Ông Văng Thành Trưởng xử lý sầu riêng nghịch vụ thu lãi cao

Trước đây, gia đình ông Trưởng sống ở xã Ngũ Hiệp, nhà nghèo, đông anh em, đất canh tác ít. Năm 1987, ông lập gia đình, được cha mẹ cho 2 công đất trồng nhãn tiêu Huế, do không có kỹ thuật canh tác, hàng năm nhãn cho năng suất thấp, cuộc sống khó khăn, ông đi làm thuê, để kiếm tiền trang trải chi tiêu trong gia đình.
Đến năm 2000, vợ chồng ông Trưởng bán 2 công đất trồng nhãn và mua 4 công đất ruộng ở ấp Hiệp Phú, xã Ngũ Hiệp. Trên phần đất mới, ông lên liếp trồng 80 gốc sầu riêng Ri6, thời gian đầu, sầu riêng còn nhỏ, ông tận dụng đất trống trồng chen chuối cao, lấy ngắn nuôi dài.
Nhờ cần cù, chịu khó chăm sóc, nên vườn sầu riêng của ông mỗi năm cho năng suất khá cao và bán được giá, cuộc sống gia đình được cải thiện hơn. Với vốn tích lũy được, ông Trưởng mua thêm đất, đến nay ông đã có 11 công vườn trồng sầu riêng Ri6.
Bên cạnh đó, ông Trưởng tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức, học hỏi kinh nghiệm trên báo, đài và các nhà vườn sản xuất hiệu quả, nhờ vậy mà vườn sầu riêng phát triển tốt, ít sâu bệnh. Khi sầu riêng bắt đầu cho trái, để tránh hàng dội chợ, bị thương lái ép giá, ông chủ động xử lý cho cây ra hoa trái vụ bằng cách sau mỗi vụ thu hoạch, ông tỉa những cành, chồi thừa, chú trọng bón phân chuồng, hữu cơ, sinh học... đồng thời, ông phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, dưỡng lá, giúp cây phục hồi và ra đọt non đồng loạt.
Ông Văng Thành Trưởng chia sẻ: "Vào tháng 4 âm lịch, khi cây ra đủ 3 cơi đọt, lá chuyển sang lụa, tôi đào hộc xung quanh gốc sầu riêng để khống chế bộ rễ, dùng màng nylon phủ kín gốc, điều tiết nước cạn trong mương kết hợp phun thuốc kích thích, giúp cây ra hoa. Khoảng 1 tháng hoa ra nhụy, tôi dùng chổi thụ phấn nhân tạo, phun thuốc định kỳ, bón phân nuôi trái, tỉa bỏ trái xấu, để cây mang trái vừa đủ, hạn chế cây suy yếu. Khoảng tháng 9 âm lịch cây cho thu hoạch, thời điểm này sầu riêng ít, thương lái đến tận vườn mua, giá trung bình 55.000 đồng/kg".
Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật, vụ sầu riêng nghịch năm nào ông Trưởng cũng trúng mùa, trúng giá, năng suất đạt 15 tấn/năm, sau khi trừ chi phí ông thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình ông có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng, xây được nhà ở khang trang, nuôi dạy các con ăn học. Nhiều năm liền, gia đình ông Văng Thành Trưởng được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa" và "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi" các cấp.
Ngoài ra, ông còn nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm xử lý sầu riêng nghịch vụ cho bà con, tích cực tham gia vào các chương trình phúc lợi xã hội, để cùng với chính quyền, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, trên những trang quảng cáo của các báo và mạng Internet xuất hiện thông tin về một giống dừa tên gọi dừa xiêm dây siêu trái.

Theo kế hoạch năm 2015, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ thả nuôi 5.700 ha thủy sản các loại, trong đó có 4.100 ha nuôi tôm nước lợ. Tính đến cuối tháng 8, toàn huyện đã thả nuôi 4.290 ha tôm sú và tôm thẻ, vượt kế hoạch hơn 190 ha, do có một phần diện tích bà con thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, tập trung nhiều ở xã Tài Văn và Đại Ân 2.

Hiện nhiều vựa cua trên địa bàn An Giang và Đồng Tháp lo lắng do lũ kém, mưa ít nên sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nên luôn sốt giá.

Chế biến và nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Các cấp, các ngành, các chuyên gia về môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giúp địa phương giải quyết vấn đề này một cách lâu dài và bền vững.

Khi nghe lãnh đạo xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết hộ ông Lê Minh ở thôn Đông Lâm mỗi năm xuất bán 2 triệu con cá giống, hơn 300 tấn cá thịt thương phẩm và hàng chục con bò, tổng doanh thu 12 - 14 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 1,3 - 1,5 tỷ đồng, ai trong chúng tôi cũng bán tín bán nghi.