Phải xóa mù công nghệ cho nông dân
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc xóa mù công nghệ cho người dân, cộng với tăng cường năng lực cho các cơ quan BVTV, cơ quan khuyến nông và tăng cường hiệu quả tuyên truyền, là rất quan trọng để quản lý vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP).
Cả xã hội quan tâm
Tại cuộc họp các nhà tài trợ và cơ quan liên quan của Việt Nam để bàn về những vấn đề cần hỗ trợ và khả năng hợp tác quốc tế trong quản lý ATTP tại Việt Nam vào chiều qua (24/6), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì và chia sẻ những ý kiến rất tâm huyết của mình về vấn đề quản lý ATTP ở Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2009 - 2015, các nhà tài trợ cho Bộ NN-PTNT thực hiện một số dự án để nâng cao chất lượng ATTP. Các dự án này đã góp phần tăng cường khung pháp chế và hệ thống an toàn chất lượng sản phẩm nông nghiệp, cải thiện năng suất, vệ sinh môi trường và chăn nuôi an toàn theo chuỗi giá trị sạch từ trang trại đến bàn ăn. Từ đó nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi...
Tuy nhiên, chất lượng VSATTP, những nguy cơ do thực phẩm kém chất lượng, nguy cơ dịch hại trên cây trồng và vật nuôi, từ tồn dư hóa chất trên cây trồng và vật nuôi đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đời sống của nhân dân và sức cạnh tranh của các sản phẩm này trên thị trường quốc tế. Đây là một thách thức lớn trong công tác quản lý.
Theo ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi cộng đồng quốc tế nối lại viện trợ chính thức cho Việt Nam năm 1993 đến nay, các đối tác phát triển đã hỗ trợ cho chúng ta 12 dự án trong vấn đề ATTP, trong đó có 7 dự án do Bộ NN-PTNT làm đơn vị chủ quản, 3 dự án do Bộ Y tế làm đơn vị chủ quản và 2 dự án thuộc quy mô cấp tỉnh với tổng số 216 triệu USD.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chia sẻ: Thực phẩm có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, đặc biệt là vấn đề tồn dư kháng sinh, thuốc trừ sâu. Nó cũng liên quan trực tiếp đến thương mại quốc tế.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chia sẻ: ATTP được cả xã hội quan tâm, không phải vì báo chí liên tục thông tin về những ca ngộ độc thực phẩm. Hãy hỏi những người thuộc tầng lớp trung lưu ở Việt Nam rằng, trong nhà họ có chiếc máy lọc nước riêng không? Có đến các cửa hàng rau sạch để mua không? Tôi nghĩ đa phần câu trả lời là có. Nhiều người thành thị phải tìm cách liên hệ với người thân ở quê nhà để có nguồn cung cấp thực phẩm riêng. Đấy là sự thật.
Câu chuyện 2 luống rau
“Cá nhân tôi đã trực tiếp đi thăm các khu SXNN ở ngoại thành Hà Nội, Bắc Ninh và các tỉnh lân cận thì thấy các hộ dân có 2 luống rau. Luống cho mình và luống để bán. Luống của mình thì xấu hơn, luống để bán thì xanh hơn, mỡ màng hơn. Không phải tất cả đều thế, nhưng không phải hiếm gặp”, Phó Thủ tướng nói.
Vấn đề cốt lõi nằm ở đâu? Phó Thủ tướng cho rằng, cả thế giới đều đã từng gặp phải tình cảnh như Việt Nam, nhưng thời điểm đó cách nay mấy chục năm rồi.
Ông cũng kể chuyện, khi ông làm lãnh đạo ở một tỉnh có đường biên giới rất dài và biết rằng, một lượng không nhỏ thuốc BVTV, hóa chất kích thích sinh trưởng cây trồng, vật nuôi và gia vị thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được tuồn sang Việt Nam bằng đường mòn, đường sông. Và lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.
Theo Phó Thủ tướng, tại những vùng SX nông sản xuất khẩu, SX theo quy mô hàng hóa và đưa vào hệ thống các siêu thị lớn thì vấn đề kiểm soát ATTP cơ bản tốt. Cái khó nhất là quản lý ATTP cho tiêu dùng cá nhân, không qua kênh siêu thị như các chợ nhỏ lẻ.
Ở Anh cũng vậy, thực phẩm trong siêu thị giá đắt hơn và chất lượng tốt, còn chợ bán thực phẩm cho người nghèo hơn thì không tốt bằng. Nhưng ở “xứ sở sương mù” rất hiếm chợ nhỏ lẻ, còn Việt Nam thì ngược lại, 80% thực phẩm được tiêu thụ qua kênh này. Chỉ có 20% thực phẩm tiêu thụ qua siêu thị. Do đó, việc kiểm soát ATTP của Việt Nam phải nhắm trọng tâm vào các chợ nhỏ lẻ.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc xóa mù công nghệ cho người dân, cộng với tăng cường năng lực cho các cơ quan BVTV, cơ quan khuyến nông và tăng cường hiệu quả tuyên truyền, là rất quan trọng. Bên cạnh đó, ở chính sách vĩ mô, phải đẩy nhanh hệ thống phân phối theo chuỗi. Kinh nghiệm cho thấy, khi hàng hóa vào siêu thị thì sẽ được quản lý chất lượng tốt hơn. |
“Có một người bạn quốc tế nói với tôi xử lý vấn đề này đơn giản lắm, cứ xử phạt thật nặng, thật nghiêm là được. Nhưng, đặc thù ở Việt Nam rất khó áp dụng, mà quan trọng là phải giáo dục, tuyên truyền. Tuyên truyền không phải là cứ đăng bài lên báo, lên sách,… mà cốt yếu nhất là phải xây dựng được hệ thống thử và cảnh báo chất lượng thực phẩm tại các chợ cho người tiêu dùng”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Một vấn đề nhức nhối khác liên quan đến chuyện tổ chức SX được Phó Thủ tướng bàn luận, đó là: Việt Nam có khoảng 9 triệu hộ dân SX nhỏ lẻ, manh mún. Tôi cũng sống ở nông thôn và tôi thấy nông dân tiếp nhận thông tin chủ yếu thông qua truyền miệng, có thể thông qua cán bộ khuyến nông, cán bộ BVTV, người bán thuốc hay các Cty phân phối vật tư đầu vào… Nhưng chủ yếu là họ rỉ tai nhau, thấy ông này bón tốt tôi cũng bón, thậm chí bón nhiều hơn, vì thế, mối nguy đầu vào trong SXNN là rất lớn.
Ở Việt Nam, mỗi địa phương đều thiết lập các thiết chế văn hóa như Trung tâm giáo dục thường xuyên, bưu điện văn hóa xã. Phải giáo dục để nông dân sử dụng tốt công nghệ thông tin. Họ có thể vào mạng giao tìm kiếm thông tin, giao lưu trực tuyến, đặt câu hỏi trực tiếp với các chuyên gia, nhà khoa học. Phải mang kiến thức căn bản, phổ quát, dễ hiểu, thực tế về khoa học công nghệ về nông thôn thì mới hiệu quả.
Điều này UNESCO đã làm rất hay, đó là chương trình “Học cho người lớn” hay “Xóa mù về công nghệ cho nông dân”. Do vậy, Phó Thủ tướng cho rằng nếu các nhà tài trợ quốc tế quan tâm thì có thể chung sức vào đây, có thể gọi nôm na là chương trình “Xóa mù chữ về công nghệ cho người nông dân” để đảm bảo VSATTP.
“Cách đây chưa đầy 2 tháng, tôi đã từng phải mời đại diện tất cả các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cùng ngồi với tôi, với lãnh đạo các Bộ để nói về vấn đề giáo dục, để tăng cường nói với những giáo đồ của mình về vấn đề VSATTP. Và tôi rất ngạc nhiên. Các chư vị nói rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam các tôn giáo được ngồi với nhau, để thay đổi một thói quen SX và tiêu dùng cho người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Cư M'gar (Dak Lak) có 802,5 ha hồ tiêu, chủ yếu được trồng xen canh và một số ít được trồng độc canh; trong đó có 530 ha đang trong giai đoạn kinh doanh. Theo số liệu tổng hợp của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, hiện có khoảng 20 ha diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm nhiều diện tích cây tiêu đã bị chết, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất của người trồng tiêu.
Hai năm nay, giống gà H'mông đã được "khai sinh, lập trại" tại vùng đất Sơn Hà, Sơn Tây. Nhiều gia đình nông dân Hrê nơi đây tiếp thu kiến thức mới, đầu tư công sức vào nuôi giống gà này với mong ước đổi đời.
Cụ thể, tại xã Đắk Sin (Đắk R'lấp), ốc bươu vàng xuất hiện với mật độ cao, có một số diện tích lên tới 50 - 70 con/m2 và đã làm hơn 200m2 lúa bị ốc bươu vàng cắn phá trắng.
Ngày 26/5, theo thông báo nhanh của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), trong thời gian gần đây, nạn sùng trắng đã phát sinh và gây hại trên nhiều loại cây trồng của huyện này như mía, tiêu, ca cao, khoai lang, cà phê, măng cụt, khoai mỳ, cao su, mít...; địa bàn bị sùng trắng gây hại nhiều nhất là 3 xã Đạ Tồn, Đạ P'loa và Đạ M’ri.
Ngoài ra, nhiều hộ cũng dành dụm đất trồng các loại cỏ làm thức ăn cho trâu vào mùa khô. Mỗi năm nông dân xã Đắk D'rông bán cho các địa phương khác trung bình từ 300 đến 500 con nghé, 200 trâu kéo và 300-400 trâu thịt thu về hàng chục tỉ đồng.