Ổn Định Khoản Lãi 600 Triệu Đồng/ha/năm
HTX Nông nghiệp An Phú, Đức Trọng đang xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau xanh với nhiều đối tác trong và ngoài nước, nhằm hướng đến ổn định khoản lãi từ 500 - 600 triệu đồng/ha/năm.
Sản xuất theo hợp đồng
Qua 9 năm hoạt động, HTX Nông nghiệp An Phú đã vượt qua nhiều thử thách, tạo dựng uy tín của mình để gắn kết sản xuất theo hợp đồng với nhiều đối tác khác nhau.
Điều này thể hiện rõ nét ngay từ đầu năm kế hoạch 2014 khi HTX ưu tiên nguồn vốn hơn 1,3 tỷ đồng nâng cấp vườn ươm 4.000m² tại thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An. Đi vào hoạt động, vườn ươm đã nhanh chóng hòa nhập môi trường cạnh tranh tích cực với hệ thống vườn ươm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân khác trong huyện Đức Trọng.
Mỗi tháng, bên cạnh hàng trăm ngàn cây giống chất lượng cao (chiếm khoảng 60%) xuất bán trực tiếp cho người sản xuất ở trong và ngoài huyện Đức Trọng, vườn ươm của HTX đã “tự sản tự tiêu” chiếm khoảng 40% tỷ lệ cây giống rau “thành phẩm” của mình. “Tất cả các giống rau của HTX sản xuất, đưa ra trồng ngoài đồng là do sự lựa chọn của đối tác hợp đồng bao tiêu sản phẩm…” - Giám đốc HTX, ông Lê Văn Ba nói.
Thực tế, từ tháng 2/2014 đến nay, HTX đã “tiếp đón” một đối tác từ Đài Loan đến vườn ươm chọn 2 giống rau để hợp tác sản xuất là bắp cải và cải thảo. Kết quả, sau 2 tháng chăm sóc và thu hoạch trên diện tích 4ha, HTX đã xuất khẩu sang Đài Loan khoảng 30 tấn rau bắp cải, cải thảo; dự kiến từ tháng 10/2014 trở đi, sản lượng xuất khẩu sẽ tăng lên 50 tấn/tháng.
Hợp đồng này có hiệu lực đến hết năm 2016, trong đó giữa thành viên và HTX đã thống nhất những điều khoản thỏa thuận gồm: Bên HTX cung ứng giống rau, kỹ thuật sản xuất, vật tư phân bón và thu 5% trên tổng số lợi nhuận; bên thành viên HTX có đất sản xuất, công lao động và được hưởng 95% lợi nhuận - sau khi đã thanh toán đủ nguồn vốn đầu tư ứng trước ban đầu từ HTX.
Hợp đồng với phía đối tác trong tỉnh, HTX vừa triển khai xuống giống 2ha trồng cà chua giống mới và 2ha trồng xà lách Mỹ tại địa bàn xã N’Thol Hạ, Đức Trọng. “Giám đốc Ba” cho biết, cà chua trồng ở đây là giống mới, cũng được sản xuất tại vườn ươm của HTX.
Qua trồng thử nghiệm trên nhiều thửa vườn nhà kính, nhà lưới thuộc vùng nông nghiệp Đức Trọng, cà chua đã đạt năng suất lên đến 120 tấn/lứa/4 tháng. Có quả cà chua cân nặng từ 100 - 180gam. Cà chua mỗi năm sản xuất 2 lứa, thời gian còn lại trong năm, HTX trồng luân canh các loại rau ngắn ngày để cải tạo đất và tăng thêm thu nhập.
Nhờ hợp đồng ấn định trước giá bao tiêu cả năm, nên HTX đã “cầm chắc” khoản lãi trồng cà chua khoảng 600 triệu đồng/ha/năm. Tương tự, bằng việc bao tiêu xà lách Mỹ luân canh với các loại rau xà lách mỡ, bó xôi, HTX đã hạch toán đủ khoản lời 600 triệu đồng/ha/năm trước khi chính thức đặt bút ký hợp đồng sản xuất với đối tác.
Chế biến rau trên đồng
Hiện nay, HTX Nông nghiệp An Phú có 20 thành viên với trên 20ha đất trồng rau các loại, phần lớn đều sản xuất theo hợp đồng, từng bước ổn định khoản lời 600 triệu đồng/ha.
Trong quá trình sản xuất, HTX có “định biên” một chuyên gia nông nghiệp (học vị thạc sĩ) chịu trách nhiệm tổ chức, đào tạo và hướng dẫn trực tiếp cho từng hộ thành viên về kỹ thuật, công nghệ khép kín từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc đến khâu thu hoạch, sơ chế.
Đặc biệt, HTX đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất mẫu theo hướng công nghệ cao, thực hành đối chứng, hội thảo đầu bờ rồi từng bước nhân rộng từ đồng rau của HTX ra đến các đồng rau lân cận.
Được biết, HTX vừa thông qua Dự án xây dựng nhà máy chế biến rau, quả, tọa lạc trên 1ha tại thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An, Đức Trọng. Với nguồn vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng, nhà máy đi vào hoạt động đạt công suất sơ chế 100 tấn rau/tháng.
Dây chuyền sơ chế rau gồm cắt gọt, làm lạnh, hút chân không đóng gói… để vận chuyển đi tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước.
Nếu mọi thủ tục được hoàn tất, dự kiến nhà máy chính thức vận hành trong năm 2015. Lúc đó, năng lực HTX có thể liên kết mới với khoảng 200 hộ gia đình ngoài thành viên HTX để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất theo hợp đồng.
Có thể bạn quan tâm
Người đánh bắt cá, lươn bằng xuyệt điện đi qua thì cánh đồng, khúc sông "ngoắc ngoải" bởi sự đánh bắt tận diệt của con người. Trên thực tế, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện đang tăng dần, môi trường sống bị đe dọa nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt…
Sau một thời gian dài bị các loại cây trồng khác “lấn át”, tới cuối năm 2012 toàn tỉnh đã có 3.888 ha dâu với năng suất lá bình quân 113 tạ/ha, sản lượng 42.348 tấn và hiện đang phát triển nhanh trở lại ở các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng - trừ Đà Lạt và Lạc Dương. Mục tiêu của UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT và các huyện, thành phố trong tỉnh là tới cuối năm 2013 này phải nâng diện tích cây dâu tằm của địa phương lên trên 4.065 ha.
Trong đó yêu cầu các địa phương tập trung nguồn nhân lực, máy móc khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân 2012 - 2013 theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng", thu hoạch đến đâu làm đất tới đó.
Long Khánh được xem là vựa trái cây lớn của Đồng Nai và của cả khu vực miền Đông Nam bộ. Hiện chôm chôm Long Khánh đang vào cao điểm thu hoạch. Tuy nhiên, hầu hết các nhà vườn đều kém vui vì giá bán tỷ lệ nghịch với năng suất.
Vụ đông xuân 2012 - 2013, huyện Hòa Bình thí điểm thành công mô hình trồng lúa theo hướng VietGAP với diện tích 96ha của 120 hộ dân trên địa bàn xã Vĩnh Bình. Sau khi thí điểm thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng trong vụ hè thu tới.