Ô Nhiễm Môi Trường Từ Những Ao Nuôi Tôm Trên Cát
Năm công ty và nhóm hộ nuôi tôm trên cát vừa bị đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với số tiền gần 1 tỷ đồng. Đó là con số khiêm tốn khi biết hầu hết các công ty và hộ nuôi tôm trên cát chưa có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải và đã thải nước tùy tiện.
Nước thải nuôi tôm chưa qua xử lý gây ô nhiễm
Chúng tôi đến xã Điền Hòa (Phong Điền - Thừa Thiên Huế) vào ngày trung tuần tháng 11, người dân ở đây phản ánh về việc nuôi tôm của Công ty TNHH Thiên An Phú, nhóm hộ Văn Công Phục và nhiều hộ nuôi tôm khác thải nước nuôi tôm chưa qua xử lý gây ô nhiễm nước ngầm và nước biển. Việc nuôi tôm trên cát ở đây được đầu tư khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng hệ thống cống bằng xi măng để xử lý nước thải mà nước thải được thải thẳng ra mặt đất. Một người dân phản ánh: “Mỗi lần thu hoạch tôm hoặc vệ sinh hồ nuôi, nước thải chảy mạnh, bốc mùi hôi thối khó chịu.
Nước thải chưa qua xử lý mà thải trực tiếp ra ngoài không những làm ô nhiễm môi trường xung quanh, mà còn làm ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước biển”. Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết: “Đến nay trên địa bàn tỉnh có 360 ha nuôi tôm trên cát; trong đó, huyện Phong Điền có 270 ha, Phú Vang 40 ha, Phú Lộc 15 ha và Quảng Điền 5 ha. Hầu như các diện tích nuôi tôm đều không có ao lắng để xử lý nước thải và không có kênh để thải nước thải ra biển. Các công ty và hộ nuôi tôm chủ động cho lượng nước thải chảy ra trực tiếp qua các khe tự nhiên hoặc trên mặt đất, ngấm vào lòng đất, sau đó ra biển”.
Tính toán sơ bộ, cứ 1 ha nuôi tôm thải ra gần 8 tấn chất thải rắn, như vỏ tôm khi tôm lột vỏ, thức ăn dư thừa cùng với hàng chục nghìn m3 nước thải khác. Việc này gây ô nhiễm và mặn hóa nguồn nước ngầm, khiến dịch bệnh lây lan. Dù nuôi tôm trên cát mới phát triển mạnh mấy năm gần đây, các tác động môi trường có thể chưa thực sự đáng kể, nhưng nguy cơ là điều rất đáng được cảnh báo. Nếu công tác quy hoạch, quản lý nuôi tôm trên cát không tốt, không những sẽ nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng về môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả nuôi trồng và sau đó là đe dọa sức khỏe cộng đồng và các hoạt động kinh tế khác.
Cần có giải pháp khắc phục triệt để
Ông Nguyễn Minh Đức, cho biết: “Để nuôi tôm trên cát phát triển bền vững, trước hết các công ty và hộ nuôi cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, chấp hành tốt khâu xử lý nước thải. Với quan điểm lấy nước đầu vào ở đâu thì nước thải phải thải ra ở đó. Làm được như vậy, các công ty và hộ nuôi cần phải có ao xử lý nước thải đa cấp, tức là nước thải từ ao nuôi cho ra ao xử lý nước thải thứ nhất, khoảng vài ngày sau đó cho ra ao lắng tiếp theo, lúc đó mới cho ra biển. Đối với các hộ nuôi tôm không có diện tích để đầu tư ao lắng thì 4 đến 5 hộ cần phải hy sinh một ao nuôi để làm ao xử lý nước thải chung. Có như vậy, may ra nuôi tôm trên cát mới phát triển lâu dài và bền vững”.
Công ty cổ phần Chăn nuôi CP đã ứng dụng ao xử lý nước thải đa cấp, sau khi xử lý nước thải xong lấy lại nguồn nước đó vào sử dụng cho nuôi trồng. Công ty còn thả nuôi cá rô phi trong lồng ở trong ao nuôi tôm hoặc nuôi cá rô phi ở ao xử lý nước thải cấp 2. Tương tự, Công ty cổ phần Trường Sơn xác định việc bảo vệ môi trường là điều kiện cốt yếu nhất mang lại hiệu quả trong nuôi trồng. Thời gian qua, công ty sử dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản và đã hạn chế được nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Dù nuôi tôm bất kỳ ở đâu, chất thải là vấn đề cần quan tâm hàng đầu. Các mô hình nuôi tôm trên cát hiện nay xả nước thải còn tùy tiện, đa số được thải trực tiếp ra biển, ảnh hưởng quá trình sinh trưởng và phát triển của nguồn lợi hải sản tự nhiên. Nếu nước thải không được xử lý hoặc xử lý không tốt và triệt để trước khi thải ra biển, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước tại khu vực này và hậu quả tất yếu là sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả nuôi trồng của những năm tiếp theo.
Để nuôi tôm trên cát phát triển bền vững và thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngay từ bây giờ, các công ty và hộ nuôi cần có sự liên kết trên mọi mặt, nhất là việc đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải. Trước mắt, chỉ có một số công ty tham gia nuôi với diện tích ít, thời gian tới diện tích nuôi tôm được mở rộng, nếu các hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải không đảm bảo thì nuôi tôm trên cát sẽ gặp không ít khó khăn.
Do xây lắp không đúng công trình xử lý môi trường (hệ thống xử lý nước thải), cuối năm 2012, UBND tỉnh có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các công ty, nhóm hộ nuôi tôm ở huyện Phong Điền với số tiền gần 1 tỷ đồng; trong đó, Công ty cổ phần Trường Sơn 323.770.000 đồng; Công ty TNHH Thiên An Phú 154.885.000 đồng; Nhóm hộ Văn Công Phục 152.885.000 đồng; nhóm hộ Trần Văn Thành 193.000.000 đồng và nhóm hộ Mai Xuân Lộng 166.885.000 đồng.
Có thể bạn quan tâm
Thôn Định Thắng, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên có 13 hộ dân. Trong đó đều thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, đông con quanh năm sống trong nhà tranh vách đất
Tận dụng phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp và nguồn lao động dồi dào, UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) đã xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng nấm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại thu nhập cao cho nông dân
Trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác nhưng nhờ biết tận dụng tối đa diện tích đất bằng các biện pháp trồng xen, nuôi xen đã giúp cho nhiều hộ nông dân tăng nguồn thu nhập đáng kể. Nông dân sản xuất giỏi được nhiều người biết đến đó là ông Uông Thành Nam ở ấp Mỹ Đức, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam là một trong những hộ nông dân áp dụng thành công mô hình trồng xen cây ca cao trong vườn dừa kết hợp với trồng bưởi da xanh và nuôi ba ba lợi nhuận từ 4 công vườn đem lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Cây dưa hấu không ít lần khiến nhiều hộ dân ở Bình Định đổ nước mắt, thậm chí lâm cảnh tán gia bại sản vì thua lỗ. Sự phát triển ào ạt của dưa hấu không tuân thủ quy hoạch dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
Nấm Phytopthora hại rễ là nguyên nhân chính gây nên bệnh “chết nhanh” trên tiêu ở Tây Nguyên.