Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ô Nhiễm Môi Trường Từ Chất Thải Chăn Nuôi

Ô Nhiễm Môi Trường Từ Chất Thải Chăn Nuôi
Ngày đăng: 14/07/2014

Hiện nay, tại nhiều làng quê trong tỉnh Bắc Giang, chất thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa qua xử lý đổ trực tiếp ra nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống người dân.

Nhiều trang trại gây ô nhiễm

Cùng lãnh đạo thôn Kép, xã Việt Tiến (Việt Yên) đi một vòng quanh trang trại chăn nuôi của gia đình ông Hà Chuẩn Chinh thuộc địa bàn thôn cho thấy, từ xa đã bốc lên mùi xú uế nồng nặc. Màu nước thải đen ngòm của trang trại chảy ra kênh mương, đồng ruộng liền kề.

Ông Đoàn Thanh Tĩnh, Trưởng thôn Kép cho biết: "Không những gây mùi khó chịu, trang trại chăn nuôi còn ảnh hưởng đến nguồn nước, hoạt động sản xuất của bà con. Ban lãnh đạo thôn đã làm đơn đến nhiều cơ quan chức năng đề nghị giải quyết song đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn, gây bức xúc trong nhân dân”.

Theo lãnh đạo thôn Kép, năm 2002 ông Hà Chuẩn Chinh ở xã Lương Phong (Hiệp Hoà) thuê đất tại thôn trong thời gian 50 năm với mục đích đầu tư dự án nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và tuyển con em những hộ bị thu hồi đất vào làm việc. Thế nhưng, khi xây dựng xong ông Chinh lại không làm như lời hứa ban đầu mà xây dựng trang trại nuôi lợn siêu nạc quy mô hơn 1,5 nghìn con và kinh doanh một số dịch vụ khác.

Các hầm biogas dù được xây nhưng đã hỏng, bỏ không dẫn đến chất thải từ trang trại chưa được xử lý tràn ra môi trường. Mỗi vụ, thôn có khoảng 5 ha lúa mất trắng do nước thải từ trang trại gây ra. Ngoài ra, một số ao cá bị chết hàng loạt khi lấy nước thay thế đúng vào đợt trang trại xả thải ra kênh mương khiến nhiều hộ thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Tương tự một số trang trại tại xã Tự Lạn, Thượng Lan của Việt Yên cũng lén lút xả chất thải chưa qua xử lý ra ngòi Lái Nghiên, tập kết chất thải chăn nuôi ven đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với các trang trại, nhiều hộ chăn nuôi cũng đang gây ô nhiễm môi trường tại các làng quê. Mặc dù nhiều hộ đã xây hầm khí biogas để xử lý chất thải nhưng vẫn không xuể. Gia đình ông Lương Văn Đạt, thôn Tân Lập, xã Tự Lạn (Việt Yên) thường xuyên nuôi 30 con lợn bột mỗi lứa. Có hầm khí biogas hơn 10 mét khối nhưng chỉ chứa được chất thải của 20 con còn lại ông phụt nước rửa cho chất thải chảy tuột ra mương của thôn.

Phần lớn các hộ chăn nuôi đều làm như ông Đạt. Thế nên đi dọc các kênh mương chảy qua địa bàn Lạng Giang, Hiệp Hoà, Tân Yên… nhất là các cống rãnh ven làng đâu đâu cũng thấy nước thải chảy xuống lòng kênh. Đơn cử kênh chính của Trạm bơm Tư Mại (Yên Dũng), đoạn qua xã Cảnh Thụy, Đức Giang có hơn 100 ống dẫn nước thải sinh hoạt, chăn nuôi của các hộ đổ trực tiếp ra kênh khiến lòng kênh đổi màu, bốc mùi nồng nặc. Toàn bộ chất thải nơi đây đổ về các xã cuối kênh.

Tương tự chất thải chăn nuôi cũng bồi lắng cao mấp mé kênh G14, đoạn qua xã Mỹ Thái (Lạng Giang). Nhiều thôn quê ở xã Vân Hà, xã Tăng Tiến (Việt Yên); xã Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) người chăn nuôi lợn rửa chuồng, xả chất thải trực tiếp xuống ao làng và tràn ra ruộng đồng.

Nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường

Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh có gần 200 trang trại chăn nuôi lợn, tập trung tại Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên và hàng nghìn hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ phân tán trong khu dân cư.

Trong 50 trang trại chăn nuôi do Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát có 37/50 cơ sở xử lý chất thải bằng hầm biogas và hồ sinh học, 25/50 chưa làm các thủ tục pháp lý về môi trường và báo cáo kết quả môi trường định kỳ; 10/50 cơ sở xả thải trực tiếp ra môi trường.

Kết quả phân tích mẫu nước thải cho thấy hầu hết hàm lượng các chất đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nồng độ oxy hoá sinh học (BOD5) vượt từ vài lần đến 30 lần; nồng độ oxy hoá hoá học (COD), lưu huỳnh, phốt pho cũng ở mức cao.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, xảy ra tình trạng trên là do trên địa bàn tỉnh tồn tại nhiều cơ sở chăn nuôi với các quy mô khác nhau, việc phân loại chưa rõ nên trở ngại cho công tác quản lý. Nhận thức của nhiều người về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) còn hạn chế, vẫn có tâm lý "sạch mình, bẩn người”; chính quyền sở tại một số nơi nể nang, làm ngơ nên trang trại chăn nuôi mặc nhiên xả thải ra môi trường mà không bị nhắc nhở, xử lý.

Cùng đó, các biện pháp xử phạt chưa đủ mạnh nên tình trạng gây ô nhiễm môi trường tái diễn triền miên. Trước thực tế trên, cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân về trách nhiệm BVMT; thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ về xả thải và tuân thủ xả thải, kiên quyết xử lý đối với cơ sở vi phạm.

Đình chỉ hoạt động, yêu cầu khắc phục hậu quả mới được tiếp tục hoạt động trở lại đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tái diễn nhiều lần; khẩn trương giải đáp dứt điểm những thắc mắc, kiến nghị từ nhân dân, không để khiếu nại kéo dài như trường hợp thôn Kép, xã Việt Tiến (Việt Yên).

Đi đôi với biện pháp trên, ngành nông nghiệp triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như: Làm đệm lót sinh thái; hỗ trợ xử lý nước thải bằng hầm biogas kết hợp với chất thải lỏng dựa vào thực vật thủy sinh.

Thực tế cho thấy nhóm chăn nuôi tập trung thường quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải nên mức độ gây ô nhiễm môi trường thấp hơn nhóm nhỏ lẻ, phân tán. Về lâu dài cần quy hoạch, giảm dần quy mô nông hộ tiến tới chăn nuôi hàng hoá quy mô lớn để khắc phục tình trạng xả thải tràn lan như hiện nay” - Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.


Có thể bạn quan tâm

Giá Cá Tra Sẽ Tiếp Tục Ổn Định Trong Thời Điểm Cuối Năm Giá Cá Tra Sẽ Tiếp Tục Ổn Định Trong Thời Điểm Cuối Năm

Trong tháng 10, diện tích nuôi thả cá tra trên toàn tỉnh Đồng Tháp là 138ha, sản lượng thu hoạch 36 ngàn tấn, tương đương cùng kỳ năm trước. Hiện giá cá tra ở mức 23.000 - 23.500 đồng/kg đối với cá kích cỡ 0,7 - 0,8kg/con. Mức giá này tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước và tương đương cùng kỳ năm trước.

04/11/2014
Doanh Nghiệp Thủy Sản Không Thu Mua Tôm Có Chứa Tạp Chất Doanh Nghiệp Thủy Sản Không Thu Mua Tôm Có Chứa Tạp Chất

Đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20 về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Tại tỉnh Cà Mau, tình trạng kinh doanh mặt hàng tôm có chứa tạp chất đã giảm đến 90% khi các công ty, xí nghiệp đồng loạt không thu mua các mặt hàng tôm chứa tạp chất.

04/11/2014
Hiệu Quả Của Mô Hình Nuôi Cá Ngựa Và Rong Sụn Kết Hợp Ở Cam Ranh (Khánh Hòa) Hiệu Quả Của Mô Hình Nuôi Cá Ngựa Và Rong Sụn Kết Hợp Ở Cam Ranh (Khánh Hòa)

Trong khi nhiều hộ nông dân còn đang loay hoay tìm kiếm mô hình sản xuất phù hợp thì không ít người đã tự tìm ra hướng đi mới, đem lại lợi nhuận kinh tế ổn định cho gia đình. Mô hình trồng rong sụn kết hợp với nuôi cá ngựa của nông dân Lê Văn Hoàng, ở phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) là một hướng mới.

04/11/2014
Nga Hỗ Trợ Việt Nam Nuôi Cá Hồi Nga Hỗ Trợ Việt Nam Nuôi Cá Hồi

Liên bang Nga sẽ nghiên cứu khả năng cung cấp cho Việt Nam vật liệu di truyền cá hồi có nguồn gốc Nga và đề xuất một số loại cá thích hợp để tiến hành nghiên cứu khả năng thích nghi của loài này tại Việt Nam.

04/11/2014
Bình Dương Hỗ Trợ Nông Dân Nâng Cao Hiệu Quả Chăn Nuôi Bò Sữa Bình Dương Hỗ Trợ Nông Dân Nâng Cao Hiệu Quả Chăn Nuôi Bò Sữa

Thời gian qua, chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Bình Dương phát triển khá nhanh. Chi cục Thú y tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tham quan các mô hình để giúp người dân chăn nuôi bò sữa nâng cao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận...

04/11/2014