Phân Bón Kém Chất Lượng Tung Hoành
Nông dân ở các tỉnh ĐBSCL đã và đang bị các công ty sản xuất và kinh doanh phân bón móc túi trắng trợn bằng cách bán hàng kém chất lượng, hàng giả.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, kế hoạch kiểm tra là không lên lịch, thực hiện đột xuất ngay đầu vụ sản xuất, lấy tất cả mẫu phân vô cơ và hữu cơ mang về kiểm nghiệm. Kinh phí kiểm nghiệm ban đầu sẽ xuất từ kinh phí hoạt động của Sở Công thương.
Trong quá trình đi kiểm tra lấy mẫu nếu phát hiện trưởng đoàn để lộ thông tin là phải chịu trách nhiệm trước giám đốc sở. Khi có kết quả kiểm tra sai phạm đối với phân vô cơ thì Sở Công thương xử phạt, phân hữu cơ thì Sở NN&PTNT xử phạt.
Những “phi vụ” liên tỉnh
Chỉ trong một tuần cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2014, Đoàn thanh tra liên ngành Trà Vinh ra quân kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh phân bón.
Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Trà Vinh đã lấy 37 mẫu phân hữu cơ và vô cơ gởi đi kiểm nghiệm. Kết quả, đã có 5 mẫu phân hữu cơ, 3 mẫu vô cơ không đạt chất lượng so với tiêu chuẩn công bố; 1 mẫu phân giả và một trường hợp kinh doanh phân bón vi phạm nhãn hiệu hàng hóa. Tất cả sản phẩm vi phạm đều do các công ty ngoài tỉnh sản xuất.
Chưa kể là ngay trong đợt ra quân vào thời điểm cuối tháng 8-2014, Đoàn thanh tra Sở NN&PTNT Trà Vinh cũng đã phát hiện 5 mẫu phân hữu cơ không đạt chất lượng so với thành phần công bố trên bao bì. Trong số 5 mẫu kiểm tra không đạt, thì có 3 mẫu của 3 công ty yêu cầu kiểm tra lại và chưa có kết quả.
Theo đó, Sở Nông nghiệp đã chỉ định đơn vị kiểm nghiệm kiểm tra lại các mẫu mà công ty yêu cầu. Từ kết quả thanh tra cho thấy, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón vô cơ đang thâm nhập vào sản xuất phân NPK kém chất lượng để móc túi nhà nông.
Ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cũng đã ký văn bản gởi Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt và Sở NN&PTNT Cần Thơ về việc Đoàn thanh tra Kiên Giang lấy mẫu phân vi sinh xử lý giống 3 siêu (sản xuất ngày 22/2/2014 - HSD 22/8/2014) do Công ty TNHH Siêu Phân Bón, địa chỉ D62, đường 56, KĐT Phú An (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) sản xuất.
Qua kiểm tra hàm lượng Azospirilum - sp: 6,6 x 106; Bacillus 8 x 106. Trong khi đó thành phần công bố trên bao bì Azospirilum - sp:1 x 109; Bacillus 1 x 109. Như vậy, tổng các chất dinh dưỡng đạt 1,46% so với quy định 70% trở xuống là hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng.
Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, Thanh tra Sở NN&PTNT Kiên Giang đã mời đại diện công ty đến làm việc và đã thừa nhận hành vi vi phạm về kinh doanh phân bón “phân vi sinh xử lý giống 3 siêu” hàng giả không có giá trị sử dụng.
Theo đó, Sở NN&PTNT Kiên Giang đề nghị Sở NN&PTNT Cần Thơ có biện pháp, quản lý, kiểm tra nhằm kịp thời ngăn chặn việc trực tiếp đưa sản phẩm ra thị trường gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Từ kiến nghị của Kiên Giang, Thanh tra Sở NN&PTNT Cần Thơ cũng đã tiến hành xác minh địa chỉ trên, nhưng các nguyên vật liệu sản xuất phân kém chất lượng đã tẩu tán đi nơi khác. Tại địa chỉ trên không còn hoạt động.
Đoàn Thanh tra tỉnh Kiên Giang còn phát hiện sản phẩm phân bón lá Humate - HP (lô sản xuất ngày 1/3/2013) do Công ty TNHH MTV Công nghệ sinh học ứng dụng nông nghiệp Hồng Phát (xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) sản xuất phân kém chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Đối, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hậu Giang, thông tin: Sau khi nhận được công văn kiến nghị của Sở NN&PTNT Kiên Giang, đơn vị đã phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh xuống kiểm tra 2 lần (lần đầu đóng cửa), và trực tiếp làm việc với đại diện công ty nhưng phiếu xuất kho và một số phiếu có liên quan về sản phẩm thể hiện với số lượng rất ít, khoảng vài chục chai so với thực tế sản xuất.
Trong khi chờ kết quả điều tra của ngành công an, chúng tôi đã giữ giấy chứng nhận đăng ký sản xuất - kinh doanh nên công ty này hiện không còn hoạt động nữa.
Cần biện pháp chế tài đủ mạnh
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở NN&PTNT Hậu Giang phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành 8 cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch, đột xuất và diện rộng. Qua đó, ngành đã thanh, kiểm tra được 415 công ty, cửa hàng, đại lý vật tư nông nghiệp,…
Các hành vi vi phạm chủ yếu về kinh doanh không đúng ngành nghề đăng ký, sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm chứa chất cấm, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục, giả. Đồng thời, ban hành 36 quyết định xử phạt hành chính, trong đó có 31 quyết định xử phạt bằng tiền, với tổng số gần 150 triệu đồng.
Ngoài ra, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh còn phát hiện và nhắc nhở trường hợp kinh doanh phân bón ngoại nhập không nhãn phụ bằng tiếng Việt với số lượng ít. Theo đánh giá của ngành thanh tra Sở NN&PTNT Hậu Giang, nếu xét về mặt tổng thể thì trường hợp vi phạm trong lĩnh vực phân bón do ngành nông nghiệp quản lý (phân hữu cơ) đã giảm so với cùng kỳ.
Khả năng, thời gian tới, số vụ vi phạm sẽ còn tiếp tục giảm. Khi mà mới đây, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 29 về việc quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất phân bón vô cơ, đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác tại Nghị định số 202 của Chính phủ về quản lý phân bón.
Ông Nguyễn Văn Đối thông tin thêm: Nếu căn cứ theo Thông tư 29 thì trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón hầu như đều do ngành công thương đảm nhận, ngành nông nghiệp chỉ còn quản lý loại phân có chứa thành phần phân bón hữu cơ lớn hơn 5%.
Trong khi số lượng phân này trên địa bàn tỉnh rất ít, ước chiếm tỷ lệ chưa tới 20%. Điều băn khoăn nhất hiện nay là trong công tác chế tài, xử phạt các hành vi vi phạm về sản xuất - kinh doanh sản phẩm phân bón kém chất lượng, giả chưa đủ mạnh. Bởi việc xử lý theo quy định hiện hành là áp dụng thông qua mức khung của tổng giá trị lô hàng thực tế vi phạm.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, cho rằng: Qua đợt ra quân kiểm tra đột xuất việc kinh doanh và sản xuất phân bón trên địa bàn Trà Vinh đã lộ rất rõ cơ chế quản lý chưa nghiêm. Mức phạt đối với một mẫu phân bón kém chất lượng, phân giả là quá thấp chưa đủ sức răn đe.
Để giảm được nạn gian lận thương mại trong việc sản xuất kinh doanh phân bón trong thời gian tới, tôi kiến nghị Bộ Công thương, Chính phủ xem xét có một cơ chế chế tài mạnh đối với những cơ sở sản xuất và rút giấy phép kinh doanh đối với đại lý tiêu thụ hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Chính vì vậy, ngay sau khi có kết quả kiểm nghiệm, Sở Công thương Trà Vinh đã gởi văn bản đến Sở Công thương các tỉnh có công ty sản xuất hàng giả, kém chất lượng để tiến hành kiểm tra và xử lý tại gốc.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm tìm kiếm giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu để thay thế, bổ sung vào bộ giống lúa đang gieo cấy trên địa bàn Thị xã.
“Phát triển lúa chất lượng gắn với chế biến theo chuỗi giá trị hàng hóa” là chủ đề của Diễn đàn Khuyến nông Nông nghiệp được Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) phối hợp Sở NNPTNT Lào Cai tổ chức sáng 9.9
Trung tâm Giống và kỹ thuật cây trồng tỉnh Phú Yên đã tổ chức hội thảo mô hình SX giống lúa cấp siêu nguyên chủng vụ HT 2015.
Để giúp người nuôi bò gia tăng giá trị kinh tế, tránh rủi ro, tỉnh Bến Tre đã triển khai “Tái cơ cấu nghề chăn nuôi bò” từ nay đến năm 2019 bằng dự án phát triển đàn bò sữa trên nền giống lai Sind.
Vụ HT 2015, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) triển khai SX thử giống lúa TBR 225 của Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình (TBS) với quy mô một số xã (mỗi xã 10 ha), được nông dân đánh giá cao.