Ớt Mất Mùa, Mất Giá
Nông dân TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang bước vào thu hoạch rộ vụ ớt chính vụ, song kém vui vì ớt mất mùa, mất giá.
Chúng tôi về Ninh Thọ, TX Ninh Hòa những ngày này, khi các cánh đồng lúa 1 vụ và những vùng đất chân cao nông dân trồng ớt đã bước vào mùa thu hoạch rộ. Không khí thu hoạch ớt trên ruộng rất khẩn trương, cứ 3 - 4 ngày nông dân lại hái ớt bán cho các vựa.
Đang thu hoạch ruộng ớt cho trái chín đỏ rực, chị Đỗ Thị Thắm, thôn Bình Sơn, xã Ninh Thọ cho biết: “Nhìn ruộng ớt chín đỏ như vậy thôi, chứ năm nay ớt nhà tôi mất mùa.
Nguyên nhân là thời tiết nắng hạn kéo dài, cây ớt bị héo trong thời kỳ ra bông nên cho quả không nhiều như năm. Mà không chỉ vườn ớt nhà tôi, nhiều vườn ớt khác của bà con trong xã đều mất mùa, giảm năng suất”.
Chị Thắm còn cho biết thêm, năm nay gia đình chị đầu tư trồng 7 cây bạt ớt, tương đương 7.000 cây. Gần 1 tháng nay gia đình chị thu hoạch 3 đợt quả chỉ được 3,5 tạ, trong khi năm ngoái cũng trồng chừng ấy diện tích, thu hoạch lên đến hàng tấn ớt.
Tuy nhiên, điều chị lo lắng hơn là giá ớt hiện nay được các vựa thu mua không ổn định và chỉ ở mức thấp. Giá ớt trước khi vào vụ được thu mua dao động ở mức từ 18.000 - 20.000đ/kg, nhưng chỉ được vài ngày thì giá tiếp tục giảm xuống, hiện chỉ còn 13.000 - 17.000đ/kg (tùy loại).
So với năm ngoái giá chỉ bằng 1/3, trong khi chi phí đầu tư năm nay mọi thứ đều tăng cao, nên trừ tất cả chi phí nông dân không có lãi mấy, thậm chí thua lỗ nếu thuê đất trồng ớt.
Còn ông Đoàn Văn Minh, thôn Ninh Điền, người cùng xã cho biết: "Năm ngoái, giá ớt từ 40.000 - 51.000đ/kg, năm nay giảm xuống còn 14.000 - 17.000đ/kg nên lợi nhuận thấp, mặc dù ớt của gia đình tôi đạt năng suất cao hơn các hộ xung quanh".
Theo ông Minh, năm nay chi phí đầu tư cho 4 cây bạt, trồng 4.000 cây ớt, gia đình ông tốn 20 - 24 triệu đồng, chưa kể công thu hoạch và chăm sóc. Dự kiến vụ ớt năm nay nhà ông thu khoảng 4 tấn.
Trao đổi với NNVN, ông Đỗ Công Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Thọ cho biết, những năm gần đây, cây ớt mang lại lợi nhuận cao cho bà con, đặc biệt vụ năm 2013.
Tuy nhiên, bước sang đầu năm 2014 cho đến nay, giá ớt bắt đầu giảm xuống nên nông dân không trồng nhiều như mọi năm.
Hiện bà con đã thu hoạch xong đợt đầu, năng suất ước đạt từ 3 - 4 tấn/ha, giảm 1 tấn/ha so với năm trước. Với giá ớt thấp như hiện nay nông dân thu hoạch chỉ lấy công làm lời.
Bà Đoàn Thị Huệ, chủ vựa ớt Bé Hải, xã Ninh An cho biết, năm nay nông dân trồng ớt rất khó kỳ vọng đạt mức tương đương cùng thời điểm năm trước.
Bởi cây ớt không chỉ các tỉnh miền Trung trồng được mà các tỉnh miền Nam và một số tỉnh phía Bắc cũng trồng nhiều và đồng loạt thu hoạch cùng thời điểm, dẫn đến cung vượt cầu. Trong khi đó ớt chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, mà thị trường này rất bấp bênh.
Giống ớt chủ yếu người dân nơi đây trồng là giống ớt “hai mũi tên đỏ”. Đây là giống dễ trồng mà năng suất lại cao hơn những loại ớt khác. Chỉ 3 tháng trồng là bắt đầu thu hoạch. Theo phòng Kinh tế TX Ninh Hòa, toàn TX có 350 ha ớt, tăng 100 ha so với năm trước.
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay toàn tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch diện tích lúa Hè Thu được 119.723/300.997 ha, chiếm 39,78% diện tích gieo sạ. Năng suất thu hoạch bình quân ước đạt 5,85 tấn/ha. Trong đó, huyện Tân Hiệp đã thu hoạch xong 36.655 ha, đạt 100% diện tích gieo sạ, năng suất bình quân đạt khá cao, đạt 6,5 tấn/ha và huyện Giồng Riềng đã thu hoạch được 44.960/46.511 ha, đạt 96,66% diện tích gieo sạ, năng suất bình quân đạt 5,7 tấn/ha.
Diện tích ca cao trong tỉnh Bến Tre còn không nhiều, từ trên 10.000ha nay giảm còn trên dưới 2.500ha. Hiện nay, ngoài kỹ thuật trồng, chăm sóc chưa đúng thì yếu tố sâu hại là vấn đề rất đáng lo ngại.
Thời gian qua, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng xác định sản xuất nông nghiệp là kinh tế chủ yếu, trong đó lúa là cây trồng chủ lực; Vì vậy, huyện đã tập trung thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đầu tư cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng mô hình cánh đồng lúa lớn, giúp nông dân liên kết sản xuất, có đầu ra ổn định.
Mặc dù tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều biện pháp duy trì và phát triển vùng nguyên liệu mía, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, diện tích mía trong tỉnh đang bị giảm mạnh.
Thời gian qua, nhận thấy trồng cây ăn trái theo kiểu manh mún nhỏ lẻ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đã tích cực vận động các nhà vườn tăng cường liên kết, thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX) cây ăn trái. Sự ra đời của các tổ chức kinh tế tập thể này đã và đang hứa hẹn sẽ giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ trái cây của nhà vườn trên địa bàn huyện.