Xây dựng nền tảng tam nông
Có thể nói vai trò nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đang được khẳng định và phát triển đúng hướng, tạo nền tảng đẩy mạnh mục tiêu công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Quảng Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế cần tập trung khắc phục để có thể khẳng định tầm vóc chiến lược của mình.
TÁI CƠ CẤU, NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành NN&PTNT, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam xung quanh vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Tấn Đức khẳng định:
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần tiến hành đồng thời hệ thống các giải pháp về chính sách, cơ chế, phát huy nguồn lực, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đây là nhiệm vụ chiến lược trọng tâm trong thời gian đến.
* Ông đánh giá thế nào về lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn của tỉnh trong 5 năm trở lại đây?
Ông Huỳnh Tấn Đức: Thời gian qua, Quảng Nam đã đặt ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể cho phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Theo đó, tùy thế mạnh của từng tiểu ngành mà chọn hướng phát triển bền vững; đặc biệt chú trọng đến kinh tế rừng, thủy sản và chăn nuôi, từ đó tạo động lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.
Đồng thời tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa và phục vụ đời sống cư dân nông thôn; tích cực hỗ trợ nhà nông đưa cơ giới hóa và ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản.
Nhờ dốc sức thực hiện đồng bộ nhiều khâu, nhất là tập trung mọi nỗ lực cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi nên tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trong giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân hàng năm 4,5%, đạt kế hoạch đề ra và tăng 1% so với bình quân của thời kỳ 2006 - 2010.
Về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay Quảng Nam huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và đã đạt được nhiều thành quả.
Tính đến cuối tháng 10.2015, bình quân tiêu chí đạt chuẩn của 204 xã trên toàn tỉnh là 11,38 tiêu chí/xã, tăng 8,77 tiêu chí/xã so với năm 2010.
Ngoài 22 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn, từ nay đến cuối năm 2015 sẽ có thêm 32 xã cán đích.
Đặc biệt, huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn đã trình hồ sơ đề nghị trung ương thẩm định và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện vào cuối năm nay.
* Tổng giá trị sản xuất toàn ngành giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân hàng năm 4,5%, so với bình quân của giai đoạn 2006 - 2010 tăng 1%.
Con số này phần nào cho thấy vẫn còn rào cản phát triển, thưa ông?
Ông Huỳnh Tấn Đức: Việc chuyển đổi những diện tích lúa nước trời, vùng khó tưới, sản xuất kém hiệu quả sang canh tác cây trồng cạn trong các năm qua chưa đạt kết quả cao, nói đúng hơn mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện theo chương trình, mô hình trình diễn.
Tuy đã có nhiều cơ chế khuyến khích phát triển nông nghiệp - nông thôn nhưng nguồn lực đầu tư cho công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hỗ trợ trực tiếp sản xuất còn rất ít.
Đặc biệt, vấn đề đầu ra nông sản vẫn ở thế bất ổn.
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, mối liên kết giữa nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp trong việc sản xuất còn mờ nhạt.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, việc tổ chức tiêm vắc xin phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm tại nhiều địa phương chưa đạt ngưỡng an toàn.
Khâu quản lý môi trường đối với vùng nuôi tôm chưa tốt nên ở nhiều vùng dịch bệnh lây lan khó kiểm soát.
Công tác dự báo ngư trường và nguồn lợi thủy sản còn bất cập.
Công nghệ bảo quản trên tàu cá chưa được chú trọng nên chất lượng thủy sản khai thác thấp, ảnh hưởng đáng kể đến giá trị đầu ra của sản phẩm và thu nhập của người lao động.
Việc quản lý giống cây lâm nghiệp cũng còn bất cập, năng suất và chất lượng rừng trồng vẫn còn thấp.
* Để tạo “cú hích” cho tam nông, trong những năm tới ngành NN&PTNT sẽ có những hướng đi nào, thưa ông?
Ông Huỳnh Tấn Đức: Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp được xác định là nhiệm vụ then chốt trong thời gian đến và là nền tảng xây dựng nông thôn mới bền vững.
Đối với sản xuất lúa, tiếp tục thực hiện chủ trương giảm mạnh các giống dài ngày trong vụ đông xuân và chỉ sử dụng giống trung - ngắn ngày trong vụ hè thu.
Khuyến cáo tăng diện tích sử dụng giống lúa lai ở vụ hè thu để giảm nguy cơ thiệt hại do thời tiết và sâu bệnh.
Tập trung quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn, bắp, đậu phụng để nâng cao giá trị kinh tế và phát triển vững bền.
Tích cực tìm kiếm giải pháp liên kết chuỗi giá trị nhằm duy trì những vùng rau đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Chú trọng đầu tư xây dựng mô hình cánh đồng lớn chuyên sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, các loại hoa màu chủ lực ở những vùng sau dồn điền đổi thửa gắn với kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng và đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ một cách đồng bộ.
Ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị - xã hội nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.
Ngoài việc khẩn trương quy hoạch xây dựng những vùng chăn nuôi tập trung, quan tâm đặc biệt đến chất lượng con giống, chúng tôi sẽ tăng cường tập huấn cho nông dân về kỹ thuật chăn nuôi - thú y để có thể kiểm soát và phòng trừ dịch bệnh ở cơ sở tốt hơn.
Siết chặt công tác thanh tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn tỉnh để xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.
Đối với lâm nghiệp, tập trung phát triển, thâm canh cây lâm nghiệp trên cơ sở chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ lựa chọn giống là khâu đột phá để tăng tỷ lệ giống keo ngoại, cây nuôi cấy mô và phát huy nhân rộng giống cây bản địa có ưu thế trong sản xuất lâm nghiệp gắn với việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tạo sinh kế cho người dân miền núi.
Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực nâng công suất tàu thuyền phục vụ đánh bắt xa bờ và nhân rộng mô hình tổ, đội đoàn kết để tăng hiệu quả sản xuất cũng như hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động trên biển.
Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quang, khu neo đậu tàu thuyền Hồng Triều, cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung Tam Tiến, khu sản xuất giống thủy sản Bình Nam.
Tập trung tổ chức lại sản xuất thông qua những hình thức hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.
Chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và xây dựng chương trình đào tạo nghề nông gắn với các sản phẩm chủ lực cũng như mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, hình thành quỹ khuyến nông để có điều kiện đầu tư xây dựng cánh đồng lớn.
Quan tâm phát triển mạnh kinh tế nông thôn và chú trọng việc xây dựng, chỉ đạo thực hiện bài bản các đề án phát triển sản xuất ở miền núi nhằm giúp đồng bào vùng khó khăn nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Phát triển hệ thống thủy lợi phải theo hướng phục vụ đa mục tiêu, đảm bảo nhu cầu cung cấp nước cho thâm canh cây trồng, nuôi trồng thủy sản.
Cạnh đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế khuyến khích phát triển nông nghiệp - nông thôn để tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới…
* Xin cảm ơn ông!
ĐỘT PHÁ NUÔI TRỒNG
Những năm qua, nhờ thực hiện đồng bộ giải pháp nên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi của tỉnh đã có nhiều bước đột phá, giúp nhà nông nâng cao nguồn thu nhập, góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới.
Sử dụng công cụ sạ hàng trên cánh đồng mẫu giúp nông dân tiết kiệm được lượng giống và công lao động.
Xây dựng cánh đồng mẫu
Nhìn hàng chục bao lúa khô chất quanh nhà, ông Phùng Ngọc Châu ở thôn Trung Nam, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn hồ hởi nói: “Gia đình tôi có 7 sào đất canh tác lúa trên cánh đồng Đất Sét và Lò Bó.
Những năm qua, nhờ nguồn nước tưới từ hồ chứa Trung Lập và đập dâng Ông Đà đảm bảo, sản xuất đúng kỹ thuật, quy trình nên vụ nào cũng bội thu.
Nếu năm 2010 bình quân 1 sào ruộng chỉ gặt được 200kg lúa khô thì bây giờ đã tăng lên 290kg”.
Ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn 7 xã của huyện có 1.200ha đất lúa.
Nhờ chú trọng đầu tư nhiều khâu nên những năm qua nông dân địa phương rất phấn khởi vì liên tục được mùa.
Theo ông Thắng, năm 2015 này năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 47 tạ/ha, tăng 7 tạ/ha so với cách đây 5 năm.
Không riêng gì Nông Sơn, hàng chục nghìn hộ dân ở nhiều địa phương khác cũng có niềm vui được mùa lúa.
Và cái được lớn nhất trong những năm gần đây là ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương đặc biệt chú trọng đến khâu dồn điền đổi thửa, đầu tư xây dựng mô hình cánh đồng mẫu.
Điều này đã giúp nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, có sự liên kết với doanh nghiệp để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Ông Lê Đào - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước (Duy Xuyên) cho biết, trong số 525ha đất lúa của địa phương, 5 năm qua đã có gần 200ha thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa.
Sau khi dồn điền đổi thửa, xã ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ nông dân cải tạo đồng ruộng kết hợp thi công hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng để hình thành nhiều cánh đồng mẫu.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền xã đứng ra làm cầu nối để nhà nông liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống lúa thuần theo phương thức bao tiêu sản phẩm.
Theo ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên, tính đến tháng 11.2015, trong tổng số 3.800ha đất lúa của huyện thì có 2.235ha đã dồn điền đổi thửa.
Nhờ đó, Duy Xuyên đã xây dựng được 15 cánh đồng mẫu chuyên sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng cao, cho thu nhập bình quân mỗi vụ 42 triệu đồng/ha, tăng 10 triệu đồng so với trước đây.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngoài Duy Xuyên, từ năm 2011 đến nay, chính quyền các địa phương khác cũng đã xây dựng được 60 cánh đồng mẫu với tổng diện tích 7.600ha.
“Phần lớn những cánh đồng mẫu, nhà nông chủ yếu liên kết với doanh nghiệp sản xuất hạt giống lúa thuần và lúa lai, hàng vụ thu 55 - 60 triệu đồng/ha, tăng 20 - 50% so với làm thóc thịt.
Không chỉ giá trị kinh tế tăng mạnh, chi phí đầu tư giảm nhiều, điều khiến nông dân phấn khởi nhất là không phải nơm nớp lo chuyện đầu ra của sản phẩm” - ông Muộn nói.
Chăn nuôi hướng hàng hóa
Ngoài việc sản xuất lúa và trồng rừng kinh tế, năm 2010 vợ chồng ông Nguyễn Đình Minh ở thôn Phú Cường 1 (xã Quế Cường, Quế Sơn) quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để phát triển nghề chăn nuôi heo hướng nạc theo phương thức hàng hóa, an toàn dịch bệnh.
Ông Minh nói: “Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm gia đình tôi nuôi 250 - 300 con heo thịt, thu về khoảng 600 - 650 triệu đồng.
Sau khi trừ tiền mua con giống, thức ăn, vắc xin tiêm phòng và hóa chất phun tiêu độc, lãi được 200 - 250 triệu đồng”.
Ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện có 10 trang trại, 150 gia trại chuyên nuôi heo hướng nạc với quy mô vừa và lớn.
Tùy theo số lượng thả nuôi, hàng năm mỗi mô hình có mức lãi ròng 80 - 350 triệu đồng.
Cách đây 9 năm, ông Phan Chín ở thôn Tây An, xã Điện Phong (Điện Bàn) cải tạo 4 sào đất màu trồng cỏ voi nguyên liệu rồi mua 15 con bò nái lai và bò thịt về nuôi.
Nhờ nguồn thức ăn dồi dào, thường xuyên phun hóa chất khử trùng, chủ động tiêm vắc xin phòng những loại dịch bệnh nguy hiểm nên đàn bò của ông Chín phát triển rất tốt.
Ông Chín cho biết, năm 2006 đến nay bình quân mỗi năm ông thu 90 - 100 triệu đồng tiền lãi từ mô hình chăn nuôi bò theo hướng thâm canh.
Nhờ hiệu quả mang lại khá cao nên những năm gần đây nông dân vùng ven của thị xã Điện Bàn dồn mọi nguồn lực đầu tư phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò lai.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay: “Tính đến đầu tháng 11.2015, tổng đàn bò của địa phương ước khoảng 19.000 con, trong đó bò lai chiếm gần 80%.
Theo kết quả khảo sát mới đây, toàn thị xã hiện có 94 gia trại nuôi bò đàn với số lượng từ 12 đến hơn 20 con/mô hình.
Hàng năm, mỗi mô hình thu lãi 100 - 150 triệu đồng.
Có thể khẳng định, đây thực sự là lối mở trong phát triển chăn nuôi hàng hóa ở địa phương và là động lực lớn thúc đẩy kinh tế hộ phát triển một cách nhanh chóng”.
Ngành NN&PTNT cho biết, toàn tỉnh hiện có 71.500 con trâu, 157.000 con bò, 520.000 con heo và 5,7 triệu con gia cầm.
Trong số 157.000 con bò, tỷ lệ bò lai chiếm 47%, cá biệt có một số địa phương như Hiệp Đức, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên… tỷ lệ bò lai chiếm 72 - 80%.
Tính đến tháng 11, trên địa bàn tỉnh có 105 trang trại, 894 gia trại chăn nuôi bò lai, heo hướng nạc và các loại gia cầm với quy mô lớn.
Bình quân hàng năm, mỗi mô hình gia trại mang lại cho người chăn nuôi mức lãi ròng 100 triệu đồng, mô hình trang trại cho thu lãi khoảng 400 triệu đồng… (MAI LINH)
CHUYỂN BIẾN NGHỀ BIỂN
Lĩnh vực khai thác hải sản tiếp tục có bước phát triển, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế, vẫn chưa tương xứng...
Những năm qua, nhờ tiếp cận nhiều nguồn vốn, ngư dân có điều kiện nâng cao công suất tàu thuyền.
Do tàu có công suất nhỏ, ngư lưới cụ thô sơ nên hàng chục năm qua ông Nguyễn Đinh (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) chỉ khai thác hải sản ở gần bờ, vì vậy sản lượng đạt thấp.
Giữa năm 2015, ông Đinh đầu tư 580 triệu đồng nâng công suất tàu lên 420CV.
Từ khi hạ thủy đến nay đã hơn 3 tháng, ông ra khơi 8 chuyến, khai thác cá hố bán được 650 triệu đồng.
Sau khi trừ chi phí xăng dầu, trả công cho những người đi bạn, ông lãi ròng gần 400 triệu đồng.
Cũng như ông Nguyễn Đinh, những năm qua, nhiều ngư dân của tỉnh đã mạnh dạn đóng mới, nâng cấp tàu thuyền để vươn ra ngư trường giàu tiềm năng như Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, giai đoạn 2011 - 2014, số lượng tàu cá của tỉnh có công suất 90CV trở lên tăng 71 tàu/năm so với thời điểm 2006 - 2010.
Theo ông Đức, với 4.232 tàu thuyền (tổng công suất 234.983CV) tham gia khai thác trên biển, năm 2015 ngư dân toàn tỉnh đánh bắt được hơn 77.600 tấn hải sản các loại, tăng 11.000 tấn so với năm 2010.
“Những năm gần đây, nghề khai thác hải sản của Quảng Nam có sự phát triển đúng hướng, mang tính bền vững, đem lại sản lượng và giá trị kinh tế cao, góp phần rất lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm ở các vùng ven biển.
Điều quan trọng nữa là tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - ông Đức nói.
Với 120km bờ biển, ngư trường rộng lớn cùng nhiều loài hải sản có giá trị, Quảng Nam được xem là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, nhất là đánh bắt xa bờ.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong các năm qua vẫn còn khá khiêm tốn.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, muốn tạo “cú hích” mạnh cho ngành khai thác hải sản, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời để ngư dân mạnh dạn đầu tư nâng công suất tàu để vươn khơi bám biển dài ngày.
Đối với việc thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, ông Thịnh đề nghị cần nhanh chóng tháo gỡ một số vướng mắc.
Chẳng hạn như, các ngân hàng cần công khai trình tự thủ tục thẩm định, phương án vay vốn và thông báo sớm những hồ sơ chưa đủ điều kiện vay chứ không nên để quá lâu làm ngư dân phải ngóng chờ.
Ông Thịnh cũng cho rằng, tỉnh cần ưu tiên bố trí kinh phí nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão An Hòa, xây dựng cảng cá loại 1 Tam Quang; nhân rộng mô hình bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn nhằm bảo vệ môi trường sống.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT Thăng Bình chia sẻ: “Thời gian tới huyện sẽ thành lập một số nghiệp đoàn nghề cá ở xã Bình Hải, Bình Nam và các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển, hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển nghề cá.
Ngoài ra, địa phương sẽ mở các lớp đào tạo nghề khai thác thủy sản có hiệu quả cao cho ngư dân và hỗ trợ đầu tư hệ thống bảo quản sản phẩm khai thác nhằm tăng giá trị kinh tế”.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, các cấp, các ngành cần nỗ lực thực hiện có hiệu quả những cơ chế, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền.
Theo định hướng phát triển của tỉnh đối với nghề khai thác hải sản, sẽ ưu tiên các nguồn lực để tiếp tục nhân rộng loại hình tàu đánh bắt xa bờ, hạn chế tối đa việc khai thác ở gần bờ.
Có thể bạn quan tâm
Đang vào đầu mùa lũ, các luồng đáy ở đầu nguồn chạy dính cá linh non, nhưng số lượng không nhiều nên giá rất đắt.
Ngày 23/8, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND thị trấn Phú Đa (Phú Vang) và Chi hội Nghề cá Thủy Định tổ chức thả 15 ngàn tôm sú giống tại Khu bảo vệ thủy sản Vũng Bùn (thị trấn Phú Đa), góp phần bảo vệ NLTS trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Thời gian qua, nghề nuôi tôm tại Quảng Ninh khá phát triển nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, mức độ ảnh hưởng ngày càng rộng. Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm, theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, cơ chế quản lý cộng đồng được coi là một trong những giải pháp quan trọng.
Dư lượng kháng sinh trong NTTS gây nhiều thiệt hại đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường kiểm soát, tuy nhiên vẫn chưa được xử lý triệt để.
Đó là kết luận của Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản III - cơ quan thực hiện đề tài “Nghiên cứu tìm hiểu một số tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng (KST), nấm và vi khuẩn trên cá giống và trứng cá hồi, cá tầm tại Lâm Đồng” vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu chính thức.