phê nơi đây chín quá sớm, hạt lép, mất mùa, mất giá. Nhiều nông dân bỏ cà phê, không thu hoạch.
Trong các loại rau rừng thì rau nhíp (rau bép, rau ranh) là có nhiều thành phần dinh dưỡng đặc biệt và ngày càng trở thành món ăn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trong khuôn khổ các hoạt động tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc (LHQ), ngày 26.9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu tại sự kiện cấp cao về mô hình phát triển nông thôn mới và cộng đồng bền vững.
Hàng chục ha cá nuôi sắp đến kỳ thu hoạch, bỗng chết nổi trắng ao đang là những gì diễn ra tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Cá chết nhiều đến nỗi, có một số hộ bị thiệt hại hàng tỷ đồng.
Mẻ cốm Tú Lệ mới giã xong phớt màu mạ non. Nhón lấy mấy hạt đầu nong nhai nhè nhẹ đã thấy ngọt nơi đầu lưỡi, hương nếp thơm lựng đến bồi hồi.