Chuyện đầu ra của những hộ mới chăn nuôi bò sữa
Nhiều năm qua, tình hình chăn nuôi bò sữa ở Trảng Bàng (Tây Ninh) phát triển khá tốt. Vào năm 2005, trên địa bàn huyện chỉ có 726 con bò, đến nay đàn bò sữa của huyện phát triển được trên 2.900 con, với hơn 250 hộ chăn nuôi.
Sản lượng sữa thu được trên 18,3 tấn/ngày. Theo tính toán của người chăn nuôi, nếu một con bò sữa cho 15kg/ngày và giá bán sữa được khoảng 14.000 đồng/kg, thì mỗi năm một con bò sữa đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi khoảng 37 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí chăn nuôi.
Hiện nay, con bò sữa được đánh giá là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất ở Trảng Bàng. Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện có hai công ty ký hợp đồng và đặt các điểm thu mua sữa, nên việc tiêu thụ sữa tươi của nông dân thuận lợi.
Vào cuối tháng 11.2014, những người chăn nuôi bò sữa ở Trảng Bàng phản ánh hai công ty thu mua sữa trên địa bàn là Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty Friesland Campina Việt Nam không tiếp tục ký hợp đồng với những hộ mới phát triển chăn nuôi bò sữa. Từ đó làm cho 51 hộ mới phát triển chăn nuôi bò sữa (với 314 con bò, trong đó có 75 con đang cho sữa) gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sữa.
Trước tình hình đó, UBND huyện có công văn gửi đến hai công ty thu mua sữa, đồng thời báo cáo với UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT). Ngày 13.1.2015, lãnh đạo Sở NN-PTNT có buổi làm việc với UBND huyện và trực tiếp liên hệ với lãnh đạo hai công ty thu mua sữa nêu trên.
Nhưng hai công ty này không đồng ý ký hợp đồng thu mua sữa với những hộ mới phát triển chăn nuôi bò sữa, với lý do là đang củng cố lại chất lượng sữa và do người chăn nuôi mới phát triển không đăng ký trước với công ty.
Sau đó, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN-PTNT trực tiếp đến các điểm thu mua sữa để thu thập tài liệu, danh sách người bán sữa thì phát hiện Công ty Vinamilk đã ký hợp đồng với 183 hộ, trong đó có 87 hộ ngoài tỉnh Tây Ninh (xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh).
Ngày 5.5.2015, Phòng NN-PTNT huyện Trảng Bàng tiếp tục kiến nghị với Công ty Vinamilk ký hợp đồng tiêu thụ sữa với những hộ mới phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện, và đưa các hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Phước Thạnh về trạm thu mua sữa tại xã Phước Thạnh.
Ngày 11.5.2015, Công ty Vinamilk có công văn phúc đáp Phòng NN-PTNT huyện Trảng Bàng. Nội dung công văn cho biết, hiện tại Vinamilk có 2 trạm trung chuyển đang xây dựng mới tại khu vực Trảng Bàng và vùng lân cận. Gồm một trạm tại xã Hưng Thuận (Trảng Bàng), dự kiến hoạt động vào tháng 7.2015, sẽ đáp ứng một phần việc thu mua sữa trên địa bàn huyện.
Một trạm tại xã Phước Thạnh (Củ Chi), dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 8.2015. Trạm này sẽ nhận những hộ thuộc huyện Củ Chi, hiện tại đang giao sữa cho trạm thu mua sữa Kiều Văn Đông (ấp An Bình, xã An Tịnh, Trảng Bàng).
Từ đó, trạm Kiều Văn Đông sẽ tăng khả năng tiếp nhận sữa đối với những hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Trảng Bàng. Trong công văn, Công ty cổ phần sữa Việt Nam có đề nghị Phòng NN-PTNT và các cơ quan chức năng huyện chỉ đạo các bên có liên quan: các công ty thu mua sữa tại khu vực phải tuân thủ các hợp đồng ký kết với nông dân chăn nuôi bò sữa về sản lượng thu mua, giá thu mua.
Việc phát triển chăn nuôi bò sữa phải được các cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát trên cơ sở phát triển có quy hoạch, có kế hoạch gắn với nhu cầu chế biến của các công ty chế biến sữa.
Người mới phát triển chăn nuôi bò sữa phải được đào tạo, huấn luyện nhằm sản xuất sản phẩm sữa đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả và bền vững. Hỗ trợ các trạm trung chuyển của Vinamilk, hoàn tất các thủ tục xét và cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, để bảo đảm an toàn quy trình thu mua sữa của các trạm trung chuyển trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm
Lạng Sơn có 6 loại cây ăn quả mũi nhọn trong giảm nghèo và làm giàu là na, hồng, quýt, đào, nhãn, vải thiều. Các chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã giúp nhiều hộ nông dân xứ Lạng mở rộng diện tích, cải tạo vườn cây ăn quả.
Trong thời gian 3 tháng, học viên học lý thuyết về cách chọn giống, làm đất, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hành, tỏi, ớt, và kiệu để sản xuất theo hướng VietGAP. Học viên cũng được thực hành mô hình trồng ớt hiểm lai F1 trên diện tích 500m2 vụ thu - đông năm 2014.
Gần 100 gian hàng thương nghiệp phục vụ nhu cầu thiết yếu trong sản xuất và đời sống của nông dân đã được quy tụ tại chợ phiên nông sản, phiên chợ hàng Việt và ngày hội văn hoá, thể thao nông dân Củ Chi lần thứ VII năm 2014.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xác định phát triển sản xuất là một tiêu chí quan trọng, nên trong gần 4 năm qua ngành khuyến nông đã tiến hành xây dựng được trên 9.000 mô hình sản xuất có hiệu quả.
Gạt những giọt mồ hôi còn đọng lại sau khi thu những bao lúa từ ngoài đồng về nhà, ông Vi Văn Thắng ở xã Đông Thành, huyện Thanh Ba hồ hởi: Năm nay là năm đầu tiên tôi tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, thấy kết quả cũng khá khả quan.