Ô Nhiễm Môi Trường Từ Những Ao Nuôi Tôm Trên Cát

Năm công ty và nhóm hộ nuôi tôm trên cát vừa bị đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với số tiền gần 1 tỷ đồng. Đó là con số khiêm tốn khi biết hầu hết các công ty và hộ nuôi tôm trên cát chưa có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải và đã thải nước tùy tiện.
Nước thải nuôi tôm chưa qua xử lý gây ô nhiễm
Chúng tôi đến xã Điền Hòa (Phong Điền - Thừa Thiên Huế) vào ngày trung tuần tháng 11, người dân ở đây phản ánh về việc nuôi tôm của Công ty TNHH Thiên An Phú, nhóm hộ Văn Công Phục và nhiều hộ nuôi tôm khác thải nước nuôi tôm chưa qua xử lý gây ô nhiễm nước ngầm và nước biển. Việc nuôi tôm trên cát ở đây được đầu tư khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng hệ thống cống bằng xi măng để xử lý nước thải mà nước thải được thải thẳng ra mặt đất. Một người dân phản ánh: “Mỗi lần thu hoạch tôm hoặc vệ sinh hồ nuôi, nước thải chảy mạnh, bốc mùi hôi thối khó chịu.
Nước thải chưa qua xử lý mà thải trực tiếp ra ngoài không những làm ô nhiễm môi trường xung quanh, mà còn làm ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước biển”. Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết: “Đến nay trên địa bàn tỉnh có 360 ha nuôi tôm trên cát; trong đó, huyện Phong Điền có 270 ha, Phú Vang 40 ha, Phú Lộc 15 ha và Quảng Điền 5 ha. Hầu như các diện tích nuôi tôm đều không có ao lắng để xử lý nước thải và không có kênh để thải nước thải ra biển. Các công ty và hộ nuôi tôm chủ động cho lượng nước thải chảy ra trực tiếp qua các khe tự nhiên hoặc trên mặt đất, ngấm vào lòng đất, sau đó ra biển”.
Tính toán sơ bộ, cứ 1 ha nuôi tôm thải ra gần 8 tấn chất thải rắn, như vỏ tôm khi tôm lột vỏ, thức ăn dư thừa cùng với hàng chục nghìn m3 nước thải khác. Việc này gây ô nhiễm và mặn hóa nguồn nước ngầm, khiến dịch bệnh lây lan. Dù nuôi tôm trên cát mới phát triển mạnh mấy năm gần đây, các tác động môi trường có thể chưa thực sự đáng kể, nhưng nguy cơ là điều rất đáng được cảnh báo. Nếu công tác quy hoạch, quản lý nuôi tôm trên cát không tốt, không những sẽ nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng về môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả nuôi trồng và sau đó là đe dọa sức khỏe cộng đồng và các hoạt động kinh tế khác.
Cần có giải pháp khắc phục triệt để
Ông Nguyễn Minh Đức, cho biết: “Để nuôi tôm trên cát phát triển bền vững, trước hết các công ty và hộ nuôi cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, chấp hành tốt khâu xử lý nước thải. Với quan điểm lấy nước đầu vào ở đâu thì nước thải phải thải ra ở đó. Làm được như vậy, các công ty và hộ nuôi cần phải có ao xử lý nước thải đa cấp, tức là nước thải từ ao nuôi cho ra ao xử lý nước thải thứ nhất, khoảng vài ngày sau đó cho ra ao lắng tiếp theo, lúc đó mới cho ra biển. Đối với các hộ nuôi tôm không có diện tích để đầu tư ao lắng thì 4 đến 5 hộ cần phải hy sinh một ao nuôi để làm ao xử lý nước thải chung. Có như vậy, may ra nuôi tôm trên cát mới phát triển lâu dài và bền vững”.
Công ty cổ phần Chăn nuôi CP đã ứng dụng ao xử lý nước thải đa cấp, sau khi xử lý nước thải xong lấy lại nguồn nước đó vào sử dụng cho nuôi trồng. Công ty còn thả nuôi cá rô phi trong lồng ở trong ao nuôi tôm hoặc nuôi cá rô phi ở ao xử lý nước thải cấp 2. Tương tự, Công ty cổ phần Trường Sơn xác định việc bảo vệ môi trường là điều kiện cốt yếu nhất mang lại hiệu quả trong nuôi trồng. Thời gian qua, công ty sử dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản và đã hạn chế được nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Dù nuôi tôm bất kỳ ở đâu, chất thải là vấn đề cần quan tâm hàng đầu. Các mô hình nuôi tôm trên cát hiện nay xả nước thải còn tùy tiện, đa số được thải trực tiếp ra biển, ảnh hưởng quá trình sinh trưởng và phát triển của nguồn lợi hải sản tự nhiên. Nếu nước thải không được xử lý hoặc xử lý không tốt và triệt để trước khi thải ra biển, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước tại khu vực này và hậu quả tất yếu là sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả nuôi trồng của những năm tiếp theo.
Để nuôi tôm trên cát phát triển bền vững và thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngay từ bây giờ, các công ty và hộ nuôi cần có sự liên kết trên mọi mặt, nhất là việc đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải. Trước mắt, chỉ có một số công ty tham gia nuôi với diện tích ít, thời gian tới diện tích nuôi tôm được mở rộng, nếu các hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải không đảm bảo thì nuôi tôm trên cát sẽ gặp không ít khó khăn.
Do xây lắp không đúng công trình xử lý môi trường (hệ thống xử lý nước thải), cuối năm 2012, UBND tỉnh có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các công ty, nhóm hộ nuôi tôm ở huyện Phong Điền với số tiền gần 1 tỷ đồng; trong đó, Công ty cổ phần Trường Sơn 323.770.000 đồng; Công ty TNHH Thiên An Phú 154.885.000 đồng; Nhóm hộ Văn Công Phục 152.885.000 đồng; nhóm hộ Trần Văn Thành 193.000.000 đồng và nhóm hộ Mai Xuân Lộng 166.885.000 đồng.
Related news

Căn cứ vào mức giá thành sản xuất lúa nói trên, các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp, cá nhân tổ chức thu mua lúa với giá định hướng đảm bảo mức lãi tối thiểu cho người sản xuất lúa vụ đông xuân 2014-2015.

Mới đầu năm, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã phải “đấu” với Bộ Công thương quanh vấn đề nên hay không việc cho nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào với thuế suất ưu đãi 0%.

Có dịp ghé thăm TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), dọc các tuyến đường Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành, Phan Bội Châu…, chúng ta dễ dàng bắt gặp những khóm lan rừng với đủ các chủng loại được bày bán phục vụ du khách gần xa đam mê thú chơi lan rừng. Chỉ với giá 30- 50.000đ là người chơi có thể sở hữu được một khóm lan, khóm lớn hơn có giá từ 70 -100.000đ.

Sản xuất lúa chất lượng cao được các DN đứng ra bao tiêu toàn bộ, với giá ổn định cao hơn thị trường, gồm các Cty chuyên thu mua, như Cty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà, Cty TNHH Phát Tài; Trung tâm Giống An Giang; Cty TNHH Vĩnh Hoàn 2; Cty TNHH MTV Thương mại Xuất nhập khẩu Tân Phát; Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam liên kết tiêu thụ…

Năm vừa qua, dịch bệnh trên đàn heo được khống chế, người nuôi heo ở huyện Hoài Ân (Bình Định) ào ạt tăng đàn, những mong bội thu vào thời điểm cận Tết Nguyên đán. Nào ngờ giá heo đã không tăng, lại ngày càng giảm thấp, khiến người nuôi heo ở nơi được mệnh danh là vựa heo miền Trung đang buồn nẫu ruột.