Ông Giám Đốc Làm Bà Đỡ Của Nông Dân
Với nhiều hộ trồng cao su tiểu điền ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, ông Trần Viết Lượng- Giám đốc Doanh nghiệp Cao su Thanh Long (trụ sở ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) là một "bà đỡ" thực sự.
Bây giờ ông Lượng đã là chủ một doanh nghiệp trồng và chế biến mủ cao su lớn nhất ở huyện Bố Trạch với doanh thu gần 40 tỷ đồng mỗi năm, nhưng ít ai biết rằng, cơ ngơi tiền tỷ đó được vợ chồng ông dựng lên từ hai bàn tay trắng.
Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, ông Lượng kể: Vợ chồng ông là công nhân của Nông trường Cao su Việt Trung. Năm 1992, hai vợ chồng về hưu nhưng với đồng lương hưu ít ỏi không thể đủ trang trải cuộc sống trong khi cả 4 con đều đang tuổi ăn học. Vào thời điểm đó, Nhà nước đang có chính sách kêu gọi người dân khai hoang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Không đắn đó, vợ chồng ông nhận hơn 20ha đất trồng cao su tiểu điền.
Để có tiền nuôi cao su, ông trồng xen dưa hấu, đậu, lạc… "Mình nghèo nên không thể có tiền để bỏ ra làm một lúc, phải lấy ngắn nuôi dài, đó là cách duy nhất để người tay trắng như mình theo đuổi được cây cao su"- ông Lượng tâm sự.
Năm 2000 những cây cao su đầu tiên bắt đầu cho mủ. Những năm tiếp, lần lượt 20ha cao su được đưa vào khai thác đã đem về cho ông mỗi năm trên 1 tỷ đồng… Nhưng thời điểm đó, việc tiêu thụ mủ cao su gặp rất nhiều khó khăn vì phụ thuộc vào công ty cao su. Đầu năm 2003, ông quyết định đứng ra thành lập Doanh nghiệp Cao su Thanh Long làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho người trồng cao su tiểu điền.
Doanh nghiệp của ông không chỉ tiêu thụ mủ cho người đang trồng cao su, mà nhiều ND bắt đầu lập trang trại trồng cao su thiếu vốn, kỹ thuật tìm đến ông Lượng đều được ông giúp đỡ, cho vay không lấy lãi nhiều năm liền để chăm sóc cây cao su.
Ông Lê Thanh Trúc, một hộ trồng cao su tiểu điền ở thị trấn Nông trường Việt Trung tâm sự: "Gia đình tui ở tận xã Xuân Trạch xuống đây xin đất trồng cao su. Anh Lượng đã cho tôi vay vốn, giúp kỹ thuật, thậm chí "chạy" giấy tờ đất cho chúng tôi". "Gia đình tôi bán mủ cho ông Lượng gần 10 năm nay.
Bán mủ cho ông ấy chúng tôi thu được tiền ngay, giá cả lại hợp lý nên rất yên tâm. Hơn nữa, khi cần việc lớn, đến gặp ông Lượng chúng tôi đều được ứng tiền trước"- ông Dương Tiến Hùng ở xã Tây Trạch tâm sự. Biết chia sẻ và giúp đỡ mọi người, mỗi khi nhắc đến ông Lượng, nhiều người trìu mến gọi ông là giám đốc của ND...
Có thể bạn quan tâm
Hai tổ chức chứng nhận Friend of the Sea (FOS) và GlobalGAP đã công bố cùng hợp tác trong việc dán nhãn tiêu dùng cho hơn 2 triệu tấn thủy sản nuôi.
Những năm gần đây, thường cứ vào tháng 5-6 là thời điểm dịch bệnh tai xanh lại bùng phát trên đàn lợn và diễn biến phức tạp. Để giảm thiểu thiệt hai do dịch bệnh gây ra, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.
Ông Hà Văn Rem, một trong những nông dân có nhiều thâm niên trong việc trồng môn cho biết, nhờ trồng môn mà đời sống người dân trong ấp Đại An (Trà Vinh) không ngừng được cải thiện, nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố đã mọc lên từ thu nhập “trồng môn”.
Bước vào vụ thu hoạch năm nay, những nông dân trồng ớt ở Bố Trạch (Quảng Bình) chưa kịp vui mừng vì được mùa thì phải khốn khổ với nỗi lo ớt rớt giá.
Qua học hỏi kinh nghiệm các mô hình nuôi hàu ở các tỉnh ven biển, anh Nguyễn Văn Thiệu đã về quê (khóm 5, Thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đầu tư nuôi hàu bằng bè trên sông nhằm tăng thu nhập cho gia đình.