Ông Lê Văn Tám Bội Thu Từ Trồng Ổi
Ông Lê Văn Tám ở thôn 1 xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đang có vụ thu hoạch bội thu, khi 2.000 gốc ổi cho lứa quả đầu tiên sau gần 2 năm nỗ lực chăm bón. Cứ hai ngày một lượt, khách hàng từ dưới phố lên chọn quả hái khoảng 300 kg. Với giá 6.000 đồng/kg, mỗi lần xuất bán như vậy, ông có 1,8 triệu đồng.
Từ giữa tháng 7 đến nay, khu vườn ổi rộng 2,5 ha ấy đã cho ông hơn 6 tấn quả, trị giá gần 40 triệu đồng. Thu hái liên tục như vậy, nhưng những cây ổi vẫn trĩu quả. Ông Tám cho biết, loại ổi bom da sành lấy giống từ Đồng Nai này cho quả quanh năm. Quả lớn nhất từ 0,7 - 0,8 kg. Chăm bón tốt, mỗi cây cho khoảng 100 kg quả/năm.
Nhẩm tính sơ sơ, khu vườn ổi của lão nông vùng sơn cước này mỗi năm cho 200 tấn quả, bán ngay tại vườn đã thu 1,2 tỷ đồng. Nhiều người ngạc nhiên trước con số khó tin đó và đếm quả trên cây: khoảng 90 quả cả to, nhỏ. “Chừng ấy quả khi thu hoạch đã 60 - 70 kg rồi. Cây ra quả quanh năm mà. Loại ổi này ở Đồng Nai, người ta thu 130 - 150 kg/năm là thường. Thổ nhưỡng ở đây không màu mỡ cho lắm, chăm bón tốt thu 100 - 110 kg/năm trong tầm tay”, ông Tám từ tốn cho biết.
Ông Tám không phải dân gốc ở xã miền núi Hòa Ninh. Sau nhiều năm làm kinh tế trang trại ở Gia Lai với vườn tiêu 2 ha, nhớ Đà Nẵng quê nhà, ông về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Chưa kịp nghỉ ngơi, ông bỏ phố lên núi mua đất lập vườn. Bao nhiêu vốn liếng ông dồn cho vườn ổi. Tính ra cả tiền mua đất, xây nhà, lập vườn, cây giống, đầu tư hệ thống tưới bằng vòi phun xoay… ngót 2 tỷ đồng. Thiếu tiền, ông lập dự án đưa xuống Phòng Giao dịch Hòa Sơn thuộc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Hòa Vang xin vay vốn. Cán bộ ngân hàng đến tận nơi thẩm định, quyết định cho ông vay 500 triệu đồng. Có thêm vốn, vừa mua thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất, ông Tám xây thêm chuồng trại nuôi hàng trăm con gà ta, trồng 500 bụi tre lấy măng Điền Trúc. Nay thì cả 3 thứ đều cho thu hoạch, tổng doanh thu khoảng 1,5 - 1,6 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lãi ròng hơn 500 triệu.
Gặp bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Phòng giao dịch Hòa Sơn, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Hòa Vang tại vườn ổi, chúng tôi hỏi: “Cho vay số tiền lớn như vậy có sợ khó thu hồi vốn? Kinh tế trang trại, nhất là lĩnh vực trồng cây ăn quả nhiều rủi ro lắm”, bà Hương cho biết: “Với người khác còn có thể nghi ngại, riêng ông Tám thì không. Không chỉ cần cù, chịu khó mà ông còn có kiến thức trong làm kinh tế trang trại, đầu tư bài bản. Và sự nỗ lực của ông đã được đền đáp xứng đáng, chỉ tính vụ ổi bội thu này đã dư sức trả nợ. Những người có nghị lực và khả năng như ông Tám phải tạo điều kiện về vốn để họ mạnh dạn đầu tư làm ra nhiều của cải. Ngân hàng là bạn đồng hành cùng nhà nông mà”.
Có thể bạn quan tâm
Để Dự án hoạt động tốt, Chi cục Lâm nghiệp (đơn vị thực thi Dự án) đề nghị Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ một số hoạt động như: thành lập thêm các nhóm sở thích về quế và thảo quả; quy hoạch vùng sản xuất quế tập trung; xác lập quyền chỉ dẫn địa lý Yên Bái cho sản phẩm quế của tỉnh; các hoạt động về quảng bá và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Đối với một quả dưa bao từ đạt loại 1 chỉ khoảng 3 ngày tuổi, vì thế, ngày nào cũng phải thu hoạch nếu không quả to quá sẽ không được giá. Ngoài ra, trong giai đoạn thu hoạch, cây cần đảm bảo lượng nước tưới và phân bón đầy đủ nếu không sẽ rất nhanh ruỗng dây, không đảm bảo năng suất theo kế hoạch.
Mô hình "Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý sâu bệnh trên đồng rộng" hay gọi đơn giản như nông dân là "Trồng hoa trên bờ ruộng" trên địa bàn huyện Tân Phước (Tiền Giang) 4 năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc phòng chống rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá.
Những ngày này, người dân đảo Bé đội mưa gió thu hoạch hết diện tích hành Thu Đông bị thối rữa bởi nước mưa. Dọc các trục đường trên đảo Bé, đâu đâu cũng thấy cây hành được chất thành đống phơi ngoài mưa gió và chờ mang ra biển đổ. Đời sống của người nông dân trên đảo Bé vốn đã khổ nay lại khổ hơn bởi tất cả vốn liếng mà họ đầu tư cho vụ hành này gần như mất trắng.
Để giải quyết thực trạng rau an toàn (RAT) sản xuất ra không có nơi tiêu thụ, trong khi đó, người tiêu dùng lại không biết mua RAT ở đâu, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức các hoạt động liên kết giữa người sản xuất với người tiêu dùng (NTD) và DN. Hy vọng, với cách làm này, sẽ giải quyết được những tồn tại để mở lối ra cho RAT.