Ông Nguyễn Thiện Nhân Thăm Một Số Mô Hình Nuôi Tôm Ở Bạc Liêu
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bạc Liêu nhanh chóng xây dựng mô hình phát triển các hộ gia đình nông dân với quy mô nhỏ.
Ngày 31/1, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đi khảo sát một số mô hình nuôi tôm theo công nghệ mới tại Bạc Liêu. Đó là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt – Úc và công ty Hải Nguyên. Đây là 2 doanh nghiệp hiện đang sở hữu những công nghệ và quy trình nuôi tôm có năng suất rất cao.
Tập đoàn Việt - Úc là doanh nghiệp sản xuất tôm giống lớn nhất cả nước. Năm 2014 cung cấp 15 tỷ con giống, chiếm 15% thị phần tôm giống cả nước, năm 2015 dự kiến sẽ cung cấp 40 tỷ con giống có chất lượng ra thị trường, chiếm 40% thị phần cả nước.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của công ty Hải Nguyên với 60ha mặt nước. Đây là hướng đi mới của một số doanh nghiệp nuôi tôm lớn ở Bạc Liêu. Cách nuôi trồng tôm trong nhà có mái che bước đầu đã đem lại hiệu quả cao.
Sau 3 năm liên tục áp dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà kính, doanh nghiệp Hải Nguyên đã cho thấy việc nuôi tôm là quanh năm, hạn chế dịch bệnh, kiểm soát được chất, lượng, giảm thiểu rủi ro. Năng suất 250 tấn/ha/năm, trọng lượng 1 con tôm lên tới 33 gram. Với chất lượng con tôm hiện nay, 1 con tôm đã có giá trị ngang bằng 1 kg lúa.
Tại các điểm đến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nghe báo cáo một số công nghệ nuôi tôm hiện đại như: Công nghệ nuôi tôm bố mẹ, công nghệ thức ăn và công nghệ tôm thương phẩm, đồng thời lắng nghe những kiến nghị, đề xuất về chính sách hỗ trợ đối với những doanh nghiệp quyết tâm đầu tư nuôi tôm bằng công nghệ mới với mục tiêu nâng tầm chất lượng con tôm Việt.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, khi công nghệ chăn nuôi mới được ứng dụng, chắc chắn người nông dân sẽ nhanh chóng áp dụng vì bài toán năng suất chăn nuôi theo mô hình mới đã được hoá giải. Đối với con tôm ở Tây Nam bộ, việc phát triển kinh tế chăn nuôi theo chuẩn mới, với công nghệ hiện đại dựa trên mối quan hệ người nông dân, doanh nghiệp và thị trường sẽ tạo ra tam giác phát triển trong tương lai.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bạc Liêu nhanh chóng bắt tay xây dựng mô hình phát triển các hộ gia đình nông dân nuôi tôm với quy mô nhỏ, chất lượng cao, gắn với quản lý bằng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại.
Cùng ngày, Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tới thăm Nhà máy điện gió Bạc Liêu và Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh đặc thù miền núi, UBND huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai mô hình trồng nấm. Sau gần ba năm thực hiện, từ hiệu quả kinh tế cao, nghề trồng nấm đã mở ra hướng đi mới cho nhiều hộ dân trên địa bàn.
Đầu năm 2015, gia đình chị Đỗ Thị Diễm Vân ở thôn Phước Thiện 3 (xã Phước Sơn, Ninh Phước, Ninh Thuận) đầu tư 300 triệu đồng mua máy liên hợp thu hoạch bắp phục vụ sản xuất.
Theo tổng hợp từ Sở NN&PTNT, đợt nắng hạn gay gắt vừa qua đã làm trên 2.260 ha chè cháy lá, thiệt hại từ 30 - 70%; gần 850 ha chè coi như “xóa sổ” hoàn toàn. Tại các vùng chè trên địa bàn tỉnh Nghệ An, người dân và chính quyền các địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp “cứu chè”.
Là loại cây ăn quả dễ trồng, phù hợp với trình độ thâm canh của đồng bào miền núi, với thị trường sẵn có, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) dự định sẽ phát triển giống dứa Cayenne (thơm Tây) nhằm tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập.
Bộ Nông, Lâm, Thủy sản Nhật Bản vừa cấp phép cho trái xoài Đồng Nai xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Đây là cơ hội rất lớn để xoài Đồng Nai thâm nhập vào thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện “cần và đủ” về tiêu chuẩn, ngoài ra còn phụ thuộc rất lớn quá trình sản xuất của nông dân.