Hiệu Quả Cao Từ Chăn Nuôi Bò Sữa Ở Khoái Châu (Hưng Yên)
Mô hình chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Khoái Châu (Hưng Yên) được bắt đầu phát triển từ năm 2003 với sự hỗ trợ theo chương trình đề án chăn nuôi bò sữa của tỉnh, triển khai tại các xã vùng màu, vùng bãi, vùng bối. Tuy nhiên, sau một thời gian đàn bò sữa trên địa bàn huyện bị giảm do một số con bị ốm không chữa được, do đẻ khó, một số con sau khi nuôi bị vô sinh, sữa kém nên phải loại thải. Thị trường tiêu thụ sữa gặp khó khăn, giá sữa xuống thấp trong thời gian dài, người chăn nuôi bò sữa được lãi thấp, thậm chí bị thua lỗ nên một số hộ đã bán bò để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng.
Cùng thời điểm, giá bò lai sind giá lên cao, lãi nhiều, chăn nuôi lại đơn giản hơn bò sữa, nhiều hộ giảm bò sữa chuyển sang chăn nuôi bò lai sind, lấy giống cho bò sữa bằng bò lai sind. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ thú y còn mỏng, thiếu kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh và thụ tinh nhân tạo; giá đầu vào như thức ăn tinh, công lao động, thuốc thú y... tăng cao trong khi giá sữa lại thấp và kéo dài, làm cho chăn nuôi lãi ít hoặc không lãi nên ngày càng khó khăn hơn. Năm 2005 tổng đàn bò sữa của huyện đã phát triển lên 608 con, sau đó giảm mạnh vào năm 2007 chỉ còn 219 con. Không chịu lùi bước trước khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi bò sữa vẫn kiên trì bám trụ và đã thành công.
Ông Đỗ Bá Nghĩa ở xã Đông Kết nhớ lại: Năm 2001 khi tỉnh và huyện chưa triển khai đề án chăn nuôi bò sữa, gia đình ông đã tự bỏ tiền mua bò sữa về nuôi, khi đó giá mỗi con 15 triệu đồng, tương đương 3 cây vàng/con. Đến năm 2003, khi triển khai thực hiện đề án chăn nuôi bò sữa của tỉnh và của huyện, ông mua thêm 4 con với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/con. Đầu tư lớn nhưng vì ban đầu còn thiếu kinh nghiệm và thời điểm giá sữa thấp nên nhiều hộ chán nản vì lỗ vốn, có hộ dùng sữa để tưới cây. Không nản lòng, gia đình ông vẫn kiên trì giữ lại đàn bò nên đã thành công. Thời gian gần đây giá sữa cao, dễ tiêu thụ nên chăn nuôi bò sữa có lãi cao.
Hiện gia đình ông nuôi 5 con bò sữa, trong đó 4 con đang cho khai thác sữa, mỗi ngày khai thác được 75 - 80 kg sữa, bán ngay cho chủ thu mua tại xã với giá 12.500 đồng/kg sẽ thu được gần 1 triệu đồng/ngày, trừ tất cả chi phí còn lãi từ 50% trở lên. Bằng kinh nghiệm nhiều năm của mình, ông Nghĩa cho rằng chăn nuôi bò sữa vào thời điểm này là cực kỳ hiệu quả đối với nhà nông. Năm 2012, mô hình đồng cỏ ở Ba Vì (Hà Nội) về khảo sát mô hình chăn nuôi bò sữa ở xã, đã hỗ trợ ông Nghĩa 20 triệu đồng, điều đó làm cho người chăn nuôi càng thêm phấn khởi. Còn ông Đào Quang Xuân ở xã Tân Châu kể: Năm 2000 ông mua 4 con bò sữa về nuôi. Thời điểm đó tỉnh chưa triển khai thực hiện đề án chăn nuôi bò sữa, ông là một trongnhững người đầu tiên ở Hưng Yên mua bò sữa về nuôi.
Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, ông trồng 2 mẫu cỏ gồm đất của gia đình và thuê. Do nắm chắc kỹ thuật nên đàn bò của gia đình khỏe mạnh và sinh sản tốt, có thời điểm nhiều nhất lên tới 16 con. Trong số đó, thường xuyên có từ 6 đến 7 con cho khai thác sữa với sản lượng sữa bình quân mỗi năm đạt từ 25 đến 28 tấn, trừ chi phí lãi hàng trăm triệu đồng, không kể bê con được đẻ ra. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Xuân luôn sẵn lòng hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm để các hộ chăn nuôi bò sữa có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Từ mô hình chăn nuôi bò sữa đầu tiên là gia đình ông Đào Quang Xuân, nhiều hộ dân ở xã Tân Châu đã học tập làm theo.
Vài năm trở lại đây, đàn bò sữa của huyện Khoái Châu có xu hướng phát triển mạnh, tập trung nhiều ở các xã Bình Minh, Dạ Trạch, Hàm Tử, Ông Đình, Liên Khê, Tân Châu, Đông Kết, An Vỹ. Theo ông Nguyễn Thanh Quyết, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Về khách quan, ở Khoái Châu có trên 50% diện tích chân màu và nửa lúa, nửa màu cộng với có 21,048 km đê chính sông Hồng và 11,3 km đê, 600 ha trồng chuối là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn bò. Trong quá trình chăn nuôi đến nay các hộ đã tự loại thải những con bò không đạt yêu cầu và những con có sản lượng sữa thấp để giữ lại hoặc thay thế bằng những con bò cho sản lượng sữa cao.
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, phòng dịch được bảo đảm, đặc biệt là thời gian gần đây giá sữa tăng cao, tiêu thụ dễ dàng, cộng với chính sách hỗ trợ của huyện nên bò sữa đã và đang phát triển mạnh, khả năng cho khai thác sữa cao. Đến nay đàn bò sữa có 475 con, trong đó khoảng 400 con đang chửa và cho khai thác sữa, tổng lượng sữa mỗi ngày khoảng 4,5 tấn. Năm 2010 tổng sản lượng sữa toàn huyện đạt 1.200 tấn, thu được 14 tỷ đồng thì năm 2012 đạt hơn 1.600 tấn, với giá bán trung bình 12.500 đồng/kg, các hộ chăn nuôi bò sữa thu được khoảng 20 tỷ đồng, chưa kể nguồn thu từ bán bê con đẻ ra.
Để đạt được mục tiêu phát triển đàn bò sữa có 1000 con vào năm 2015, góp phần nâng cao giá trị thu nhập và tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp, huyện Khoái Châu đã xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển chương trình chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2011 – 2015. Theo đó, giai đoạn 2011 – 2015 quy hoạch vùng chăn nuôi bò sữa gồm 15 xã: Bình Minh, Đông Tảo, Dạ Trạch, Hàm Tử, Ông Đình, Tân Dân, An Vỹ, Bình Kiều, Tứ Dân, Đông Kết, Liên Khê, Đông Ninh, Tân Châu, Đại Tập, thị trấn Khoái Châu. Huyện hỗ trợ mỗi con bò, bê sữa mua mới hoặc bê sữa cái mới được sinh ra trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2013 (sau ngày thống kê số lượng bò sữa năm 2011 của liên ngành nông nghiệp - thú y) nuôi đến khi được vắt sữa được hỗ trợ với mức là 1,5 triệu đồng/con.
Năm 2014 mỗi con bê cái đẻ ra nuôi có chửa được vắt sữa hỗ trợ 700.000 đồng/con và hỗ trợ liều tinh bò sữa chất lượng cao trong 5 năm. Tổng kinh phí hỗ trợ của chương trình là 1,63 tỷ đồng. Ngoài phần hỗ trợ của huyện nói trên, các hộ tham gia chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa của huyện còn được Công ty Cổ phần sữa Quốc tế hỗ trợ về tài chính để phát triển đàn bò sữa theo hình thức vay vốn trả dần qua tiền bán sữa cho công ty. Giai đoạn năm 2011 - 2015, công ty hỗ trợ mua thêm 1000 - 2000 con bò sữa, nhưng năm sau tiếp tục hỗ trợ tài chính để phát triển tăng đàn. Cam kết tiêu thụ toàn bộ, ổn định, lâu dài nguồn nguyên liệu sữa tươi có trên địa bàn huyện. Hỗ trợ đầu tư hệ thống thiết bị thu gom, bảo quản, vận chuyển sữa tươi khép kín trên địa bàn và một số chính sách hỗ trợ về kỹ thuật khác như tập huấn kỹ thuật chăm sóc, vắt sữa và phòng trị bệnh cho đàn bò.
Với những lợi thế về nguồn thức ăn cùng với chính sách hỗ trợ của huyện và doanh nghiệp, nhất là giá sữa cao, dễ tiêu thụ như hiện nay, nông dân huyện Khoái Châu như được tiếp sức thêm để phát triển chăn nuôi bò sữa.
Có thể bạn quan tâm
Nguyên nhân gây tôm sú và tôm thẻ chân trắng chết sớm xảy ra hàng loạt ở các tỉnh thời gian qua do Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS), trong đó có nhiễm vi khuẩn Vibrio.
Công ty TNHH giống cây trồng Kim Hưng Phú đầu tư hơn 260 triệu đồng, trồng 25.000 gốc dưa giống Hoàng Kim và Tú Thanh, trên 2ha đất thuê của nông dân thôn Tuấn Tú, xã An Hải , huyện Ninh Phước.
Hình thành từ năm 1990, Tam Nông (Đồng Tháp) là địa phương có vùng nuôi cá lóc sớm nhất và nhiều nhất của tỉnh. Năm 2012, toàn huyện có 52 hộ nuôi cá lóc với diện tích 60ha, sản lượng gần 14.000 tấn, tập trung nhiều nhất ở xã Phú Thọ gần 30ha, trở thành làng nghề truyền thống của huyện.
Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân xóm 13 phường Ỷ La Thị xã Tuyên Quang đã tích cực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi gà thịt và vịt đẻ trứng...
Dù bị nghiêm cấm nhưng hiện nay, trên nhiều vùng nông thôn ở tỉnh Quảng Trị vẫn tồn tại nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Tình trạng đánh bắt mang tính hủy diệt này đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, hủy diệt môi sinh, tận diệt nguồn lợi thủy sản trên các sông ngòi, kênh rạch và đồng ruộng.